Khu II - là khu nhà học chính của Trường Đại học Cần Thơ, có diện tích 87 ha, tọa lạc trên đường 3/2, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Được thành lập và xây dựng ngày 31 tháng 03 năm 1966, Viện Đại học Cần Thơ có bốn khoa: Khoa học, Luật khoa và Khoa học Xã hội, Văn khoa, Sư phạm.
Sau 1975, Viện Đại học Cần Thơ được đổi tên thành Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT). Trong những năm tiếp theo, Trường không ngừng mở rộng quy mô về tổ chức và đào tạo; vào những năm đầu thập niên 1980, Trường được tổ chức thành 14 khoa nhỏ (5 khoa ngành Sư phạm, 7 khoa ngành nông nghiệp, Khoa Tại chức và Khoa Y-Nha-Dược) và 7 Trung tâm Nghiên cứu & Dịch vụ.
Sơ đồ quy hoạch khu II - Đại học Cần Thơ và những ngày đầu xây dựng và hình thành |
Trong quá trình xây dựng và phát triển, Trường cũng từng bước tăng cường, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và các công tác khác của Trường. Khởi đầu chỉ với 1 khu giảng đường gồm 6 phòng học, chứa khoảng 600 sinh viên, 1 thư viện và 1 tòa viện trưởng. Trường đã từng bước đầu tư xây dựng để thay thế toàn bộ các phòng học, nhà ở tạm bợ bằng nhà kiên cố. Nhiều công trình xây dựng của Trường được đầu tư xây dựng và trang bị như: Trường Nông nghiệp, Trường Thủy sản, Trường Bách khoa, Khoa Khoa học Tự nhiên, Khoa Sư phạm, Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên, Khoa Phát triển Nông thôn, Nhà Điều hành, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng, Ký túc xá sinh viên,…
Đến với khu II - ĐHCT ngày nay chúng ta chứng kiến một sự thay đổi ngoạn mục với một môi trường trong lành, cỏ cây rợp trời, xanh, sạch, đẹp, cơ sở vật chất, nhà học khang trang hiện đại, nhiều công trình xây dựng quy mô, đặc biệt là 02 tòa nhà Công nghệ cao (CTU Hightech Building - ATL) và Tòa nhà phức hợp phòng thí nghiệm (RLC) nằm trong dự án ODA của Chính phủ Nhật Bản.
Khu II - Đại học Cần Thơ xanh, sạch đẹp, khang trang hiện đại |
Trải qua hơn nửa thế kỷ hình thành, xây dựng và đổi mới, Trường Đại học Cần Thơ không ngừng lớn mạnh và phát triền vượt bậc, với tâm huyết và tầm nhìn chiến lược của các thế hệ lãnh đạo Nhà trường không những chỉ quan tâm đầu tư cho đội ngũ giảng viên được học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ tại các nước tiên tiến, nâng số lượng các cán bộ đầu ngành có học hàm học vị cao, quan hệ quốc tế ngày mở rộng và có nhiều uy tín trong khu vực và trên trường quốc tế mà còn đặc biệt chú trọng đến việc nâng cấp, xây dựng cơ sở vật chất phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu, mua sắm trang thiết bị hiện đại nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và thực hành, thực tập giúp cho sinh viên nhanh chóng tiếp cận với những thiết bị hiện đại với công nghệ mới và tiên tiến trên thế giới.
Những công trình tiêu biểu làm thay đổi diện mạo, gây ấn tượng sâu sắc trong quá trình hình thành và phát triển của Trường |
Trường ĐHCT tiếp tục đầu tư xây dựng, sửa chữa và đưa vào sử dụng nhiều công trình như: Không gian sáng chế, các phòng thí nghiệm chuyên sâu, đặc biệt là các trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ dạy và học trực tuyến cũng như số hóa các hoạt động, đã làm bộ mặt của nhà trường ngày càng khang trang, hiện đại.
Hiện nay Trường có 54 đơn vị trực thuộc (05 trường chuyên ngành, 11 khoa, 03 viện nghiên cứu, và 1 trường phổ thông (Trường Trung học phổ thông Thực hành sư phạm), Ngoài ra còn một số trung tâm và phòng ban chức năng khác phục vụ việc quản lý và đào tạo; với hơn 1.800 VC-NLĐ, trong đó có 17 Giáo sư, 158 Phó Giáo sư, 600 Tiến sĩ, 687 Thạc sĩ.
Không gian sáng chế; phòng thí nghiệm, thực hành; trung tâm nghiên cứu với trang thiết bị hiện đại, tiên tiến |
Nhà học tập trung khang trang, xanh, sạch đẹp |
Ký túc xá xanh, sạch đẹp, với nhiều tiện ích |
Một số hình ảnh tiêu biểu về những hoạt động tại khu II - Đại học Cần Thơ:
Lể phát bằng tốt nghiệp tại Hội trường Rùa - ngày Lễ trọng đại của một thời sinh viên |
Trung tâm Học liệu - nơi nâng tầm trí thức |
Nhà thi đấu đa năng, sân bóng chuyền, bóng đá mini, phòng tập Gym, nơi rèn luyện thể dục thể thao cho cán bộ và sinh viên |
Mùa hoa kèn hồng đẹp rực rỡ thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ.đến ngắm hoa và “check-in” |
Cây xanh rợp trời, môi trường trong lành, xanh, sạch đẹp |
Sơ đồ chỉ dẫn khu II |
Khu I - Đại học Cần Thơ có diện tích hơn 6 ha, tọa lạc tại số 411 đường 30/4, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, Khu I trước đây gồm có các giảng đường, phòng thí nghiệm, câu lạc bộ sinh viên, Trường Trung học Kiểu Mẫu, lưu trú xá nữ sinh viên; một số biệt thự song lập ở mặt tiền đường chính dùng làm nhà làm việc, nhà công vụ của các phân khoa. Các biệt thự song lập được dùng làm nơi làm việc của Ban Giám hiệu và các phòng ban. Căn biệt thự số 1 được Tỉnh ủy Hậu Giang sử dụng làm nhà khách và nơi đây đã từng có các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà Nước lưu trú như Lê Duấn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt... Các dãy nhà khác của Khu I được sử dụng làm nhà ở cho cán bộ viên chức.
Hình Sơ đồ quy hoạch và những ngày đầu xây dựng |
Nằm trong chiến lược phát triển lâu dài cũng như trong xây dựng và phát triển cơ sở vật chất, mở rộng quy mô và đa dạng hóa các loại hình đào tạo, nhằm phục vụ cho việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội và hội nhập quốc tế, Nhà trường quyết định sẽ từng bước chuyển một số bộ phận, khoa từ khu II sang khu I. Với nhu cầu cấp thiết trong việc mở rộng và phât triển của khoa nên vào tháng 6 năm 2020 đã chuyển khoa Ngoại ngữ sang khu I và tiếp đó và xây dựng thêm cơ sở giảng dạy của Trung tâm Ngoại ngữ tại đây
Cổng khu I, sau khi khoa Ngoại ngữ và Trung tâm Ngoại ngữ được chuyển đến |
Khoa Ngoại ngữ mới được khánh thành và đi vào sử dụng trên khu đất có diện tích khoảng 1.000 m2 với tổng kinh phí hơn 2,5 tỷ đồng. Công trình đã xây dựng 11 phòng mới, trong đó gồm: văn phòng khoa, 04 phòng của Ban Chủ nhiệm, phòng họp, phòng chuyên đề, phòng phát triển kỹ năng và 03 phòng học dành cho chương trình đào tạo chất lượng cao. Công trình có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới của Khoa Ngoại ngữ, góp phần đáp ứng nhu cầu cấp thiết trong việc phát triển về quy mô đào tạo, cũng như chất lượng trong công tác quản lý điều hành, giảng dạy và học tập của cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên ngày càng cao. Tiếp tục phát huy, không ngừng đổi mới, xây dựng Khoa Ngoại ngữ trở thành đơn vị trọng điểm của khu vực trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và phát triển quy trình, giải pháp liên quan đến ngoại ngữ.
Khoa Ngoại ngữ là đơn vị đào tạo trực thuộc Trường ĐHCT, được thành lập ngày 31/3/2015 với nhiệm vụ đào tạo, giảng dạy bậc đại học và sau đại học các ngành và chuyên ngành về ngoại ngữ; quản lý, xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ của trường; nhất là tư vấn cho Ban Giám hiệu về công tác khảo thí, đánh giá năng lực tiếng Anh cho sinh viên và các đối tượng có nhu cầu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
- Trung tâm Ngoại ngữ Trường Đại học cần Thơ được thành lập và hoạt động liên tục từ năm 1991, là trung tâm giảng dạy và tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc gia có chất lượng và uy tín cao trên địa bàn thành phố và khu vực. Trung tâm thường xuyên khai giảng các lớp tiếng Anh, tiếng Pháp ở các cấp độ, cùng với giảng dạy tiếng Nhật, tiếng Trung, tiếng Hàn, và tiếng Việt cho người nước ngoài. Trung tâm cũng tổ chức các lớp luyện thi IELTS, TOEIC, TOEFL ITP ở nhiều cấp độ và thời gian học linh hoạt đáp ứng nhu cầu của học viên.
Tọa lạc tại trung tâm thành phố, cơ sở giảng dạy của Trung tâm có các cơ sở tại Khu I, Khu II, Khu III, và Khu Hòa An của Trường Đại học Cần Thơ. Ngoài ra, Trung tâm có cơ sở giảng dạy tại quận Ninh Kiểu, Bình Thủy, Thốt Nốt, thành phố cần Thơ. Trung tâm cũng liên kết với các đơn vị có chức năng đào tạo tổ chức giảng dạy, ôn luyện thi đáp ứng nhu cầu đa dạng của học viên trên địa bàn và khu vực.
Với mục tiêu đảm bảo chất lượng tốt nhất với mức phí hợp lí nhất, Trung tâm Ngoại ngữ Trường Đại học cần Thơ luôn phấn đấu không ngừng nhằm giữ vững vị thế hàng đầu trong lĩnh vực dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn thành phố và phát triển thành Trung tâm Ngoại ngữ xuất sắc vùng.
|
Trong chủ trương đầu tư giai đoạn 2021-2025, Nhà trường tiếp tục xây dựng thêm công trình Nhà học khoa Ngoại ngữ, công trình Nhà học khoa Luật, cải tạo nhà học 4T2 làm nhà học tập trung tại khu I
Khu III - Trường Đại học Cần thơ (ĐHCT) có diện tích 0,65 ha, tọa lạc tại số 1 đường Lý Tự Trọng, phường An Phú, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, là cơ sở đầu tiên của Viện ĐHCT, gồm: một cao ốc bốn tầng (cũ) làm văn phòng Đại học Khoa học và giảng đường; một cao ốc bốn tầng làm Thư viện và giảng đường; một dãy nhà cấp bốn làm phòng thí nghiệm của Đại học Khoa học. Sau năm 1968 sử dụng làm văn phòng khoa và các phòng thí nghiệm cho hai khoa Toán – Lý và Hóa – Sinh. Đến năm 1979, Trường bố trí khoa Y mới thành lập, đến năm 1996 để đáp ứng nhu cầu mở rộng đào tạo, khoa Y được đổi tên thành khoa Y-Nha-Dược và chuyển về khu II.
Khu III - Đại học Cần Thơ những ngày đầu hình thành |
Do nhu cầu về đào tạo, cung ứng cho thị trường nguồn nhân lực Công nghệ thông tin (CNTT) chuyên nghiệp; sản xuất và phát triển phần mềm, tư vấn giải pháp và ứng dụng CNTT; các giải pháp kỹ thuật cũng như về việc tư vấn, hỗ trợ cung cấp các trang thiết bị về CNTT, đáp ứng nhu cầu ứng dụng CNTT trong phát triển kinh tế xã hội. Vào năm 1994, Nhà trường quyết định thành lập Khoa Công nghệ thông tin và truyền thông trên cơ sở nâng cấp từ Trung tâm Điện tử & Tin học (được thành lập năm 1990) và tiếp đến năm 2001 thành lập Trung tâm Công nghệ Phần mềm theo quyết định số 1574/QĐ-BGD&ĐT – TCCB ngày 29 tháng 3 năm 2001. Đến năm 2015 khoa Công nghệ Thông tin và Truyền thông được chuyển về khu II. Sau đó phát triển bộ phận kinh doanh của Trung tâm Điện tử & Tin học thành Công ty TNHH MTV Khoa Học Công Nghệ Thuộc Trường Đại Học Cần Thơ theo quyết định số 1542/QĐ-ĐHCT ngày 24-5-2016 của Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ.
Khoa Công nghệ Thông tin và Truyền thông những ngày đầu hình thành |
Trải qua nhiều giai đoạn hình thành, xây dựng và phát triển, hiện nay có 3 bộ phận đang hoạt động trong lĩnh đào tạo và kinh doanh tại khu III gồm:
1. Trung tâm Công nghệ Phần mềm (Cantho University Software Center - CUSC) được thành lập theo quyết định số 1574/QĐ-BGD&ĐT – TCCB ngày 29 tháng 3 năm 2001 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trung tâm Công nghệ Phần mềm Đại học Cần Thơ là một trong những trung tâm phần mềm đầu tiên trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực CNTT chuyên nghiệp và có trình độ chuyên môn về công nghiệp phần mềm; sản xuất và gia công phần mềm; cung cấp các giải pháp tích hợp hệ thống và ứng dụng CNTT vào mọi mặt của đời sống xã hội.
Với phương châm hợp tác cùng phát triển, một mặt Trung tâm sản xuất những phần mềm theo nhu cầu thị trường; mặt khác, hỗ trợ các địa phương xây dựng đội ngũ làm phần mềm, đề xuất các giải pháp ứng dụng CNTT vào nhiều lĩnh vực khác nhau.
2. Công ty TNHH MTV Khoa Học Công Nghệ Thuộc Trường Đại Học Cần Thơ được thành lập theo quyết định số 1542/QĐ-ĐHCT ngày 24-5-2016 của Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ.
- Tiền thân của công ty là Trung Tâm Điện Tử và Tin Học - Đại Học Cần Thơ ( IT COMPUTER CENTRE OF CAN THO UNIVERSITY ) với hơn 20 năm hoạt động kinh doanh trang thiết bị công nghệ thông tin.
- Công ty CTU-TECH được trường Đại học Cần Thơ giao cho trách nhiệm thực hiện các hoạt động chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ, sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực là thế mạnh của trường Đại học Cần Thơ như : Nông Nghiệp, Sinh Học, Hóa Học, Cơ Khí, Xây Dựng, Điện, Điện Tử, Công Nghệ Thông Tin Và Truyền Thông, Chế Biến, Thủy Sản, Môi Trường, … Xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, năng động và sáng tạo.
3. Văn phòng - Trung tâm Ngoại ngữ Trường Đại học cần Thơ tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc gia có chất lượng và uy tín cao trên địa bàn thành phố và khu vực. Trung tâm thường xuyên khai giảng các lớp tiếng Anh, tiếng Pháp ở các cấp độ, cùng với giảng dạy tiếng Nhật, tiếng Trung, tiếng Hàn, và tiếng Việt cho người nước ngoài. Trung tâm cũng tổ chức các lớp luyện thi IELTS, TOEIC, TOEFL ITP ở nhiều cấp độ và thời gian học linh hoạt đáp ứng nhu cầu của học viên.
Trung tâm Ngoại ngữ Trường đại học Cần Thơ luôn phấn đấu không ngừng nhằm giữ vững vị thế hàng đầu trong lĩnh vực dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn thành phố và phát triển thành Trung tâm Ngoại ngữ xuất sắc vùng
Trong chủ trương đầu tư giai đoạn 2021-2025, Nhà trường tiếp tục xây dựng thêm công trình Trung tâm Nghiên cứu phát triển công nghệ phần mềm (xây mới khối nhà 5 tầng)
Tháng 06/2011, Trường Đại học Cần Thơ khánh thành khu Hòa An, tọa lạc tại Số 554, Quốc lộ 61, Ấp Hòa Đức, Xã Hòa An, Huyện Phụng Hiệp, Tỉnh Hậu Giang. Với tổng diện tích là 112.31 ha, hướng Đông giáp kinh Bào Môn - ấp Hòa Đức, hướng Tây giáp kênh Nông Trường - ấp Hòa Đức, hướng Bắc giáp kênh 83 - ấp Xẻo Trâm, Hướng Nam giáp Quốc Lộ 61.
Khu Hòa An là một cơ sở đào tạo của Trường Đại học Cần Thơ
Việc hình thành khu Hòa An gắn với sứ mạng là tập trung đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ ưu tiên cho vùng nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), góp phần đáp ứng nhu cầu cấp thiết về đào tạo nguồn nhân lực cũng như tiến hành các nghiên cứu khoa học liên quan cho vùng nông thôn ở ĐBSCL, theo kịp đà phát triển kinh tế-xã hội của cả nước và các nước trong khu vực. Đây là vấn đề mà Chính phủ đang rất quan tâm và tập trung mọi nguồn lực cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn”. Song song đó, việc thành lập Khoa Phát triển nông thôn và Trung tâm Giáo dục quốc phòng - An ninh tại Hòa An sẽ là một bước đột phá lớn, tạo ra hướng phát triển mới, mở rộng về qui mô và tầm ảnh hưởng của Trường, tạo động lực để nâng cấp, phát triển ổn định khu Hòa An về lâu dài trở thành khu đào tạo chính quy chất lượng và hiện đại.
Khoa Phát triển nông thôn
Trung tâm Giáo dục quốc phòng - An ninh
Từ khi mới thành lập đến nay, khu Hòa An là nơi học tập, sinh hoạt của sinh viên Khoa Phát triển nông thôn với đầy đủ trang thiết bị phục vụ cho học tập, sinh hoạt và giải trí. Cũng là nơi thực hiện bồi dưỡng kiến thức Giáo dục quốc phòng cho sinh viên Đồng bằng sông Cửu Long. Tại Trung tâm Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh, sinh viên được sống trong một môi trường gần gũi với môi trường Quân đội, là một môi trường thuận lợi để sinh viên đạt kết quả tốt nhất, nhằm đạt được mục tiêu đề ra trong công tác giáo dục quốc phòng.
Sinh viên được bồi dưỡng kiến thức GDQP tại khu Hòa An
Khu Măng Đen là một trong những cơ sở mới thuộc Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) với tên gọi là Trung tâm Đào tạo, Nghiên cứu khoa học ứng dụng và Chuyển giao công nghệ - ĐHCT tại Măng Đen tọa lạc tại tiểu khu 488, thôn Măng Đen, xã Đắk Long, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Công trình được khởi công xây dựng ngày 28/10/2018, với tổng mức đầu tư khoảng 2,4 tỷ đồng và được khánh thành và đưa vào hoạt động vào ngày 10/7/2020.
Công trình được hoàn thành và đưa vào hoạt dộng đánh dấu bước ngoặt lớn trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu của Trường ĐHCT tại Măng Đen, đồng thời qua đó thể hiện cam kết của Trường trong đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, trong đó có nông nghiệp công nghệ cao đáp ứng nhu cầu xã hội và phục vụ sự phát triển của địa phương.
Lể Khánh thành Khu Măng Đen - Đại học Cần Thơ |
Trung tâm Đào tạo, Nghiên cứu khoa học ứng dụng và Chuyển giao công nghệ - ĐHCT tại Măng Đen sẽ là một trong những cơ sở quan trọng của Nhà trường trong việc hỗ trợ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học ứng dụng và chuyển giao công nghệ của Trường tại địa bàn tỉnh Kon Tum và các tỉnh Tây Nguyên góp phần nâng cao vị thế của Trường ĐHCT, mở rộng tầm ảnh hưởng của Nhà trường, đồng thời sẽ là cơ sở để tiến hành nghiên cứu, khai thác hiệu quả các ưu thế của thị trấn Măng Đen, tỉnh KonTum cũng như các tỉnh Tây Nguyên thông qua các nghiên cứu khoa học ứng dụng ngay tại địa phương, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương.
Quy hoạch kế hoạch và chiến lược phát triển của khu Măng Đen - Trường ĐHCT |
Hiện nay Trung tâm đã và đang có kế hoạch phát triển một số lĩnh vực công nghệ cao như: Bảo tồn và phát triển giống cây trồng, vật nuôi bản địa; Phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái, thân thiện môi trường, công nghệ cao; Nông nghiệp phục vụ du lịch; Bảo tồn và phát triển Hoa - Cây cảnh đặc hữu, đặc sản, phục vụ du lịch; Dược liệu: Bảo tồn, phát triển, chế biến; Phát triển giống, nuôi và bảo tồn đa dạng thủy sản bản địa - phục vụ sinh kế và du lịch; Phát triển và ứng dụng công nghệ 4.0 trong các hoạt động sản xuất, quản lý kinh tế - xã hội; Bảo tồn và phát triển văn hóa xã hội, thích ứng du lịch. Đồng thời xây dựng kế hoạch liên kết hợp tác tỉnh và Huyện của Kon Tum và các tỉnh Tây nguyên; Ký hợp tác với các tỉnh và Huyện của Kon Tum; Ký kết Dự án hợp tác Cty Hải Phong; Ký kết Dự án hợp tác Cty Đạm Cà Mau...
Một số hình ảnh hoạt động tại trung tâm:
|
Trại thực nghiệm Vĩnh Châu có tiền thân là Trung Tâm Nghiên cứu Artemia đươc thành lập năm 1986, với diện tích 17,2ha tọa lạc tại Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Trại thực nghiệm Vĩnh Châu là cơ sở quan trọng của Trường Đại học Cần Thơ trong công tác đào tạo, nghiên cứu và thực hành, rèn nghề cho sinh viên trong và ngoài Trường, triển khai ứng dụng kịp thời các kết quả nghiên cứu công nghệ cao của Khoa - Trường ra qui mô thực tế, là mô hình trình diễn phục vụ thiết thực cho công tác tập huấn chuyển giao công nghệ và phát triển bền vững ngành thủy sản cho vùng, cho các trang trại, công ty, doanh nghiệp, cơ quan địa phương; đồng thời cũng là cơ sở cho việc tăng cường hợp tác phát triển thủy sản trong nước và quốc tế góp phần làm gia tăng giá trị thương hiệu của Đại Học Cần Thơ, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL)…
Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng thủy sản nước lợ-mặn - Đại học Cần Thơ tại Vĩnh Châu |
Sơ đồ quy hoạch Trại thực nghiệm Vĩnh Châu |
Sơ đồ qui hoạch tổng quát
Gồm các khu:
- Khu thực nghiệm Artemia (3-4ha)
- Khu trại sản xuất giống thủy sản, phòng thí nghiệm, phòng làm việc, phòng tập huấn (1-2ha)
- Khu nuôi tôm
- thủy sản công nghệ cao (5-7ha)
- Khu nuôi thủy sản thân thiện môitrường (3-4ha)
- Khu rừng ngập mặn (2ha)
Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của ngành thủy sản Trường đã phát triển trại thực nghiệm thành Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng thủy sản nước lợ-mặn đa năng, đa dạng ứng dung công nghệ cao theo hướng hiện đại và sinh thái, phục vụ tích cực cho việc đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ thủy sản cho vùng ĐBSCL và trong khu vực, trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của ngành thủy sản và nhu cầu phát triển của địa phương, của vùng, nhu cầu phát triển thủy sản công nghệ cao, thích ứng biến đổi khí hậu và thân thiện môi trường...
Hiện nay Trung tâm đã và đang triển khai một số các hoạt động thủy sản công nghệ cao như: Chuẩn bị triển khai đề tài Artemia độ mặn thấp (Sóc Trăng); Triển khai triển khai dự án DeMAASERD (nuôi tôm hiện đại tuần hoàn kết hợp đa loài phục vụ đào tạo, nghiên cứu và phát triển); Chuẩn bị cơ sở cho triển khai dự án Hỗ trợ kỹ thuât pha 2 (TC2) với mô hình nuôi thủy sản hiện đại và thân thiện môi trường thời gian tới; Chuẩn bị sản xuất giống thực nghiệm các đối tượng tôm -cua - cá trên trại giống mới xây; Đẩy mạnh tiếp nhận và hướng dẫn hoạt động rèn nghề sinh viên và sinh viên thực tập tốt nghiệp; Tiếp tục triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế.
Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng thủy sản nước lợ-mặn sẽ là cơ sở quan trọng trong việc hợp tác với các đơn vị (Viện, Trường, cơ quan, công ty, doanh nghiệp) trong nước và quốc tế; thông qua phát triển các dự án hợp tác trong nghiên cứu khoa học, khảo nghiệm, tập huấn - chuyển giao công nghệ, đào tạo, trao đổi cán bộ và sinh viên giũa các Trường trong nước và quốc tế.
Một số hình ảnh hoạt động tại trung tâm: