Nhân kỷ niệm Ngày Đất thế giới (05/12), Bộ môn Khoa học đất, Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) phối hợp cùng Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau tổ chức Hội nghị "Quản lý và sử dụng phân bón hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp". Hội thảo thu hút đông đảo các nhà khoa học, doanh nghiệp, cán bộ địa phương cùng các cán bộ, giảng viên, sinh viên thuộc lĩnh vực nông nghiệp.
Hội nghị "Quản lý và sử dụng phân bón hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp" diễn ra tại Hội trường Khoa Nông nghiệp, Trường ĐHCT |
Trong những năm gần đây ở khu vực ĐBSCL, các vấn đề về ngập lũ, khô hạn, xâm nhập mặn, cạn kiệt nguồn tài nguyên nước phục vụ cho sinh hoạt và nông nghiệp hay ô nhiễm môi trường diễn biến rất phức tạp và không theo quy luật tự nhiên. Nguyên nhân chủ yếu do tác động của biến đổi khí hậu và canh tác nông nghiệp theo hướng thâm canh, độc canh, tăng vụ và lạm dụng hóa chất nông nghiệp. Điều này dẫn đến nguy cơ đe dọa các hoạt động sản xuất nông nghiệp ở vùng ĐBSCL rất cao. Bên cạnh đó, các trở ngại về đất đai bao gồm độ phì nhiêu và chất lượng đất bị suy giảm; bạc màu đất diễn ra nhanh chóng, mất cân bằng dinh dưỡng và hệ sinh thái đất; tích lũy và lưu tồn các hóa chất độc hại từ việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc BVTV; sự nhiễm mặn và hoạt động của phèn trong đất gia tăng.
Điều đáng mừng là sự phát triển đa dạng các biện pháp cải thiện đất (biện pháp vật lý, hóa học và sinh học) theo phương pháp mới, có hiệu quả cao nhằm đối phó với các vấn đề trở ngại, bạc màu và suy thoái đất đã được nghiên cứu và phổ biến. Nhiều sản phẩm phân bón thế hệ mới đa dạng về chủng loại và thành phần được sản xuất và đưa vào ứng dụng rộng rãi nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng và hạn chế phát thải khí nhà kính do bón phân gây ra. Các khảo nghiệm về biện pháp cải thiện đất và sản phẩm phân bón trên nhiều điều kiện môi trường đất khác nhau ở ĐBSCL đã được thực hiện và đạt được một số thành tựu nhất định.
GS.TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT, phát biểu khai mạc Hội nghị |
Hội nghị "Quản lý và sử dụng phân bón hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp" đã tạo cơ hội để các nhà khoa học, các doanh nghiệp cùng các cán bộ địa phương làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ các kết quả nghiên cứu và ứng dụng nhằm hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững, thận thiện môi trường sinh thái và tạo ra nông sản sạch. Hội nghị diễn ra với một phiên toàn thể và 5 tiểu ban báo cáo theo chủ đề chuyên sâu. Tại phiên toàn thể của Hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo tham luận của các chuyên gia, các nhà khoa học trong lĩnh vực Khoa học đất và Phân bón về vai trò của Khoa học đất trong sản xuất nông nghiệp bền vững, sự bạc màu đất ĐBSCL và biện pháp quản lý, xu hướng nghiên cứu và ứng dụng phân bón trong nông nghiệp. Tại 5 tiểu ban, 15 tham luận trình bày các kết quả nghiên cứu về quản lý đất và sử dụng phân bón cho đất có vấn đề và vùng xâm nhập mặn; sự suy thoái đất và biện pháp cải thiện, từ đó định hướng ứng dụng những tiến bộ, triển vọng trong sản xuất và sử dụng phân bón cũng như ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp.
GS.TS. Nguyễn Bảo Vệ, Trường ĐHCT, trình bày báo cáo "vai trò của Khoa học đất trong sản xuất nông nghiệp bền vững" |
GS.TS. Võ Thị Gương, Trường ĐH Tây Đô, với tham luận về "sự bạc màu đất ĐBSCL và biện pháp quản lý theo hướng bền vững" |
TS. Lê Công Nhất Phương, Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà mau, trình bày nội dung "xu hướng nghiên cứu phát triển phân bón mới trong nông nghiệp" |
Đại biểu tham quan các sản phẩm nông nghiệp và poster trình bày các kết quả nghiên cứu khoa học |
(Tin, ảnh: Tạp chí Khoa học Trường ĐHCT)