Tân sinh viên           Người học         Viên chức           Cựu sinh viên         EN

AUN đẩy mạnh hoạt động trao đổi sinh viên trong khuôn khổ Hệ thống Trao đổi Tín chỉ AUN

Trong hai ngày 01 và 02/4/12015, đại diện lãnh đạo Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT), GS.TS. Nguyễn Thanh Phương, Phó Hiệu trưởng và viên chức chuyên trách công tác đảm bảo chất lượng của Trường đã tham dự Hội nghị thường niên của Ban Chỉ đạo Hệ thống Trao đổi tín chỉ trong Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (viết tắt là AUN-ACTS) lần thứ VII diễn ra tại ĐHQG Hà Nội.

Hội nghị này diễn ra ngay sau Hội nghị thường niên Cán bộ chủ chốt về Đảm bảo chất lượng của Hệ thống Đảm bảo chất lượng AUN do ĐHQG Hà Nội đăng cai tổ chức nhân năm ASEAN 2015 tại Việt Nam. Hội nghị có sự tham gia của bà Nantana Gajaseni, Giám đốc điều hành AUN; bà Melda Kamil Ariadno, Tổng thư ký Ban Chỉ đạo AUN-ACTS; các thành viên thuộc Ban Chỉ đạo; đại diện lãnh đạo của hơn 25 trường đại học thành viên AUN và các trường đại học Kyoto và Okayama từ Nhật Bản.

Đoàn Chủ tọa Hội nghị Ban Chỉ đạo Hệ thống Trao đổi Tín chỉ AUN


Tổng thư ký Ban Chỉ đạo AUN-ACTS, bà Melda Kamil Ariadno cho biết, tính đến tháng 02/2015, sau hơn 04 năm triển khai hệ thống, đã có 19.549 môn học tham gia hệ thống và khoảng 1.518 sinh viên đăng ký tham gia chương trình trao đổi tín chỉ này. Hệ thống ngày càng nhận được nhiều quan tâm từ các trường đại học thuộc ASEAN+3 và từ Liên minh Châu Âu (EU). Cụ thể, thông qua Cơ quan Trao đổi Học thuật Đức, Cơ quan Hỗ trợ Giáo dục Hà Lan và Hội đồng Anh, EU duyệt cho 10 triệu euro cho Dự án EU-Share có thể tích hợp với hoạt động của AUN-ACTS. Bà Nantana Gajaseni thông tin rằng dự án EU-Share sẽ được triển khai trong 05 năm với nhiều học bổng cho sinh viên (chiếm 49% tổng kinh phí thực hiện Dự án), qua đó giúp việc trao đổi sinh viên diễn ra thuận lợi hơn.

Ban Chỉ đạo AUN-ACTS cũng thống nhất rằng khi hệ thống đã vững mạnh sẽ chào đón thêm các thành viên dự khuyết của AUN, các trường ngoài AUN, và các thành viên ASEAN+3 từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, ngoài các trường đã cam kết tham gia là Kyoto và Okayama của Nhật Bản từ sau Hội nghị Ban Chỉ đạo lần thứ VI tổ chức tại Surabaya (Indonesia).

Các sinh viên tham gia chương trình trao đổi tín chỉ AUN-ACTS sẽ có điều kiện nâng cao năng lực ngoại ngữ (tiếng Anh và tiếng bản địa tại nước ngoài), chuyên môn và xây dựng các mối quan hệ khu vực cần thiết cho tiến trình hội nhập sau này. Hoạt động trao đổi sinh viên còn giúp các trường gia tăng điểm số cho chỉ báo quốc tế hóa trong các kết quả xếp hạng quốc tế.


Các đại biểu tham dự Hội nghị Ban Chỉ đạo AUN-ACTS chụp ảnh lưu niệm


Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và chia sẻ ý tưởng nhằm tìm ra giải pháp phát triển bền vững và vận hành nhịp nhàng Hệ thống Trao đổi tín chỉ giữa các trường thành viên. Đây là công việc không dễ dàng khi mà các trường đại học thành viên của AUN vẫn đang tổ chức các chương trình đào tạo theo các niên biểu khác nhau, dẫn tới việc thời gian của khóa học, thời gian bắt đầu và kết thúc mỗi kỳ học chưa đồng nhất giữa các trường. Công việc trước mắt đối với các trường thành viên AUN tham gia AUN-ACTS là cập nhật các chương trình và môn học của mình trên hệ thống trực tuyến theo mỗi học kỳ, tăng cường các hoạt động quảng bá, và tìm kiếm tài chính nhằm gia tăng số lượng học bổng gửi (outbound scholarships) và nhận (inbound scholarships) sinh viên của mình.

Về việc công nhận tín chỉ, trước kia với cùng một môn học, ở một số trường có số tín chỉ khác nhau nên các đại biểu còn tranh luận về việc có được công nhận như nhau hay không. Sau khi thảo luận, các đại biểu đã thống nhất quan điểm chung là theo chuẩn đầu ra tức là thời lượng đào tạo có thể khác nhau, nhưng nếu đạt chuẩn đầu ra thì vẫn được công nhận. Điều này cho thấy nỗ lực và sự đồng thuận của các thành viên AUN tham gia hệ thống AUN-ACTS trong việc xây dựng các chuẩn mực chung trong công tác đào tạo từ ngôn ngữ tới nội dung giảng dạy và đánh giá kết quả.

Trường ĐHCT trở thành thành viên chính thức của AUN từ tháng 7/2013, và chính thức tham gia hệ thống AUN-ACTS vào năm 2015 với 16 học phần thuộc các chương trình đại học tiên tiến Công nghệ Sinh học và Nuôi trồng Thủy sản. Nhà trường cũng cấp 05 học bổng inbound cho sinh viên trong khu vực tới học tập và nghiên cứu trong khuôn khổ AUN-ACTS. Dự kiến năm 2016, Trường ĐHCT sẽ thêm vào hệ thống các chương trình thạc sĩ Chăn nuôi, Công nghệ Thực phẩm và Nuôi trồng Thủy sản.
 
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Hiệu Trưởng Trường ĐHCT-GS.TS. Nguyễn Thanh Phương và các đại biểu các trường đại học Mahidol và Chulalongkorn (Thái Lan) đề xuất khả năng mở rộng trao đổi tín chỉ với các học viên cao học tham gia vào các chương trình nghiên cứu chung (joint research), các nhà khoa học trẻ, các nghiên cứu sinh tham gia các hoạt động nghiên cứu tại phòng thí nghiệm (lab work) hay đi khảo sát thực địa (field work)… và nhận được sự tán thành cao từ các đại biểu tham dự Hội nghị.

Hội nghị thường niên AUN-ACTS lần thứ VIII sẽ do Đại học Chiang Mai (Thái Lan) đăng cai tổ chức trong các ngày 18-19/02/2016.

(Tin, ảnh: Trung tâm Đảm bảo chất lượng & Khảo thí)

Lượt xem: 3232

DỊCH VỤ TIỆN ÍCH

THÔNG TIN

CÔNG KHAI