Thực hiện chỉ đạo của Ban Giám hiệu trong cuộc họp về "thống nhất triển khai thực hiện đo lường, đánh giá mức độ đạt được mục tiêu học phần của người học và cải tiến phương pháp giảng dạy của giảng viên trên cơ sở phản hồi từ người học và người sử dụng lao động”, ngày 28/8/2020, Khoa Kinh tế - Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) tổ chức Hội nghị “Cải tiến phương pháp giảng dạy trên cơ sở phản hồi từ người học và người sử dụng lao động”. Hội nghị có sự tham dự của PGS.TS. Trần Thị Thanh Hiền, Phó Hiệu trưởng; đại diện lãnh đạo, cán bộ, giảng viên các đơn vị trực thuộc, sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh.
Hội nghị Cải tiến phương pháp giảng dạy trên cơ sở phản hồi từ người học và người sử dụng lao động diễn ra tại Hội trường Khoa Kinh tế |
Dựa trên hoạt động lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên, Hội nghị Cải tiến phương pháp giảng dạy trên cơ sở phản hồi từ người học và người lao động nhằm tạo điều kiện cho giảng viên có cơ hội trao đổi những vấn đề liên quan đến đào tạo, tạo kênh thông tin giúp giảng viên điều chỉnh hoạt động giảng dạy, nâng cao tinh thần trách nhiệm của giảng viên trong việc thực hiện mục tiêu đào tạo, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.
PGS.TS. Trần Thị Thanh Hiền, Phó Hiệu trưởng phát biểu khai mạc Hội nghị |
Tại Hội nghị, đại diện Trung tâm Quản lý chất lượng - Trường ĐHCT đã trình bày các yêu cầu đối với phương pháp dạy học từ góc độ chuẩn mực chất lượng và nguyên tắc đánh giá sinh viên theo tiêu chuẩn AUN-QA. Bên cạnh đó, các ý kiến phản hồi của sinh viên và cựu sinh viên được ghi nhận từ kiểm định chất lượng Trường năm 2018 cũng được trình bày, từ đó một số đề xuất nhằm cải thiện thực trạng giảng dạy được đưa ra như: quy định chế độ, trách nhiệm tiếp thu, đánh giá và cải thiện phương pháp dạy họctrên cơ sở ý kiến phản hồi của sinh viên và cựu sinh viên; tăng cường kiến thức thực tế và thực hành; rà soát điều chỉnh nội dung trùng lặp; hướng dẫn học tập cụ thể và chi tiết hơn; áp dụng phương pháp dạy học thúc đẩy việc tự học; đảm bảo sử dụng đúng phương pháp giảng dạy, nguồn tài liệu,…đã được công bố; rà soát, giải thích và đảm bảo sự rõ ràng, thống nhất về phương pháp giảng dạy, sự tương thích giữa mục tiêu giáo dục, phương pháp giảng dạy và phương pháp đánh giá; xây dựng triết lý/mục tiêu giáo dục rõ ràng theo quy định; tăng cường hoạt động phát triển kỹ năng diễn đạt, truyền thụ kiến thức cho giảng viên; giám sát sự đáp ứng yêu cầu đối với phương pháp dạy học của các khoa/bộ môn khác tham gia đào tạo; biên soạn và phát hành sổ tay đảm bảo chất lượng về phương pháp dạy học theo khối ngành/đơn vị đào tạo,...
Trong nhiều năm qua, Trường đã tổ chức cho sinh viên đánh giá bài giảng của giảng viên và hoạt động này đã đem lại hiệu quả tích cực. Trên cơ sở lấy ý kiến phản hồi từ người học, các đơn vị giảng dạy đã có những điều chỉnh, đổi mới trong nội dung chương trình đào tạo cũng như phương pháp dạy học của giảng viên. Tại Hội nghị lần này, các đơn vị đào tạo của Trường tiếp tục ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của các đơn vị sử dụng lao động, sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh về nội dung và phương pháp dạy học của giảng viên; tài liệu, phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy; phương pháp đánh giá và quá trình kiểm tra, đánh giá kết quả học tập;... Đây sẽ là nguồn thông tin quan trọng cho Khoa Kinh tế nói riêng và các đơn vị đào tạo nói chung làm cơ sở định hướng cho những điều chỉnh, bổ sung, đổi mới chương trình đào tạo cũng như phương pháp dạy học đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực cho người học cũng như đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của người sử dụng lao động.
TS. Phan Huy Hùng, Giám đốc Trung tâm Quản lý Chất lượng, trình bày kết quả phản hồi của người học về phương pháp giảng dạy |
Đại diện các Bộ môn Khoa Kinh tế báo cáo về cải tiến PPGD |
Các đại biểu đóng góp ý kiến tại Hội nghị |
(Tin, ảnh: Tạp chí Khoa học Trường ĐHCT)