Tân sinh viên           Người học         Viên chức           Cựu sinh viên         EN

Chương trình trao đổi sinh viên ngắn hạn tại trường đại học Airlangga, Indonesia

Từ ngày 21/5 đến ngày 27/5/2023, Trường Kinh tế - Trường Đại học Cần Thơ đã tổ chức cho 19 sinh viên tham gia chương trình trao đổi học tập ngắn hạn tại Trường Đại học Airlangga, Indonesia. Cán bộ dẫn đoàn gồm PGS. TS. Võ Văn Dứt, Trưởng Khoa Kinh doanh quốc tế; ThS. Trần Việt Thanh Trúc, Giảng viên Khoa Tài chính - Ngân hàng và ThS. Nguyễn Thị Thúy Ngân, Giảng viên Khoa Kinh tế học cùng với 19 sinh viên từ các chuyên ngành khác nhau thỏa điều kiện tuyển chọn về học lực và tiếng Anh.

Chuyến trao đổi là cơ hội để sinh viên trải nghiệm và tích lũy những kiến thức trong môi trường học tập quốc tế. Đồng thời, chương trình trao đổi còn đóng góp tích cực vào việc tăng cường tình hữu nghị và sự hợp tác giữa Trường Kinh tế - Trường Đại học Cần Thơ, Việt Nam và Khoa Kinh tế và Kinh doanh - Trường Đại học Airlangga, Indonesia.

 Sinh viên Indonesia chào đón Đoàn Trường Kinh tế tại sân bay

Giao lưu học thuật đóng vai trò quan trọng trong chương trình trao đổi ngắn hạn tại Trường Airlangga. Sinh viên được tham dự các buổi học với nhiều chủ đề khác nhau như: thử thách và cơ hội của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) ở Indonesia, sự phát triển của châu Á và tiềm năng tăng trưởng kinh tế ở các quốc gia châu Phi và châu Á, … Bên cạnh đó, sinh viên còn tham gia thảo luận các chủ đề này tại Trường thuộc Top 5 tại Indonesia. Điều này không chỉ mở ra một thế giới mới về kiến thức mà còn mang đến cơ hội để sinh viên trau dồi các kỹ năng mềm quan trọng như: giao tiếp quốc tế, thuyết trình bằng tiếng Anh, làm việc trong đội nhóm đa quốc gia, và thích ứng với các môi trường học thuật đa dạng. Khi được làm việc trong đội nhóm đa văn hóa, sinh viên được học cách đồng hành, chia sẻ ý kiến và tôn trọng đa dạng quan điểm.

Buổi giao lưu học thuật cùng GS. Jean Claude Maswana đến từ Đại học Ritsumeikan, Nhật Bản

Các sinh viên được học về những cơ hội và thách thức khi khởi nghiệp

Buổi thảo luận về mục tiêu phát triển bền vững (SDGs)

Bên cạnh hình thức học tập trên giảng đường, sinh viên được trải nghiệm hoạt động mua bán tại làng bánh Kampung Kue và tham quan Rohani - một doanh nghiệp gia đình đã khởi nghiệp thành công tại Malang, Indonesia. Tại đây, sinh viên Việt Nam và Indonesia đã được nghe chủ sở hữu doanh nghiệp Rohani chia sẻ về những khó khăn khi khởi nghiệp và kinh nghiệm cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường. Hơn thế nữa, sinh viên còn được trực tiếp xem quá trình làm Tempe Chips, tự đóng gói sản phẩm và mang về làm quà.

Sinh viên cùng chụp ảnh với người dân bản địa tại làng bánh Kampung Kue

Thầy Cô và các sinh viên tại doanh nghiệp Rohani

Giảng viên và sinh viên trải nghiệm làm Tempe Chips

Ngoài việc trao đổi học thuật, đoàn Trường Kinh tế đã có cơ hội tìm hiểu thêm về văn hóa Indonesia thông qua hai hoạt động chính là học múa Saman và vẽ Batik. Saman là điệu múa truyền thống của người dân nơi đây, yêu cầu sự chăm chỉ luyện tập, khả năng ghi nhớ tuyệt đối kết hợp cùng bàn tay mềm mại uyển chuyển để có thể tạo nên một bài múa hoàn hảo. Đoàn Trường Đại học Cần Thơ đã đến tham quan Jokotole Collection Batik Tulis Madura - một cơ sở sản xuất vải Batik. Bên cạnh việc tham quan và mua sắm thì đoàn còn được trải nghiệm thực hành vẽ Batik lên vải. Quá trình để tạo nên một bức tranh phải qua nhiều công đoạn cầu kỳ, yêu cầu sự khéo léo, tập trung, vì chỉ lơ là đôi chút thì các nghệ nhân sẽ rất dễ bị bỏng cũng như làm hư toàn bộ bức tranh. Thông qua hoạt động vẽ Batik, các sinh viên của Đoàn Trường Kinh tế đã biết thêm quá trình tạo hoa văn thủ công lên vải và quy trình nhuộm vải để cho ra sản phẩm tốt nhất.

Sinh viên đang tập các động tác cơ bản của điệu múa Saman

 Các sinh viên được trải nghiệm vẽ Batik

Vào ngày thứ 5 trong chuyến đi 7 ngày tại Indonesia, đoàn Trường Kinh tế và Trường Đại học Airlangga đã có chuyến tham quan tại một công viên giải trí Selecta ở Batu. Đây là một trong 7 công viên hoa lớn nhất tại Indonesia và nằm trên độ cao 1.100 mét so với mực nước biển, bầu không khí ở đây rất trong lành và mát mẻ. Tại đây, các sinh viên Việt Nam và Indonesia đã có thêm cơ hội gắn kết, trò chuyện và vui chơi cùng nhau thông qua những trò chơi thú vị.

Tham quan công viên giải trí Selecta

Ngày bế mạc được bắt đầu bằng sự giao lưu văn nghệ của sinh viên hai trường. Sinh viên Trường Đại học Airlangga mở đầu với điệu múa truyền thống Saman - một phần của nền văn hóa độc đáo của người Indonesia, và sinh viên Trường Kinh tế biểu diễn bài hát “Việt Nam ơi” đầy tự hào.

Sinh viên Indonesia và sinh viên Việt Nam biểu diễn văn nghệ

Nhân chuyến trao đổi học tập này, Trường Kinh tế - Trường Đại học Cần Thơ và Khoa Kinh tế và Kinh doanh - Trường Đại học Airlangga đã ký bản thỏa thuận hợp tác nhằm mục đích thắt chặt mối liên kết giữa hai trường. Việc mở rộng hợp tác này hứa hẹn sẽ mang lại nhiều cơ hội học tập và nghiên cứu cho sinh viên và giảng viên, đồng thời đẩy mạnh sự phát triển của cả hai trường trong tương lai.

Đại diện của hai Trường ký kết

Khép lại hành trình 7 ngày của sinh viên hai trường là hoạt động chia sẻ cảm nghĩ, những cái ôm ấm áp cùng sự lưu luyến. Mặc dù thời gian cùng nhau học tập, trao đổi văn hóa không quá dài, nhưng sinh viên cả hai trường đã có những kỉ niệm đáng nhớ. “Hành trình kết thúc nhưng những kiến thức, kinh nghiệm và tình bạn sẽ mãi bền chặt” là lời hứa hẹn của sinh viên Trường Kinh tế - Trường Đại học Cần Thơ và Khoa Kinh tế và Kinh doanh - Trường Đại học Airlangga.

 Ảnh lưu niệm khép lại của chương trình trao đổi sinh viên ngắn hạn tại Trường Đại học Airlangga, Indonesia (21/5/2023-27/5/2023)

 

(Ban Biên tập Website) 

Lượt xem: 763

DỊCH VỤ TIỆN ÍCH

THÔNG TIN

CÔNG KHAI