Nhằm góp phần thúc đẩy nghiên cứu cơ bản và ứng dụng về công nghệ thông tin (CNTT) tại Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp cùng Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) và các cơ quan khoa học, các nhà khoa học từ các viện nghiên cứu, các trường đại học tổ chức Hội nghị khoa học quốc gia lần thứ IX về "Nghiên cứu cơ bản và ứng dụng Công nghệ thông tin" (Fundamental and Applied IT Resaerch - FAIR). Hội nghị được tổ chức tại Trường ĐHCT và diễn ra trong 02 ngày 04 và 05/8/2016.
Hội nghị khoa học quốc gia lần thứ IX về "Nghiên cứu cơ bản và ứng dụng công nghệ thông tin" năm 2016 |
Hiện nay, CNTT đang phát triển hết sức mạnh mẽ, là một ngành khoa học công nghệ cao đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Ngày càng có nhiều hội nghị, hội thảo quốc gia và quốc tế về CNTT được tổ chức nhằm tạo ra diễn đàn để các nhà khoa học gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kiến thức trong lĩnh vực CNTT. Năm 2016, Trường ĐHCT rất vinh dự là đơn vị tổ chức Hội nghị FAIR lần IX. Đại diện lãnh đạo Nhà trường, PGS.TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng bày tỏ niềm hân hoan và gửi lời chào mừng nồng nhiệt đến toàn thể đại biểu tham dự, đồng thời, chia sẻ một số thông tin và kết quả quan trọng mà Trường ĐHCT đạt được trong thời gian qua.
GS.TS. Vũ Đức Thi, Viện CNTT, ĐH Quốc gia Hà Nội, Trưởng Ban Tổ chức, phát biểu khai mạc Hội nghị |
Trường ĐHCT hiện là cơ sở đào tạo đại học và sau đại học trọng điểm của Nhà nước ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, Trường có 16 khoa, 03 viện nghiên cứu, 18 trung tâm, 15 phòng ban chức năng. Trường đã phát triển 96 chuyên ngành đào tạo đại học, 40 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ và 16 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ với quy mô hơn 52.000 sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh.
Trường ĐHCT đã xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục và triển khai công tác tự đánh giá các chương trình đào tạo (CTĐT) trong tất cả các đơn vị đào tạo của Trường. Hiện đã có 03 CTĐT được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng AUN-QA của Mạng lưới các trường đại học quốc gia Đông Nam Á trong năm 2013 và 2014. Trong tháng 10/2015, Trường tiến hành kiểm định thử 02 CTĐT khối ngành Kỹ thuật công nghệ để hướng đến kiểm định chất lượng CTĐT theo tiêu chuẩn ABET với kết quả rất khả quan.
Không chỉ chú trọng nâng cao chất lượng công tác đào tạo đại học và sau đại học, trong nhiều năm qua, công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Trường cũng được chú trọng và đi vào chiều sâu. Đặc biệt, từ năm 2015, Trường ĐHCT bắt đầu triển khai Dự án Nâng cấp Trường ĐHCT sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản với tổng kinh phí 105,9 triệu USD với mục tiêu xây dựng Trường ĐHCT trở thành một trong những trường hàng đầu của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2022 về 03 lĩnh vực: nông nghiệp, thủy sản và môi trường.
Đối với lĩnh vực CNTT, Trường ĐHCT có Khoa CNTT và Truyền thông với bề dày lịch sử hơn 20 năm hình thành và phát triển. Khoa có tiềm lực phát triển trong nhiều lĩnh vực như: Khai phá dữ liệu và nhận dạng; Dự báo và mô phỏng; Tính toán lớn và điện toán đám mây; An ninh mạng và an toàn hệ thống; Truyền thông di động; Hệ thống thông tin địa lý (GIS),..Hàng năm, Khoa công bố khoảng 70 bài báo quốc gia và quốc tế. Bên cạnh đó, Khoa đang đẩy mạnh nghiên cứu các ứng dụng CNTT phục vụ các lĩnh vực đặc thù cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long như: nông nghiệp, thuỷ sản, môi trường, đặc biệt là vấn đề biến đổi khí hậu, hạn hán và xâm nhập mặn. Khoa CNTT và Truyền thông từng là đơn vị đăng cai tổ chức các hội thảo quốc gia và quốc tế như: Hội thảo quốc gia về các vấn đề chọn lọc của Công nghệ thông tin và Truyền thông năm 2011, IEEE RIVF năm 2010 và 2015.
PGS.TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT, đồng Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị, phát biểu chào mừng |
Tại Hội nghị FAIR 2016, các nhà khoa học đã giới thiệu các kết quả nghiên cứu và ứng dụng mới nhất liên quan đến những vấn đề thời sự của CNTT như Deep Learning và Big Data, đã có hơn 200 báo cáo khoa học được gửi tới Hội nghị từ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu có uy tín trong lĩnh vực CNTT. Ban tổ chức đã tiến hành phản biện và lựa chọn các báo cáo có đủ hàm lượng khoa học để trình bày tại Hội nghị. Cụ thể, có tổng số 112 báo cáo được trình bày tại 05 tiểu ban của Hội nghị gồm: Khoa học tính toán, Hệ thống thông tin, Công nghệ đa phương tiện, Cơ sở dữ liệu và Công nghệ tri thức, Công nghệ mạng và truyền thông.
Qua các kỳ tổ chức, Hội nghị FAIR đã mở rộng cơ hội để các nhà khoa học trong lĩnh vực CNTT giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ các kết quả nghiên cứu mới nhất để triển khai, ứng dụng trong thực tiễn, từ đó, Hội nghị ngày càng khẳng định vai trò, tầm ảnh hưởng trong việc thúc đẩy nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng về CNTT và Truyền thông tại Việt Nam.
Đại biểu báo cáo tại Hội nghị |
Đại biểu chụp ảnh lưu niệm |
(Tin, ảnh: Trung tâm Thông tin và Quản trị mạng)