Ngày 25 tháng 12 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2395/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực khoa học và công nghệ (KH&CN) ở trong nước và nước ngoài bằng ngân sách nhà nước (gọi tắt là Đề án 2395).
Để phổ biến thông tin và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân về điều kiện, tiêu chí, quy trình, thủ tục tham gia Đề án 2395, ngày 01/10/2018, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ tổ chức Hội nghị Giới thiệu Đề án đào tạo bồi dưỡng nhân lực KH&CN trong nước và ngoài nước bằng ngân sách nhà nước (Đề án 2395).
Hội nghị Giới thiệu Đề án 2395 được tổ chức tại Trường Đại học Cần Thơ |
Đề án 2395 với mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức, kỹ năng của đội ngũ nhân lực KH&CN; nâng cao khả năng nghiên cứu, tiếp thu, làm chủ, phát triển công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, hiện đại của đội ngũ nhân lực KH&CN; hình thành lực lượng chuyên gia KH&CN trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Với 04 hình thức đào tạo gồm: Đào tạo, bồi dưỡng chuyên gia; Đào tạo, bồi dưỡng theo nhóm; Bồi dưỡng sau tiến sĩ; Bồi dưỡng nhân lực quản lý KH&CN, đối tượng tham gia đào tạo, bồi dưỡng gồm: cá nhân hoạt động KH&CN, nhóm nghiên cứu đang công tác tại các tổ chức KH&CN và doanh nghiệp tại Việt Nam; nhân lực quản lý KH&CN đang công tác tại cơ quan, đơn vị quản lý KH&CN thuộc Bộ, ngành, địa phương tổ chức KH&CN và doanh nghiệp tại Việt Nam.
Lộ trình thực hiện Đề án gồm hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 2016-2020 đào tạo, bồi dưỡng khoảng 150 chuyên gia, 50 nhóm nghiên cứu ở nước ngoài; bồi dưỡng sau tiến sĩ cho khoảng 100 người và bồi dưỡng 200 cán bộ quản lý KH&CN ở trong nước và nước ngoài. Đối với giai đoạn 2021-2025, các chỉ tiêu được tăng lên lần lượt là 200 chuyên gia, 80 nhóm nghiên cứu, 200 tiến sĩ, 300 cán bộ quản lý KH&CN. Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho các lĩnh vực KH&CN, trong đó tập trung vào các lĩnh vực công nghệ ưu tiên, công nghệ mới, công nghệ cao được xác định theo chiến lược, kế hoạch phát triển KH&CN trong từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, các lĩnh vực công nghệ được ưu tiên gồm: công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ chế tạo máy - tự động hóa và công nghệ môi trường.
Ông Đỗ Việt Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ KH&CN, Phó Trưởng ban thường trực Ban Điều hành Đề án, phát biểu khai mạc |
Bà Trần Thị Ngọc Hà, Trưởng Phòng Đào tạo, Vụ Tổ chức cán bộ giới thiệu Đề án |
(Tin, ảnh: Trung tâm Thông tin và Quản trị mạng)