Tân sinh viên           Người học         Viên chức           Cựu sinh viên         EN
-

Khu Măng Đen là một trong những cơ sở mới thuộc Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) với tên gọi là Trung tâm Đào tạo, Nghiên cứu khoa học ứng dụng và Chuyển giao công nghệ - ĐHCT tại Măng Đen tọa lạc tại tiểu khu 488, thôn Măng Đen, xã Đắk Long, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Công trình được khởi công xây dựng ngày 28/10/2018, với tổng mức đầu tư khoảng 2,4 tỷ đồng và được khánh thành và đưa vào hoạt động vào ngày 10/7/2020.

Công trình được hoàn thành và đưa vào hoạt dộng đánh dấu bước ngoặt lớn trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu của Trường ĐHCT tại Măng Đen, đồng thời qua đó thể hiện cam kết của Trường trong đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, trong đó có nông nghiệp công nghệ cao đáp ứng nhu cầu xã hội và phục vụ sự phát triển của địa phương.

Lể Khánh thành Khu Măng Đen - Đại học Cần Thơ

Trung tâm Đào tạo, Nghiên cứu khoa học ứng dụng và Chuyển giao công nghệ - ĐHCT tại Măng Đen sẽ là một trong những cơ sở quan trọng của Nhà trường trong việc hỗ trợ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học ứng dụng và chuyển giao công nghệ của Trường tại địa bàn tỉnh Kon Tum và các tỉnh Tây Nguyên góp phần nâng cao vị thế của Trường ĐHCT, mở rộng tầm ảnh hưởng của Nhà trường, đồng thời sẽ là cơ sở để tiến hành nghiên cứu, khai thác hiệu quả các ưu thế của thị trấn Măng Đen, tỉnh KonTum cũng như các tỉnh Tây Nguyên thông qua các nghiên cứu khoa học ứng dụng ngay tại địa phương, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương.

Quy hoạch kế hoạch và chiến lược phát triển của khu Măng Đen - Trường ĐHCT

Hiện nay Trung tâm đã và đang có kế hoạch phát triển một số lĩnh vực công nghệ cao như: Bảo tồn và phát triển giống cây trồng, vật nuôi bản địa; Phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái, thân thiện môi trường, công nghệ cao; Nông nghiệp phục vụ du lịch; Bảo tồn và phát triển Hoa - Cây cảnh đặc hữu, đặc sản, phục vụ du lịch; Dược liệu: Bảo tồn, phát triển, chế biến; Phát triển giống, nuôi và bảo tồn đa dạng thủy sản bản địa - phục vụ sinh kế và du lịch; Phát triển và ứng dụng công nghệ 4.0 trong các hoạt động sản xuất, quản lý kinh tế - xã hội; Bảo tồn và phát triển văn hóa xã hội, thích ứng du lịch. Đồng thời xây dựng kế hoạch liên kết hợp tác tỉnh và Huyện của Kon Tum và các tỉnh Tây nguyên; Ký hợp tác với các tỉnh và Huyện của Kon Tum; Ký kết Dự án hợp tác Cty Hải Phong; Ký kết Dự án hợp tác Cty Đạm Cà Mau...

Một số hình ảnh hoạt động tại trung tâm:

 
Lượt xem: 2405

Trại thực nghiệm Vĩnh Châu có tiền thân là Trung Tâm Nghiên cứu Artemia đươc thành lập năm 1986, với diện tích 17,2ha tọa lạc tại Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Trại thực nghiệm Vĩnh Châu là cơ sở quan trọng của Trường Đại học Cần Thơ trong công tác đào tạo, nghiên cứu và thực hành, rèn nghề cho sinh viên trong và ngoài Trường, triển khai ứng dụng kịp thời các kết quả nghiên cứu công nghệ cao của Khoa - Trường ra qui mô thực tế, là mô hình trình diễn phục vụ thiết thực cho công tác tập huấn chuyển giao công nghệ và phát triển bền vững ngành thủy sản cho vùng, cho các trang trại, công ty, doanh nghiệp, cơ quan địa phương; đồng thời cũng là cơ sở cho việc tăng cường hợp tác phát triển thủy sản trong nước và quốc tế góp phần làm gia tăng giá trị thương hiệu của Đại Học Cần Thơ, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL)…

Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng thủy sản nước lợ-mặn - Đại học Cần Thơ tại Vĩnh Châu

Sơ đồ quy hoạch Trại thực nghiệm Vĩnh Châu

Sơ đồ qui hoạch tổng quát
Gồm các khu:
- Khu thực nghiệm Artemia (3-4ha)
- Khu trại sản xuất giống thủy sản, phòng thí nghiệm, phòng làm việc, phòng tập huấn (1-2ha)
- Khu nuôi tôm
- thủy sản công nghệ cao (5-7ha)
- Khu nuôi thủy sản thân thiện môitrường (3-4ha)
- Khu rừng ngập mặn (2ha)

Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của ngành thủy sản Trường đã phát triển trại thực nghiệm thành Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng thủy sản nước lợ-mặn đa năng, đa dạng ứng dung công nghệ cao theo hướng hiện đại và sinh thái, phục vụ tích cực cho việc đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ thủy sản cho vùng ĐBSCL và trong khu vực, trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của ngành thủy sản và nhu cầu phát triển của địa phương, của vùng, nhu cầu phát triển thủy sản công nghệ cao, thích ứng biến đổi khí hậu và thân thiện môi trường...

Hiện nay Trung tâm đã và đang triển khai một số các hoạt động thủy sản công nghệ cao như: Chuẩn bị triển khai đề tài Artemia độ mặn thấp (Sóc Trăng); Triển khai triển khai dự án DeMAASERD (nuôi tôm hiện đại tuần hoàn kết hợp đa loài phục vụ đào tạo, nghiên cứu và phát triển); Chuẩn bị cơ sở cho triển khai dự án Hỗ trợ kỹ thuât pha 2 (TC2) với mô hình nuôi thủy sản hiện đại và thân thiện môi trường thời gian tới; Chuẩn bị sản xuất giống thực nghiệm các đối tượng tôm -cua - cá trên trại giống mới xây; Đẩy mạnh tiếp nhận và hướng dẫn hoạt động rèn nghề sinh viên và sinh viên thực tập tốt nghiệp; Tiếp tục triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế.

Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng thủy sản nước lợ-mặn sẽ là cơ sở quan trọng trong việc hợp tác với các đơn vị (Viện, Trường, cơ quan, công ty, doanh nghiệp) trong nước và quốc tế; thông qua phát triển các dự án hợp tác trong nghiên cứu khoa học, khảo nghiệm, tập huấn - chuyển giao công nghệ, đào tạo, trao đổi cán bộ và sinh viên giũa các Trường trong nước và quốc tế.

Một số hình ảnh hoạt động tại trung tâm:

Lượt xem: 2411

 THƯ NGỎ


 Kính gửi quý thầy/cô, quý phụ huynh và các em sinh viên,

Tính đến hôm nay Trường Đại học Cần Thơ đã nghỉ 4 tuần không giảng dạy và 4 tuần giảng dạy không tập trung của học kỳ II, năm học 2019-2020; từ tuần này sẽ tiếp tục học không tập trung cho đến khi tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát. Quý phụ huynh và các em sinh viên đều biết đây là tình huống bất khả kháng của nước ta nói riêng và thế giới nói chung, và tình hình cũng đang diễn biến ngày càng phức tạp.

Thực hiện quy định của Chính phủ, Bộ/Ngành Trung ương và của Thành phố Cần Thơ về hạn chế đi lại, không tập trung đông người,.. Trường ĐHCT quyết định chuyển sang học tập không tập trung thông qua sử dụng mạng Internet trong 4 tuần vừa qua và đang tiếp tục, đồng thời cũng như hạn chế đi thực tập thực tế ngoài trường. Học tập không tập trung dù bằng hình thức nào (gởi bài giảng qua thư điện tử, đưa bài giảng lên phần mềm, dạy trực tuyến,..), chắc chắn sẽ có những khó khăn về điều kiện học tập và tiếp thu bài của sinh viên. Trường rất hiểu khó khăn và lo lắng của phụ huynh và sinh viên về chất lượng học tập, vì vậy Trường cũng đã xây dựng các phương án học tập khi sinh viên quay lại học tập trung như: bố trí thời gian để thầy/cô ôn tập những nội dung học trong thời gian học không tập trung, giảng dạy bổ sung và hệ thống lại kiến thức nhằm đảm bảo khối lượng kiến thức của học phần và chất lượng của chương trình đào tạo.

Trong thời gian này, Trường đề nghị thầy/cô và các em sinh viên cùng chia sẻ và khắc phục khó khăn, cố gắng hết sức để giảng dạy và học tập theo phương thức không tập trung đạt kết quả cao nhất có thể. Chúng ta cùng nhau tuân thủ nghiêm các khuyến cáo của Chính phủ và Bộ Y tế trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và mong rằng chúng ta sẽ thành công trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Chúc thầy/cô, phụ huynh, sinh viên và mọi người luôn dồi dào sức khỏe, an toàn và thành công.

Trân trọng kính chào.


GS.TS. Hà Thanh Toàn
Hiệu Trưởng

Lượt xem: 9893

Chào mừng các bạn đến với Trường Đại học Cần Thơ!

Các bạn thân mến,

Trường Đại học Cần Thơ được thành lập năm 1966, là một trường đại học đa ngành đa lĩnh vực và là cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học trọng điểm của Nhà nước ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Trường không ngừng cải tiến năng lực nghiên cứu, giảng dạy và phục vụ, tăng cường hoạt động chuyển giao công nghệ và các hoạt động khác để nâng cao uy tín trong nước, phấn đấu trở thành một trường dẫn đầu trong cả nước và đạt tiêu chuẩn quốc tế. Hiện tại, Trường có khoảng 2.000 cán bộ, 50.000 sinh viên và đào tạo 98 chuyên ngành đại học (trong đó có 2 chương trình đào tạo tiên tiến, 3 chương trình đào tạo chất lượng cao), 45 chuyên ngành cao học (trong đó 1 ngành liên kết với nước ngoài, 3 ngành đào tạo bằng tiếng Anh), 16 chuyên ngành nghiên cứu sinh.

Trường Đại học Cần Thơ có trang thiết bị hiện đại, đội ngũ cán bộ - viên chức tận tâm, nhiệt tình trong công tác. Trường luôn quan tâm đến sự phát triển chuyên môn của đội ngũ cán bộ giảng dạy nhằm đạt chất lượng và hiệu quả. Hiện tại, Trường đang thực hiện chương trình đào tạo theo hệ thống Tín chỉ chuẩn mực quốc tế. Để thực hiện tốt công tác này, Trường luôn khuyến khích cán bộ giảng dạy tham gia nghiên cứu và xuất bản các ấn phẩm khoa học, ứng dụng các phương pháp mới vào việc giảng dạy nhằm giúp sinh viên phát triển năng lực bản thân trong tư duy độc lập và sáng tạo. Để xây dựng thương hiệu, Trường Đại học Cần Thơ không ngừng xây dựng và mở rộng các mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các viện, trường trong nước và trên thế giới, các tổ chức quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Đặc biệt, Trường đang đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo sinh viên quốc tế.

Tất cả những nỗ lực nêu trên đã phản ánh cam kết mạnh mẽ của Trường Đại học Cần Thơ trong quá trình cải tiến chất lượng, nâng cao uy tín trong và ngoài nước. Trường Đại học Cần Thơ rất hân hoan chào đón và mong sự hợp tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực với các trường Đại học, viện nghiên cứu, các địa phương, các ban ngành, các cá nhân, doanh nghiệp nhằm hướng đến mục tiêu phục vụ nhu cầu gần 20 triệu dân vùng ĐBSCL và nhân dân cả nước. Thay mặt cho toàn thể sinh viên, cán bộ, giảng viên của Trường, xin gửi đến các bạn lời chúc sức khỏe và thành đạt.

Trân trọng kính chào.
GS.TS. Hà Thanh Toàn
Hiệu Trưởng

 

Lượt xem: 24046

GIỚI THIỆU CHUNG VỀ ĐẠI HỌC CẦN THƠ

» Video giới thiệu Trường Đại học Cần Thơ

Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), có diện tích khoảng 4 triệu hécta đất tự nhiên với trên 17 triệu dân, là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước, được ví như vựa lúa của Việt Nam. Ngoài nguồn lương thực, ĐBSCL còn có nguồn lợi về cây ăn quả, thủy hải sản xuất khẩu với trữ lượng lớn và đa dạng về chủng loại. Đây là vùng đất mới trù phú, cảnh quan xinh đẹp, cây trái tốt tươi quanh năm.

Trong những năm qua, nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước đã tác động tích cực, làm đổi thay lớn về sản xuất và phát triển nông nghiệp ở ĐBSCL mang lại sự thịnh vượng chung cho toàn vùng. Bước vào thiên niên kỷ mới, với yêu cầu Công nghiêp hóa - Hiện đại hóa đất nước, nhiều vấn đề về cơ sở lý luận và thực tiễn khoa học, việc qui hoạch chiến lược phát triển của vùng đặt ra những câu hỏi bức bách cho các nhà khoa học và chính quyền các cấp tham gia nghiên cứu, lý giải nhằm đầu tư, khai thác và sử dụng có hiệu quả nhất nguồn nhân lực và tài nguyên phong phú, đa dạng của vùng.

Đại học Cần Thơ (ĐHCT), cơ sở đào tạo đại học và sau đại học trọng điểm của Nhà nước ở ĐBSCL, là trung tâm văn hóa - khoa học kỹ thuật của vùng. Trường đã không ngừng hoàn thiện và phát triển, từ một số ít ngành đào tạo ban đầu, Trường đã củng cố, phát triển thành một trường đa ngành đa lĩnh vực. Hiện nay Trường đào tạo 98 chuyên ngành đại học (trong đó có 2 chương trình đào tạo tiên tiến, 3 chương trình đào tạo chất lượng cao), 45 chuyên ngành cao học (trong đó 1 ngành liên kết với nước ngoài, 3 ngành đào tạo bằng tiếng Anh), 16 chuyên ngành nghiên cứu sinh.

Nhiệm vụ chính của Trường là đào tạo, nghiên cứu khoa học (NCKH), chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong vùng. Song song với công tác đào tạo, ĐHCT đã tham gia tích cực các chương trình NCKH, ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật nhằm giải quyết các vấn đề về khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hoá và xã hội của vùng. Từ những kết quả của các công trình NCKH và hợp tác quốc tế, Trường đã tạo ra nhiều sản phẩm, qui trình công nghệ phục vụ sản xuất, đời sống và xuất khẩu, tạo được uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế.

ĐHCT tranh thủ được sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương ĐBSCL trong các lĩnh vực đào tạo, hợp tác khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ. Trường đã mở rộng quan hệ hợp tác khoa học kỹ thuật với nhiều tổ chức quốc tế, trường đại học và viện nghiên cứu trên thế giới. Thông qua các chương trình hợp tác, năng lực quản lý và chuyên môn của đội ngũ cán bộ được nâng cao, cơ sở vật chất, trang thiết bị thí nghiệm, tài liệu thông tin khoa học được bổ sung.

{slider=→ Tầm nhìn - Sứ mệnh - Giá trị cốt lõi}

Tầm nhìn (Vision)

Trường Đại học Cần Thơ trở thành một trong những trường hàng đầu về chất lượng của Việt Nam và nằm trong nhóm các trường mạnh về đào tạo, nghiên cứu khoa học được ghi nhận trong khu vực và thế giới.

Can Tho University targets to be one of the leading higher education institutions in terms of quality in Vietnam and one of the top universities in training and research recognized in the region and the world.

Sứ mệnh (Mission)

Trường Đại học Cần Thơ là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học chuyển giao công nghệ hàng đầu của quốc gia, có đóng góp hữu hiệu vào sự nghiệp đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài và phát triển khoa học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng và của quốc gia. Trường Đại học Cần Thơ là nhân tố động lực có ảnh hưởng quyết định cho sự phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

 Can Tho University operates its resources to be the leading national institution for education, research and technology transfer, making significant contributions to the development of high quality human resources, fostering the talents and the advancement of science and technology to cater for the regional and national socio-economic development. Can Tho University is the crucial driving force for the development of the Mekong Delta region.

Giá trị cốt lõi (Core Values)

Đồng thuận - Tận tâm - Chuẩn mực - Sáng tạo.

Consensus - Devotion - Quality – Innovation.

{slider=→ Chính sách đảm bảo chất lượng}

Chính sách đảm bảo chất lượng (Quality Policy Statement)

Nhận thức tầm quan trọng của nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao và sự cạnh tranh mạnh mẽ về chất lượng đào tạo trong bối cảnh phát triển mới của quốc gia và quốc tế, Trường Đại học Cần Thơ cam kết đảm bảo chất lượng thông qua thường xuyên đổi mới và hội nhập trong đào tạo; sáng tạo và năng động trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ; gắn lý thuyết với thực hành để trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng cho người học khi ra trường đạt hiệu quả cao trong công việc, có năng lực lãnh đạo và thích ứng với thay đổi.

Trường cam kết xây dựng hệ thống quản trị hiệu quả, chuyên nghiệp, trách nhiệm, sáng tạo và luôn đổi mới. Hoạt động quản lý của Trường sẽ được quy trình hóa, tin học hóa, áp dụng các phương thức quản trị cập nhật và được giám sát, đánh giá thường xuyên.

Recognizing the significant needs for qualified human resources in the society as well as strong competition in training for high quality human resources upon the local and global innovation contexts, Can Tho University is committed to ensuring its quality through continual innovation and integration in education, creativity and dynamics in research and technology transfer; incorporating theory with practice to prepare graduates with sufficient knowledge and skills to be able to perform their work efficiently, to formulate their leadership and to adapt themselves to changes.

Can Tho University is committed to the full establishment and implementation of an efficient, creative, innovative, professional, and responsible governance system. All activities of the University will be systematically and effectively governed through computerized procedures, applying innovative approaches and undergoing regular monitoring and assessment.

{slider=→ Mục tiêu giáo dục}

Mục tiêu giáo dục (Educational Objective)

Đào tạo nhân lực trình độ cao, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu khoa học và công nghệ tạo ra tri thức, sản phẩm mới, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế.

Đào tạo người học phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ; có tri thức, kỹ năng, trách nhiệm nghề nghiệp; có khả năng nắm bắt tiến bộ khoa học và công nghệ tương xứng với trình độ đào tạo, khả năng tự học, sáng tạo, thích nghi với môi trường làm việc; có tinh thần lập nghiệp, có ý thức phục vụ Nhân dân.

The training activities aim to provide high qualification human resource, enhance knowledge of common people, nurture and promote talented people; the research activities in science and technology aim to create knowledge and new products in serving the demands of social economic developments and assuring the national security and defense, and international integration.

To train learners to grow comprehensively in terms of ethics, intelligence, health, and aesthetics; to possess knowledge, skills and professional responsibilities; to be able to seize advance in science and technology in relevance to the level of education; to possess competency for independent learning, creativity, and adaptability to the working environment; to exhibit the mindset of entrepreneurialism and the sense of serving people

 

{slider=→ Lịch sử hình thành và phát triển}

 QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

1. THỜI KỲ VIỆN ĐẠI HỌC CẦN THƠ (1966 - 1975)

Được thành lập ngày 31 tháng 03 năm 1966, Viện Đại học Cần Thơ có bốn khoa: Khoa học, Luật khoa và Khoa học Xã hội, Văn khoa, Sư phạm (có Trường Trung học Kiểu mẫu) đào tạo hệ Cử nhân, Trường Cao đẳng Nông nghiệp đào tạo hệ kỹ sư và Trung tâm Sinh ngữ giảng dạy chương trình ngoại ngữ cho sinh viên.

Cơ sở vật chất của Viện Đại học Cần Thơ tọa lạc trên 4 địa điểm:

 -  Tòa Viện trưởng (Số 5, đại lộ Hoà Bình): là nơi tâp trung các bộ phận hành chính của Viện.

 -  Khu I (đường 30/4): diện tích hơn 5 ha là khu nhà ở, lưu trú xá nữ sinh viên, Trường Trung học Kiểu mẫu, Trường Cao đẳng Nông nghiệp và nhà làm việc của các khoa.

-  Khu II: (đường 3/2): diện tích 87 ha, là khu nhà học chính của Trường.

-  Khu III: (số 1, Lý Tự Trọng): diện tích 0,65 ha, là cơ sở đào tạo đầu tiên gồm khoa Khoa học và Thư viện.

Khu II Đại học Cần Thơ (1966)  

Các dãy nhà học đầu tiên ở khu II (1973)

2. ĐHCT GIAI ĐOẠN SAU NĂM 1975

Viện Đại học Cần Thơ được đổi thành ĐHCT. Lúc này, chương trình đào tạo và sinh viên cũ của Khoa Sư phạm và Cao đẳng Nông nghiệp được tiếp tục đào tạo tại Khoa Sư phạm Tự nhiên và Khoa Nông nghiệp của ĐHCT. Sinh viên của các khoa khác hoặc được gởi lên các trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh hoặc được chuyển vào các chuyên ngành đang đào tạo tại Trường.

Sau năm 1975, Khoa Sư phạm được tách thành Khoa Sư phạm Tự nhiên và Khoa Sư phạm Xã hội đào tạo giáo viên phổ thông trung học gồm Toán học, Vật lý học, Hóa học, Sinh vật học, Văn học, Lịch sử, Địa lý, và Ngoại ngữ. Sau đó mở rộng thành 5 Khoa: Toán - Lý (1980), Hóa - Sinh (1980), Sử - Địa (1982), Ngữ văn (1983) và Ngoại ngữ (1983).

Trường Cao đẳng Nông nghiệp được đổi tên thành Khoa Nông nghiệp, đào tạo 2 ngành Trồng trọt và Chăn nuôi. Đến năm 1979, Khoa Nông nghiệp được mở rộng thành 7 Khoa: Trồng trọt (1977), Chăn nuôi - Thú y (1978), Thủy nông và Cải tạo đất (1978), Cơ khí Nông nghiệp (1978), Chế biến và Bảo quản Nông sản (1978), Kinh tế Nông nghiệp (1979), và Thủy sản (1979). 

Hầu hết lớp học bằng tre lá (1976)

Năm 1978, Khoa Đại học Tại chức được thành lập, có nhiệm vụ quản lý và thiết kế chương trình bồi dưỡng và đào tạo giáo viên phổ thông trung học và kỹ sư thực hành chỉ đạo sản xuất cho các tỉnh ĐBSCL. Thời gian đào tạo là 5 năm. Từ năm 1981 do yêu cầu của các địa phương, công tác đào tạo tại chức cần được mở rộng hơn và Trường đã liên kết với các tỉnh mở các trung tâm Đào tạo - Bồi dưỡng Đại học Tại chức mà tên gọi hiện nay là Trung tâm Giáo dục Thường xuyên: Tiền Giang - Long An - Bến Tre, Vĩnh Long - Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang và Minh Hải.

Năm 1987, để phục vụ phát triển kinh tế thị trường phù hợp với chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước, Khoa Kinh tế Nông Nghiệp đã liên kết với Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh mở thêm 4 ngành đào tạo Cử nhân Kinh tế: Kinh tế Tài chính - Tín dụng, Kinh tế Kế toán Tổng hợp, Kinh tế Ngoại thương và Quản trị Kinh doanh. Tương tự, năm 1988, Khoa Thủy nông đã mở thêm hai ngành đào tạo mới là Thủy công và Công thôn đáp ứng nhu cầu xây dựng nhà cửa và cầu đường nông thôn ở ĐBSCL.

Năm 1990, Khoa Toán Lý mở hệ cao đẳng đào tạo 2 ngành: Điện tử và Tin học và nâng cấp xưởng điện tử thành Trung tâm Điện tử - Tin học.

Ngoài việc thành lập và phát triển các khoa, ĐHCT còn tổ chức các Trung tâm NCKH nhằm kết hợp có hiệu quả 3 nhiệm vụ Đào tạo - NCKH - Lao động sản xuất. Từ năm 1985 đến năm 1992 có 7 Trung tâm được thành lập: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Sinh học (1985), Năng lượng mới (1987), Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống Canh tác ĐBSCL (1988), Điện tử - Tin học (1990), Nghiên cứu và Phát triển Tôm-Artemia (1991), Ngoại ngữ (1991), Thông tin Khoa học & Công nghệ (1992).

Tháng 4 năm 2003, Khoa Y- Nha - Dược được tách ra để thành lập Trường Đại học Y- Dược trực thuộc Bộ Y Tế. 

Cổng chính ĐHCT

Nhà Điều hành

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Trường luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, Chính phủ và Bộ chủ quản. 

Các đoàn của Chính phủ và Bộ trưởng Bộ GD &ĐT thăm Trường.

Cơ cấu ĐHCT hiện nay

{slider=→ Lĩnh vực hoạt động}

ĐÀO TẠO

Trường hiện có 98 chuyên ngành đại học (trong đó có 2 chương trình đào tạo tiên tiến, 3 chương trình đào tạo chất lượng cao) với 30.446 sinh viên hệ chính qui, 15.850 sinh viên hệ vừa làm vừa học, 9.473 sinh viên hệ đào tạo từ xa và 2.861 sinh viên hệ khác (cử tuyển, liên thông, bằng 2...); 45 chuyên ngành cao học (trong đó 1 ngành liên kết với nước ngoài, 3 ngành đào tạo bằng tiếng Anh) và 16 chuyên ngành nghiên cứu sinh với 3.291 học viên. Hàng năm, Trường còn tiếp nhận sinh viên từ các truờng đại học nước ngoài (Hoa Kỳ, Bỉ, Nhật Bản,...) đến học tại Trường trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác giữa hai bên.

Thời gian đào tạo tại ĐHCT từ 4 - 5 năm cho các chương trình đào tạo cử nhân, kỹ sư, theo hệ thống tín chỉ. Chương trình đào tạo gồm ba học kỳ đầu tiên dành cho các môn chung của tất cả các khối ngành và các môn cơ bản cho từng khối ngành; các học kỳ còn lại dành cho các kiến thức cơ sở và chuyên môn cho chuyên ngành đào tạo.

Chất lượng đào tạo của Trường không ngừng được nâng cao, các phương tiện phục vụ nhu cầu học tập cho sinh viên đã tương đối hoàn chỉnh, giảng viên đã áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy mới phù hợp.

NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

ĐHCT đã chủ trì nhiều đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Trường, mở rộng hợp đồng NCKH và chuyển giao tiến bộ khoa học và kỹ thuật phục vụ kinh tế xã hội vùng ĐBSCL và trong cả nước.

Các chương trình nghiên cứu quốc gia có liên kết với các trường đại học trong và ngoài nước được thực hiện trên nhiều địa bàn ở ĐBSCL và trong cả nước đã đem lại hiệu quả kinh tế và xã hội cao như các chương trình: Điều tra cơ bản vùng ĐBSCL, nghiên cứu đất phèn, nghiên cứu và sản xuất Artemia - Tôm, nghiên cứu kỹ thuật nuôi cá nước ngọt, vi sinh vật cố định đạm, công nghệ sinh học, chế biến và bảo quản nông sản, nghiên cứu các mô hình hệ thống canh tác và tuyển chọn các giống lúa thích nghi, phòng trừ dịch hại trên cây trồng, cải thiện hoa màu, kinh tế vườn, phát triển và chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi - thú y, mô hình VACB, cơ khí nông nghiệp và cơ khí phục vụ sau thu hoạch, qui hoạch tổng thể giáo dục ĐBSCL, phương pháp dạy và học, các mô hình hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế, thị trường chứng khoán... Các chương trình này đã tranh thủ được sự hỗ trợ của các địa phương vùng ĐBSCL và nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế và nhiều tổ chức, trường đại học khác.

HỢP TÁC TRONG NƯỚC

Trường đã ký kết hợp tác toàn diện về nghiên cứu khoa học và đào tạo với Viện Nghiên cứu Lúa ĐBSCL và Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam. Trường cũng đã Thỏa thuận hợp tác với hầu hết UBND các tỉnh vùng BĐBSCL trong công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, Trường đã Ký kết Thỏa thuận hợp tác trong đào tạo và NCKH với 10 trường Đại học khối Nông-Lâm-Ngư trong cả nước.

Trường đang tập trung mở rộng năng lực đào tạo sau đại học nhằm giúp giải quyết nhu cầu bức thiết phải nâng cấp nhanh lực lượng cán bộ giảng dạy của Trường, các trường đại học, cao đẳng cán bộ nghiên cứu thuộc các tỉnh vùng ĐBSCL. Tăng cường đào tạo ngắn hạn, mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ cho cán bộ và nhân dân trong vùng... Chuyển mạnh từ đào tạo theo khả năng sang đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, của xã hội.

Mối quan hệ giữa Trường với các tỉnh trong vùng ngày càng được thắt chặt trong sự hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau. Sự ưu ái của các tỉnh trong vùng, đặc biệt là của Thành phố Cần Thơ đối với Trường ĐHCT là một nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của Trường

Lượt xem: 54520

DỊCH VỤ TIỆN ÍCH

THÔNG TIN

CÔNG KHAI