Sáng ngày 09/5/2025, Khoa Luật - Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) phối hợp cùng Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Luật - Đại học Huế thuộc Mạng lưới các cơ sở đào tạo Luật tại Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Phương pháp luận, phương pháp nghiên cứu Luật học” theo sáng kiến của Hội đồng Giáo sư ngành Luật học.
Tham dự chương trình có GS. TS. Phạm Hồng Thái - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Luật học; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cơ quan, ban ngành các tỉnh-thành phố, trường đại học, cao đẳng; các đơn vị, chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật trên cả nước. Về phía Trường ĐHCT có GS. TS. Trần Ngọc Hải - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; đại diện ban lãnh đạo Khoa Luật, cùng các đơn vị liên quan cùng tham dự.
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết họp trực tuyến tại Trung tâm học liệu, Trường ĐHCT
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với mục tiêu tạo diễn đàn học thuật để các nhà khoa học, chuyên gia, giảng viên và người học cùng chia sẻ những quan điểm lý luận, phương pháp tiếp cận và kinh nghiệm thực tiễn trong nghiên cứu luật học; đồng thời trao đổi, cập nhật và nâng cao nhận thức về phương pháp luận, phương pháp nghiên cứu khoa học trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; phục vụ yêu cầu phát triển của ngành giáo dục và phát triển đất nước, hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới.
GS.TS. Trần Ngọc Hải cam kết Trường ĐHCT luôn tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu, học thuật, hợp tác trong và ngoài nước nhằm xây dựng một môi trường học thuật năng động, sáng tạo và hội nhập
Phát biểu tại hội thảo, GS. TS. Trần Ngọc Hải nhấn mạnh, trong bối cảnh mới của hội nhập và phát triển, Khoa Luật - Trường ĐHCT đã thường xuyên chủ trì, phối hợp với các đơn vị tổ chức các hội thảo khoa học quan trọng và thiết thực về các vấn đề khác nhau liên quan đến ngành Luật, nhằm góp phần đánh giá, nêu bậc các vấn đề khác nhau của xã hội cần sự hỗ trợ của Pháp luật; cũng như góp phần xây dựng, củng cố, hoàn thiện pháp luật cho công tác bảo vệ và thực thi quyền và nghĩa vụ của công dân. Bên cạnh đó, các chương trình hội thảo cũng là cơ hội quan trọng để giao lưu, kết nối, hợp tác và phục vụ cho công tác giáo dục - đào tạo, giảng dạy - học tập và nghiên cứu của các cơ sở giáo dục.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS. TS. Phan Trung Hiền - Trưởng khoa Luật, Trường ĐHCT mong muốn thông qua hội thảo, các đơn vị tham gia sẽ cùng trao đổi, chia sẻ những quan điểm, phương pháp tiếp cận mới và kinh nghiệm thực tiễn trong nghiên cứu luật học
TS. Phạm Hồng Thái phát biểu tại hội thảo
GS.TS. Phạm Hồng Thái đánh giá cao sự chủ động và tâm huyết của Trường ĐHCT khi đăng cai tổ chức chương trình và chia sẽ, hội thảo hôm nay có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ giúp làm rõ những vấn đề lý luận về phương pháp nghiên cứu luật học mà còn là cơ hội để giới trẻ trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, tiếp cận, nghiên cứu các phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, yêu cầu đặt ra đối với đội ngũ giảng viên, chuyên gia là không chỉ nắm vững kiến thức chuyên môn mà còn phải thành thạo về phương pháp tiếp cận, tư duy, lập luận, phân tích và am hiểu thực tiễn xã hội.
Trong khuôn khổ chương trình, ba phiên làm việc với 09 tham luận được các diễn giả trình bày và sự đóng góp, chia sẻ ý kiến từ các đại biểu tham dự đã giúp hội thảo có thêm nhiều thảo luận chuyên sâu liên quan đến những vấn đề lý luận, phương pháp và kỹ thuật nghiên cứu trong lĩnh vực pháp luật, tập trung làm rõ vai trò, giá trị của phương pháp luận trong nghiên cứu khoa học luật học hiện nay; đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn trong vận dụng phương pháp nghiên cứu vào giảng dạy, học tập và xây dựng hệ thống pháp luật.
Buổi sáng, hội thảo diễn ra với hai viên làm việc gồm 05 tham luận xoay quanh các chủ đề về nhận thức phương pháp luận và những phương pháp tiếp cận nền tảng trong nghiên cứu Luật học.
Các Chủ tọa: GS. TS. Phạm Hồng Thái; GS. TS. Võ Khánh Vinh - Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Luật học, Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Viện sĩ, PGS. TS. Nguyễn Ngọc Điện - Cố vấn cấp cao Viện Pháp luật Quốc tế và So sánh, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh điều hành phiên làm việc thứ nhất
GS.TSKH. Đào Trí Úc - Nguyên Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Luật học, Nguyên Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tham luận với chủ đề “Nhận thức về phương pháp luận, phương pháp nghiên cứu và tầm quan trọng của chúng trong nghiên cứu Luật học”
GS.TS. Võ Khánh Linh tham luận với chủ đề “Về biện chứng của phương pháp luận nghiên cứu Luật học”
GS.TS. Lê Minh Tâm - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, Nguyên Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam tham luận với chủ đề “Vai trò và việc vận dụng phương pháp luận duy vật biện chứng trong nghiên cứu Luật học”
Các Chủ tọa: GS. TSKH. Đào Trí Úc; GS. TS. Lê Minh Tâm; PGS. TS. Nguyễn Hoàng Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; Nguyên Tổng thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam điều hành phiên làm việc thứ hai
Viện sĩ, PGS. TS. Nguyễn Ngọc Điện tham luận với chủ đề “Xác định giá trị của hoạt động phân tích theo chủ thể”
PGS. TS. Phan Trung Hiền tham luận với chủ đề “Phương pháp tư duy, lập luận và sử dụng minh chứng trong nghiên cứu khoa học Luật”
Buổi chiều, hội thảo tiếp tục với phiên làm việc thứ ba, gồm 04 tham luận chuyên sâu về phương pháp nghiên cứu ứng dụng trong từng lĩnh vực pháp luật cụ thể và xu hướng nghiên cứu hiện đại, dưới sự chủ trì của GS. TS. Vũ Công Giao - Ủy viên Hội đồng Giáo sư ngành Luật học, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS. TS. Nguyễn Duy Phương – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Huế; PGS. TS. Phan Trung Hiền.
Các Chủ tọa: GS. TS. Vũ Công Giao; PGS. TS. Nguyễn Duy Phương; PGS. TS. Phan Trung Hiền điều hành phiên làm việc thứ ba
GS.TS. Đỗ Văn Đại - Ủy viên Hội đồng Giáo sư ngành Luật học, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh tham luận với chủ đề “Bình luận bản án, một phương pháp nghiên cứu pháp luật”
TS.Đỗ Giang Nam - Phó Chủ nhiệm Khoa Luật tư, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội tham luận với chủ đề “Góp phần bàn thêm về phương pháp nghiên cứu Luật học truyền thống trong xu thế thúc đẩy nghiên cứu đa ngành, liên ngành của Luật tư”
GS.TS. Vũ Công Giao - Ủy viên Hội đồng Giáo sư ngành Luật học; Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội tham luận với chủ đề “Sử dụng trí tuệ nhân tạo trong Luật học”
PGS. TS. Trần Viết Long - Trường Đại học Luật, Đại học Huế đại diện nhóm nghiên cứu tham luận với chủ đề “Sử dụng phương pháp nghiên cứu tình huống (case study) trong Luật học: Phân tích và gợi ý”
Các đại biểu đặt câu hỏi và đóng góp ý kiến thảo luận tại hội thảo
Với vai trò là trung tâm chuyển giao tri thức, khoa học và công nghệ hàng đầu cả nước tại Đồng bằng sông Cửu Long, Trường ĐHCT không ngừng khẳng định vị thế tiên phong trong phát triển ngành Luật học; hội thảo là hoạt động ý nghĩa nằm trong chiến lược của Trường ĐHCT trong việc nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho đội ngũ cán bộ giảng dạy và học viên mà còn góp phần thúc đẩy hợp tác trong giáo dục, phát triển mạng lưới nghiên cứu giữa các đơn vị đào tạo Luật học trong cả nước, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của xã hội.
Ảnh lưu niệm
Một số hình ảnh tại chương trình:
(Ban Biên tập Website)