Từ ngày 22 đến 24/11/2021, Trường Đại học Cần Thơ đăng cai tổ chức Hội thảo lần thứ 42 về Viễn thám Khu vực Châu Á (Asian Conference on Remote Sensing - ACRS2021) bằng hính thức trực tuyến qua phần mềm zoom với sự tham gia của 195 đại biểu đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, các nhà khoa học, nhóm nghiên cứu, nhà quản lý đến từ khắp nơi trên thế giới như: Ấn Độ, Đài Loan, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Hong Kong, Indonesia, Malaysia, Mông Cổ, Myanmar, Nam Phi, Nga, Nhật Bản, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và Việt Nam.
|
Các đại biểu tham dự trực tuyến Hội thảo lần thứ 42 về Viễn thám Khu vực Châu Á (ACRS2021) |
ACRS2021 là hội thảo thường niên nhằm trao đổi thông tin và sự phát triển mới nhất trong công nghệ viễn thám. Chủ đề của ACRS2021 là "Viễn thám cho giảm thiểu rủi ro thiên tai và suy thoái tài nguyên hướng tới phát triển bền vững" (Remote Sensing for Disaster Risk Reduction and Resources Degradation toward Sustainable Development). Hội thảo nhằm cung cấp nền tảng cho các nhà nghiên cứu và nhà quản lý chia sẻ, trình bày những phát triển, công trình và ứng dụng mới nhất; thảo luận về công nghệ tiên tiến; trao đổi ý tưởng nghiên cứu; định hướng các nghiên cứu và chính sách trong tương lai và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực viễn thám.
|
GS.TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT, phát biểu khai mạc Hội thảo |
Hội thảo diễn ra với 3 báo cáo chính và 25 tiểu ban song song với 179 báo cáo được trình bày, được chọn từ 205 báo cáo toàn văn gửi đến Hội thảo. Các chủ đề chính của Hội thảo xoay quanh:
• Cảm biến và nền tảng (Sensor and platform)
• Thuật toán và xử lý hình ảnh (Algorithm and image processing)
• Hệ thống thông tin địa lý (GIS) và Web GIS
• Điện toán đám mây, Dữ liệu lớn và AI trong viễn thám (Cloud computing, Big data and AI in remote sensing)
• Giám sát và phòng chống thiên tai (Disaster monitoring and prevention)
• Lĩnh vực môi tường (Environmental domain)
• Ứng dụng viễn thám vì sức khỏe cộng đồng (Remote sensing application for public health)
• Bản đồ và viễn thám (Remote sensing and mapping)
• Giáo dục, đào tạo và ứng dụng GIS và viễn thám (Education and training, GIS and RS applications)
Tại Hội thảo, bên cạnh việc trình bày các kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học còn trao đổi thông tin, quan điểm, phương pháp và chia sẻ kinh nghiệm trong các dự án và chương trình nghiên cứu liên ngành khác nhau, từ đó, đề xuất thiết lập cơ chế phối hợp và phương pháp phù hợp với yêu cầu và điều kiện của từng lĩnh vực nghiên cứu, góp phần nâng cao hiệu quả ứng dụng các thành tựu công nghệ 4.0 như: công nghệ viễn thám; công nghệ thiết bị bay không người lái; điện toán đám mây; dữ liệu lớn; công nghệ cảm biến để phát huy năng lực quản lý, khai thác, quan sát nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai và suy thoái tài nguyên hướng tới phát triển bền vững trong tương lai.
|
GS. Uwe Sörgel, Chủ tịch Viện Đo ảnh tại Đại học Stuttgart, Đức; Chủ tịch DGPF (Hiệp hội Đo ảnh, Viễn thám và Thông tin địa lý Đức) trình bày Các xu hướng trong phép đo ảnh và viễn thám (Trends in Photogrammetry and Remote Sensing) |
|
TS. Nguyễn Quốc Khánh, Cục trưởng Cục Viễn thám Quốc gia (NRSD), Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam, trình bày nội dung Chiến lược phát triển viễn thám của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 (Remote sensing development strategy for Vietnam to 2030 vision to 2040) |
|
GS.TS. Võ Quang Minh, Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ, trình bày nội dung Viễn thám và Cách mạng công nghiệp 4.0 trong nông nghiệp (Remote Sensing & Industrial Revolution 4.0 in Agriculture) |
|
Một số báo cáo tại các tiểu ban |
(Tin, ảnh: Tạp chí Khoa học Trường ĐHCT)