Tân sinh viên           Người học         Viên chức           Cựu sinh viên         EN

Tọa đàm SDMD lần thứ 11 năm 2025: “Phát triển Kinh tế Biển - Động lực mới cho Phát triển Bền vững Đồng bằng sông Cửu Long”

Từ năm 2022, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) vinh dự được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp cùng các đối tác trong nước và quốc tế tổ chức Diễn đàn Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, tầm nhìn đến năm 2045 (Forum of Sustainable Development of the Mekong Delta – SDMD 2045). Đây là sáng kiến mang tính chiến lược của Nhà trường nhằm kết nối các bên liên quan, thúc đẩy đối thoại chính sách, chia sẻ tri thức, và đồng hành trong đề xuất các định hướng, giải pháp để tăng cường hợp tác trong xây dựng và triển khai các chương trình, dự án thiết thực. Qua đó, Diễn đàn góp phần tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong bối cảnh biến đổi khí hậu, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên chuyển đổi số ngày càng sâu rộng.

Tiếp nối thành công sau 10 phiên tọa đàm thường kỳ đã được tổ chức, sáng ngày 27/6/2025, Trường ĐHCT và UBND tỉnh Kiên Giang đồng chủ trì, tổ chức Tọa đàm trực tuyến SDMD thường kỳ lần thứ 11 năm 2025 với chủ đề: “Phát triển kinh tế biển - Động lực mới cho phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Chương trình được diễn ra trực tiếp tại UBND tỉnh Kiên Giang; phát trực tiếp trên các trang mạng xã hội Trường ĐHCT (Facebook: www.facebook.com/CTUDHCT, Youtube: www.youtube.com/@CTUDHCT), fanpage SDMD 2045 (www.facebook.com/sdmd2045) và trên nền tảng Zoom.

Chương trình được tổ chức tại UBND tỉnh Kiên Giang

Chương trình có sự quan tâm và tham dự trực tiếp và trực tuyến của đại diện các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương như: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương; cùng đại diện UBND và đơn vị, sở, ban, ngành, tổ chức các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Về phía lãnh đạo tỉnh Kiên Giang có đại diện UBND và Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ, Sở Ngoại vụ, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài chính, Sở Công thương, Sở Xây dựng, Sở Y tế, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch,...; về phía Trường ĐHCT, có sự tham dự của các thành viên Hội đồng Trường, Đảng ủy, Ban Giám hiệu, đại diện lãnh đạo, giảng viên các trường, khoa, viện, đơn vị trực thuộc Trường.

Bên cạnh đó, Tọa đàm được diễn ra với sự đồng hành, phối hợp của nhiều cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế, bao gồm: Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Khối Thịnh vượng chung Úc (CSIRO); Công ty TNHH Hoàn Cầu Việt Nam, Tập đoàn CT Group, Công ty TNHH Mặt Trời Phú Quốc - Tập đoàn SUN Group, Tập đoàn Trung Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Quỹ Từ thiện Chen-Yung, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú, Công ty Cổ phần Chăn nuôi Gia Cầm Vietswan, Tập đoàn Mỹ Lan, Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ), Hiệp hội Phát triển Nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA), Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) và các công ty, doanh nghiệp; Đại học Kobe (Nhật Bản), Đại học Quốc lập Hải dương (Đài Loan), các viện - trường đại học, cao đẳng trong khu vực và thế giới; cùng sự tham dự của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước; đặc biệt là sự đồng hành của các nhà tài trợ.

Đại biểu đại diện các đơn vị tham dự tọa đàm theo hai hình thức, trực tiếp và trực tuyến

Phát biểu tại tọa đàm, GS.TS. Nguyễn Thanh Phương - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐHCT chia sẻ, “Tọa đàm SDMD lần thứ 11 hôm nay với chủ đề “Phát triển Kinh tế Biển - Động lực mới cho Phát triển Bền vững Đồng bằng sông Cửu Long”, chính là bước đi cụ thể để hiện thực hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước, là nơi kết nối giữa tư duy chiến lược – tri thức khoa học – giải pháp thực tiễn – và cam kết hành động của các bên liên quan. Đồng thời, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐHCT cũng nhấn mạnh, thông qua các phiên tham luận và thảo luận hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau làm rõ hơn: (1) Tiềm năng và giá trị chiến lược của kinh tế biển đối với vùng ĐBSCL và cả nước. (2) Vai trò của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao. (3) Cơ hội hợp tác liên ngành, liên vùng, quốc tế trong phát triển bền vững. (4) Đặc biệt, xác lập các định hướng cụ thể để xây dựng “Đề án phát triển Kiên Giang thành trung tâm kinh tế biển quốc gia”.

GS.TS. Nguyễn Thanh Phương nhấn mạnh tọa đàm chính là bước đi cụ thể để hiện thực hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước, là nơi kết nối giữa tư duy chiến lược – tri thức khoa học – giải pháp thực tiễn – và cam kết hành động của các bên liên quan

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Giang Thanh Khoa - Tỉnh Ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh: “Kiên Giang là một trong những địa phương có tiềm năng kinh tế biển phong phú và vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Với bờ biển dài hơn 200 km, vùng biển rộng trên 63.000 km² cùng hơn 140 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có Phú Quốc – thành phố đảo duy nhất của Việt Nam, Kiên Giang hội tụ đầy đủ điều kiện để từng bước trở thành trung tâm kinh tế biển quan trọng của cả nước và khu vực. Nhận thức rõ vai trò này, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Kiên Giang đã tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Trung ương về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, với các trụ cột chính như: du lịch biển, nuôi trồng – khai thác thủy sản, vận tải – logistics, năng lượng tái tạo và phát triển các đô thị ven biển. Chúng tôi cũng ý thức rằng, phát triển kinh tế biển hiện nay đang đối mặt với không ít thách thức: biến đổi khí hậu, khai thác tài nguyên chưa bền vững, chất lượng nguồn nhân lực biển còn hạn chế, liên kết vùng và quốc tế chưa tương xứng với tiềm năng... Tuy nhiên, Kiên Giang xác định thách thức cũng chính là cơ hội đổi mới cách làm và nâng cao năng lực thể chế”.

Ông Giang Thanh Khoa chia sẻ, Kiên Giang đang đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện quy hoạch, đầu tư hạ tầng đồng bộ, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong toàn lĩnh vực kinh tế biển

Tọa đàm diễn ra với 08 tham luận chính, tập trung phân tích các vấn đề cốt lõi liên quan đến phát triển kinh tế biển vùng ĐBSCL, với sự đóng góp chuyên môn từ các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức quốc tế, viện nghiên cứu, trường đại học và khối doanh nghiệp. Các tham luận đến từ các chuyên gia không chỉ phản ánh kết quả nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn, mà còn thể hiện tinh thần chia sẻ tri thức, kinh nghiệm trong quản lý, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi kinh tế - xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng ĐBSCL. Đặc biệt, các ý kiến và khuyến nghị từ diễn giả đã làm rõ vai trò liên kết đa ngành, đa lĩnh vực trong quá trình phát triển kinh tế vùng, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng chiến lược dài hạn, đổi mới mô hình quản trị và nâng cao năng lực địa phương.

PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ - Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược, Chính sách Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tham luận với chủ đề “Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam”

TS. Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tham luận với chủ đề “Nuôi trồng và khai thác hải sản: Động lực phát triển kinh tế biển”


TS. Te-Hua Hsu - Đại học Quốc lập Hải dương Đài Loan tham luận với chủ đề “Những thách thức và chuyển đổi bền vững ở Nuôi trồng thủy sản quy mô nhỏ: Quan điểm từ Đài Loan”

PGS.TS. Hà Thị Ngọc Oanh - Hiệp hội phát triển Nhân lực Logistics Việt Nam tham luận với chủ đề “Vận tải và logistics hàng hải: Cơ hội mới cho phát triển Kinh tế biển Đồng bằng sông Cửu Long”

PGS.TS. Nakada Tatsuya - Đại học Kobe, Nhật Bản tham luận với chủ đề “Phát triển kinh tế biển: Góc nhìn quốc tế”

Ông Phạm Đức Huy - Phó Tổng Giám đốc Sun Group Vùng Miền Nam tham luận với chủ đề “Phát triển du lịch biển xanh và bền vững”

Kiến trúc sư YEW Hung Seng - Tập đoàn Swan & Maclaren, Singapore tham luận với chủ đề “Kiến trúc cảnh quan bền vững và thành phố thông minh trong phát triển kinh tế biển”

Ông Lê Hữu Toàn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Kiên Giang (trái) và PGS.TS. Lưu Thanh Đức Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Kinh tế, Trường ĐHCT (phải) tham luận với chủ đề “Định hướng Giải pháp chiến lược: Phát triển Kiên Giang thành Trung tâm Kinh tế biển Quốc gia”

Phiên thảo luận của các Bộ ngành, địa phương, viện - trường, doanh nghiệp về phát triển Kiên Giang thành trung tâm kinh tế biển quốc gia diễn ra với các chia sẻ và đóng góp ý kiến của các đại biểu tham dự liên quan đến các lĩnh vực như: Môi trường và nguồn lợi biển, Nuôi trồng, khai thác và chế biến hải sản, Công nghệ sinh học biển, Vận tải và logistics hàng, Năng lượng mới, Du lịch biển, Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong phát triển kinh tế biển, Quy hoạch, quản lý và chính sách phát triển Kinh tế biển, Nguồn nhân lực phát triển kinh tế biển, Hợp tác các bên trong phát triển Kinh tế biển.

GS.TS. Nguyễn Thanh Phương và ông Giang Thanh Khoa điều hành phiên thảo luận

Phiên thảo luận của các Bộ ngành, địa phương, viện - trường, doanh nghiệp về phát triển Kiên Giang thành trung tâm kinh tế biển quốc gia

Trong khuôn khổ chương trình, Trường ĐHCT và Công ty TNHH Mặt Trời Phú Quốc (Tập đoàn Sun Group vùng Miền Nam) đã ký kết thỏa thuận hợp tác, đánh dấu bước phát triển mới trong mối quan hệ giữa hai đơn vị. Đây là một trong những minh chứng cho nỗ lực cụ thể nhằm hiện thực hóa chiến lược phát triển theo định hướng đổi mới sáng tạo, hội nhập và phục vụ cộng đồng của Trường ĐHCT trong giai đoạn mới.

GS.TS. Trần Ngọc Hải - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCT (phải) và ông Phạm Đức Huy - Phó Tổng Giám đốc Sun Group Vùng Miền Nam (trái) ký kết thỏa thuận hợp tác (MoU)


Bên cạnh đó, với mong muốn khuyến khích và hỗ trợ sinh viên, Tập đoàn Sun Group Vùng Miền Nam quyết định dành tặng suất học bổng trị giá 50 triệu đồng cho sinh viên Trường ĐHCT

Vùng ĐBSCL với hơn 700km đường bờ biển và vị trí chiến lược đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức để phát triển kinh tế biển bền vững, thông qua tọa đàm SDMD lần thứ 11 năm 2025, Trường ĐHCT đã kết nối các Bộ ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, chuyên gia trong và ngoài nước cùng thảo luận, định hướng và đề ra những giải pháp cụ thể trong giai đoạn mới, biến tầm nhìn thành hành động, biến tiềm năng thành động lực phát triển thực sự. Thành công của tọa đàm đã khẳng định vai trò tiên phong của Trường ĐHCT và UBND tỉnh Kiên Giang trong việc kết nối tri thức, thúc đẩy đối thoại chính sách, lan tỏa giá trị học thuật và đồng hành cùng địa phương trong chiến lược phát triển kinh tế biển gắn với phát triển bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu.

Ảnh lưu niệm

Qua hơn 59 năm hình thành và phát triển, cùng với sự nổ lực không ngừng, Trường ĐHCT đã trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trọng điểm của cả nước tại ĐBSCL; đồng thời Trường cũng được chọn là một trong 13 cơ sở giáo dục đại học dẫn dắt các trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng về công nghệ theo công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đến nay Trường ĐHCT đã đào tạo trên 220.000 kỹ sư, cử nhân; trên 10.000 thạc sĩ và hơn 200 tiến sĩ trên nhiều lĩnh vực quan trọng.

Trường ĐHCT cam kết đóng góp hiệu quả và hiệu quả hơn nữa nguồn lực nội tại cũng như phát huy những lợi thế và tiềm năng hiện có; tiên phong trong đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, vì sự phát triển toàn diện đất nước, hội nhập quốc tế và bước vào “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Trường ĐHCT sẽ luôn là một mắt xích không thể tách rời trong chuỗi các hoạt động kinh tế - văn hóa – xã hội của từng địa phương và vùng ĐBSCL.


(Ban Biên tập Website)

Lượt xem: 22

DỊCH VỤ TIỆN ÍCH

THÔNG TIN

CÔNG KHAI