Từ ngày 14/2/2023, đoàn gồm 24 sinh viên Ấn Độ đến từ Trường Đại học Nông nghiệp Chaudhary Charan Singh Haryana đã tham gia chương trình trao đổi học thuật về lĩnh vực nông nghiệp thông minh (Smart Agriculture Inbound Program) tại trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT). Đây cũng chính là đoàn sinh viên quốc tế đầu tiên trong năm 2023 đến học tập ngắn hạn tại trường.
Đoàn sinh viên đến từ Ấn Độ chụp ảnh lưu niệm cùng các thầy cô và sinh viên Trường ĐHCT |
Ngày nay, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật nhưng cũng đang phải đối mặt với những thách thức trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thiên tai tàn phá. Nông nghiệp thông minh là giải pháp để nước ta và những người nông dân vượt qua những khó khăn trên. Nông nghiệp thông minh sẽ giúp nông dân được tiếp cận với thông tin, kỹ năng, kỹ thuật hiện đại, đầy đủ, kịp thời để đưa ra quyết định tốt hơn trong việc sản xuất, kinh doanh của mình. Điều này giúp gia tăng năng suất, sản lượng, thu nhập và lợi nhuận cho người nông dân.
Tại Trường ĐHCT, chương trình đào tạo ngắn hạn thuộc lĩnh vực Nông nghiệp Thông minh được tổ chức cho sinh viên quốc tế nhằm mục đích cung cấp các mô-đun cơ bản về Nông nghiệp hiện đại, thực tiễn nông nghiệp Việt Nam liên quan đến xu hướng mới, canh tác thông minh, công nghệ, công cụ trong nông nghiệp, kinh doanh nông nghiệp, v.v. Hơn nữa, các bạn sinh viên Ấn Độ tham gia chương trình này sẽ có cơ hội để nâng cao trải nghiệm của mình thông qua các chuyến đi thực tế đến các cơ sở nông nghiệp như phòng thí nghiệm, đất nông nghiệp, cơ sở công nghệ thông minh trong nông nghiệp, công ty khởi nghiệp công nghệ nông nghiệp, tham quan địa phương.
Chương trình học tập lần này dự kiến thực hiện trong vòng 8 tuần (từ 14/2 – 15/4/2023), được thiết kế chi tiết với các nội dung đa dạng, phong phú, do đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm chuyên môn phụ trách giảng dạy. Nằm trong khuôn khổ các hoạt động dành cho sinh viên quốc tế, đây thực sự là một chương trình ý nghĩa, giúp các bạn sinh viên Ấn Độ hiểu rõ hơn về nền nông nghiệp Việt Nam, học hỏi thêm nhiều điều mới, nâng cao kiến thức và có thể ứng dụng vào lĩnh vực nông nghiệp khi về nước. Đặc biệt, đó cũng chính là cơ sở cho việc thiết lập mối quan hệ gắn bó cũng như tăng cường hợp tác giữa trường Đại học Nông nghiệp Chaudhary Charan Singh Haryana và Trường ĐHCT trong thời gian sắp tới.
Tin, ảnh: Phòng Hợp tác Quốc tế