Từ ngày 19 đến ngày 22/5/2022, Trường Đại học Cần Thơ đăng cai tổ chức Hội nghị Khoa học Xúc tác - Hấp phụ toàn quốc lần thứ XI. Tham dự Hội nghị có các đại biểu từ Hội Khoa học Công nghệ Xúc tác và Hấp phụ Việt Nam, các cơ quan quản lý nhà nước và hơn 120 đại biểu từ 32 trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp.
Toàn cảnh Hội nghị Khoa học Xúc tác - Hấp phụ toàn quốc lần thứ XI tại Trường Đại học Cần Thơ |
Khoa học, công nghệ xúc tác và hấp phụ có vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển công nghiệp và bảo vệ môi trường. Hiện nay, xúc tác là yếu tố có tính chất quyết định đối với 90% các quá trình sản xuất nhiên liệu, vật liệu, hóa chất công nghiệp và hóa chất dân dụng. Do đó, việc nghiên cứu, phát triển vật liệu mới trong lĩnh vực xúc tác, hấp phụ đóng vai trò then chốt. Cũng chính vì lý do đó, công nghệ vật liệu mới luôn được xác định là một trong 4 công nghệ cao được ưu tiên phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu vật liệu cho các ngành sản xuất tại Việt Nam ngày càng tăng, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.
GS.TSKH Lưu Cẩm Lộc, Chủ tịch Hội Khoa học Công nghệ Xúc tác và Hấp phụ Việt Nam, Nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ Hóa học, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam, thành viên Hội đồng Giáo sư Liên ngành Hóa - Công nghệ Thực phẩm phát biểu khai mạc Hội nghị |
Phát biểu nhân chuyến thăm Trường Đại học Cần Thơ tháng 8 năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Trường Đại học Cần Thơ sẽ là cơ sở nghiên cứu, đề xuất chủ trương, giải pháp thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Trường Đại học Cần Thơ cam kết đồng hành với các tỉnh, thành và sẵn sàng làm đầu mối trong công cuộc phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long. Từ năm 2021 Trường Đại học Cần Thơ chủ trì tổ chức chuỗi hoạt động trong khuôn khổ “Diễn đàn Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long tầm nhìn 2045 (gọi tắt là SDMD 2045)” với nhiều hoạt động quan trọng nhằm góp phần phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh mới và hội nhập quốc tế hướng đến tầm nhìn 2045. Trên tinh thần đó, Trường Đại học Cần Thơ vinh dự đăng cai tổ chức Hội nghị Khoa học Xúc tác - Hấp phụ toàn quốc lần thứ XI với chủ đề “Vật liệu Xúc tác và hấp phụ với biến đổi khí hậu ở Việt Nam”.
GS.TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, phát biểu chào mừng và giới thiệu về Hội nghị |
Hội nghị nhằm tập hợp đội ngũ các nhà khoa học, nhà quản lý và các chuyên gia trong lĩnh vực xúc tác và hấp phụ, khoa học vật liệu mới và vật liệu tiên tiến, chế biến dầu khí, hóa dầu, nhiên liệu tái tạo, nhiên liệu sạch, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và các lĩnh vực liên quan để cùng trao đổi, công bố các kết quả nghiên cứu và ứng dụng phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước.
GS.TSKH Lưu Cẩm Lộc và GS.TS Tạ Ngọc Đôn, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hội Khoa học Công nghệ Xúc tác và Hấp phụ Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Xúc tác và Hấp phụ Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, tặng hoa và quà cho đại diện đơn vị đăng cai |
GS.TS. Hà Thanh Toàn tặng hoa và quà lưu niệm cho đại diện Ban Tổ chức Hội nghị |
GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng, Cố vấn BCH Hội KHCN Xúc tác và Hấp phụ Việt Nam, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Hóa học Châu Á, nguyên Chủ tịch Hội Hóa học VN, Nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc PVN, tặng hoa chúc mừng GS.TS. Vũ Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Hội, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ Lọc hóa dầu đã đạt Giải thưởng nhà nước về Khoa học công nghệ năm 2021 |
GS.TSKH Lưu Cẩm Lộc và GS.TS. Hà Thanh Toàn tặng hoa chúc mừng các các tân Giáo sư và Phó Giáo sư năm 2020 và 2021 là hội viên Hội Xúc tác - Hấp phụ Việt Nam |
Hội nghị diễn ra với một phiên toàn thể vớ 08 báo cáo chính xoay quanh các nội dung: Hướng phát triển của ngành Xúc tác trong bối cảnh những chuyển đổi của các lĩnh vực kinh tế và công nghệ trên thế giới và Việt Nam; Xu hướng phát triển năng lượng tái tạo có tiềm năng ở Việt Nam; Vật liệu cấu trúc đa chiều thế hệ mới: Tổng hợp và ứng dụng trong phân tích điện hóa; CO2 - Nguồn nguyên liệu cho sản xuất nhiên liệu; Phát triển và ứng dụng quá trình xúc tác - hấp phụ tại Keylab PRT - Thành tựu và triển vọng; Công nghệ PSA trong hệ thống tạo khí oxy y tế và các ứng dụng trong công nghiệp.
Ngoài ra, các đại biểu đã nghe và trao đổi với các tác giả của 14 báo cáo chuyên đề theo hai phân ban gồm: Phân ban 1: Xúc tác và hấp phụ phục vụ bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và Phân ban 2: Xúc tác và hấp phụ dạng vật liệu mới, vật liệu tiên tiến và phát triển nhiên liệu.
Đoàn Chủ tịch của Hội nghị |
Các đại biểu báo cáo tại Hội nghị |
Các đại biểu tham quan, tìm hiểu các công trình nghiên cứu và các sản phẩm khoa học công nghệ |
Thông qua sự kiện này, Trường Đại học Cần Thơ đã tạo ra diễn đàn để các nhà khoa học, nhà quản lý và các doanh nghiệp có liên quan có cơ hội để thảo luận về những thách thức cũng như một số giải pháp trong tương lai liên quan đến phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, từ góc nhìn khoa học công nghệ vật liệu xúc tác - hấp phụ. Hội nghị cũng tạo cơ hội để thúc đẩy hơn nữa nối kết nghiên cứu khoa học với thực tiễn cuộc sống và xác định một số định hướng chính nhằm giải quyết những khó khăn, thách thức trong bối cảnh hiện tại. Những kết quả nghiên cứu góp phần cung cấp thông tin khoa học cho những nghiên cứu ứng dụng vào điều kiện thực tế của địa phương, là nền tảng tham khảo có giá trị cho những nghiên cứu tiếp theo, góp phần hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và gia tăng khả năng chống chịu đối với biến đổi khí hậu trong hiện tại và tương lai, không chỉ cho Đồng bằng sông Cửu Long mà còn cho cả nước.
(Ban Biên tập)