Tân sinh viên           Người học         Viên chức           Cựu sinh viên         EN

Hội nghị quốc tế Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (SDMD-2021): Nông nghiệp, Thủy sản và Môi trường thích ứng với Biến đổi khí hậu

Ngày 30/3/2021, tại Trung tâm Học liệu, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) phối hợp với Văn phòng Dự án Hỗ trợ Kỹ thuật tổ chức Hội nghị Quốc tế "Phát triển Bền vững Đồng bằng Sông Cửu Long năm 2021: Nông nghiệp, Thủy sản và Môi trường Thích ứng với Biến đổi Khí hậu” để chia sẻ các kết quả nghiên cứu của Dự án Nâng cấp Trường ĐHCT, tăng cường gắn kết các viện, trường, doanh nghiệp và địa phương, thảo luận về các định hướng nghiên cứu cũng như cách tiếp cận mới để áp dụng vào thực tiễn cho người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đây là một trong chuỗi các sự kiện quan trọng chào mừng Lễ kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Trường (31/3/1966-31/3/2021). Hội thảo có sự tham dự của ông Shimizu Akira, Trưởng đại diện JICA Việt Nam; ông Masuda Chikahiro, Trưởng đại diện Văn phòng JICA chi nhánh TP. Hồ Chí Minh; ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT; UBND, các sở ban ngành, viện, trường, công ty, doanh nghiệp trong và ngoài khu vực ĐBSCL.

Hội thảo quốc tế SDMD-2021 diễn ra tại Hội trường Trung tâm Học liệu, Trường ĐHCT


Trường ĐHCT là cơ sở đào tạo đại học và sau đại học trọng điểm của Nhà nước ở ĐBSCL, là trung tâm văn hóa - khoa học kỹ thuật của vùng. Nhiệm vụ chính của Trường là đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL. Song song với công tác đào tạo, Trường đã tích cực tham gia các chương trình nghiên cứu khoa học, ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật nhằm giải quyết các vấn đề về khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hoá và xã hội của vùng. Thời gian qua, Trường đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía chính quyền địa phương trong các hoạt động đào tạo, hợp tác khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, Trường cũng mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế, trường đại học và viện nghiên cứu trên thế giới. Thông qua các chương trình hợp tác, năng lực quản lý và chuyên môn của đội ngũ công chức - viên chức của Trường được nâng cao; cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu thông tin khoa học được nâng cấp. Từ những kết quả của các công trình nghiên cứu khoa học và hoạt động hợp tác trong và ngoài nước, Trường đã xuất bản nhiều công trình khoa học, tạo ra nhiều sản phẩm, quy trình công nghệ phục vụ sản xuất, đời sống và xuất khẩu; qua đó, uy tín trong nước và quốc tế của Trường ngày càng được khẳng định.


Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, triển khai nhiều giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho vùng ĐBSCL, mang lại sự thịnh vượng chung cho người dân trong toàn vùng. Nghị quyết 120 của Chính phủ về “Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu” đã nêu tầm quan trọng của vùng trong sản xuất nông nghiệp và thủy sản, đảm bảo an ninh lương thực và đóng góp đáng kể vào tổng giá trị xuất khẩu của cả nước, đồng thời cũng nêu ra những thách thức mà vùng ĐBSCL phải đối mặt do đây là vùng đất mẫn cảm với thay đổi của tự nhiên. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân. Việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ, đặc biệt là xây dựng đập thủy điện đã làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản, xâm nhập mặn sâu vào nội vùng, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Mặt trái từ hoạt động phát triển kinh tế với cường độ cao ở nội vùng bộc lộ ngày càng gay gắt, gây nhiều hệ lụy như ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng, sụt lún đất, suy giảm mực nước ngầm, xâm thực bờ biển, nhiều diện tích rừng tự nhiên, nhất là rừng ngập mặn, rừng tràm, rừng phòng hộ bị chặt phá, chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác hoặc bị suy thoái nặng nề. Việc khai thác bùn cát quá mức, xây dựng nhà cửa và hạ tầng sát bờ sông, kênh, rạch làm gia tăng nguy cơ sạt lở. Bên cạnh đó, việc huy động, sử dụng nguồn lực cho đầu tư phát triển còn hạn chế. Mặt bằng học vấn và tỷ lệ ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến của vùng thấp hơn mức bình quân chung của cả nước; chất lượng giáo dục, y tế vẫn còn thấp so với yêu cầu; nhân lực chất lượng cao đang có xu hướng dịch chuyển sang các địa phương khác.

GS.TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT phát biểu khai mạc Hội thảo


Để giải quyết những thách thức nêu trên, góp phần giúp vùng ĐBSCL phát triển bền vững, thịnh vượng, trên cơ sở chủ động thích ứng, phát huy tiềm năng, thế mạnh, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội để phát triển, bảo đảm được cuộc sống ổn định, khá giả của người dân cũng như bảo tồn được những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của vùng, việc đầu tư, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ đóng vai trò hết sức quan trọng. Dự án Nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ sử dụng vốn vay ODA từ Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) được thực hiện trong 7 năm (từ tháng 10/2015 đến tháng 10/2022) với tổng kinh phí 105,9 triệu USD (tương đương 2.250 tỷ đồng). Mục tiêu tổng thể của Dự án là “Nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ thành trường đại học xuất sắc, đạt chuẩn quốc tế về đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và quản trị đại học”; trong đó, tập trung vào 3 lĩnh vực Nông nghiệp, Thủy sản, Môi trường, góp phần phát triển kinh tế xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, gia tăng giá trị nông nghiệp và thủy sản ở vùng ĐBSCL. Dự án gồm 5 hợp phần chính: Phát triển nguồn nhân lực, Phát triển cơ sở vật chất, Đầu tư thiết bị nghiên cứu, Thực hiện các chương trình nghiên cứu và Dịch vụ tư vấn.

Trong đó, hợp phần Thực hiện các chương trình nghiên cứu gồm 36 chương trình, được chia thành 3 đợt, mỗi chương trình kéo dài 3 năm, được đầu tư tổng kinh phí vay lại là 81,72 tỷ đồng. Từ khi bắt đầu thực hiện vào tháng 5/2017 đến nay, các chương trình nghiên cứu đã đạt được những kết quả nhất định. Nhân Lễ kỷ niệm 55 năm ngày thành lập, Trường ĐHCT tổ chức Hội nghị Quốc tế "Phát triển Bền vững Đồng bằng Sông Cửu Long năm 2021: Nông nghiệp, Thủy sản và Môi trường Thích ứng với Biến đổi Khí hậu” để trình bày kết quả của 36 chương trình nghiên cứu khoa học thuộc Dự án; qua đó tạo điều kiện tăng cường hơn nữa hợp tác giữa nhà trường với các địa phương, các doanh nghiệp và các viện trường trong vùng; cũng là dịp để thảo luận về các định hướng nghiên cứu, hướng tiếp cận trong tương lai để ứng dụng phục vụ cộng đồng, góp phần phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Qua Hội nghị này, Trường ĐHCT đã nhận được các ý kiến thảo luận, đóng góp, đề nghị và đặt hàng từ phía địa phương, doanh nghiệp và các viện trường trong vùng, giúp Trường có thêm thông tin, kịp thời hợp tác, hỗ trợ hiệu quả hơn nữa cho sự phát triển bền vững của vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.

Ông Shimizu Akira, Trưởng đại diện JICA Việt Nam phát biểu tại Hội thảo


Phát biểu tại Hội thảo, ông Shimizu Akira, Trưởng đại diện JICA Việt Nam đã tóm tắt quá trình hợp tác cũng như những cột mốc quan trọng trong mối quan hệ hợp tác giữa JICA và Trường ĐHCT. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của ĐHCT trong sự phát triển bền vững ĐBSCL. Trường ĐHCT đang từng bước vững chắc đóng góp vào sự tăng trưởng của lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản của Việt Nam và nâng cao chất lượng, số lượng nguồn nhân lực cần thiết đáp ứng với Biến đổi khí hậu cho khu vực. Ông chỉ ra bài toán đặt ra cho mối quan hệ hợp tác giữa JICA và Trường ĐHCT là phải đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Ông tin rằng những công nghệ và bí quyết mà trường đã tích lũy sẽ tạo đà cho việc thiết lập mô hình thực tiễn thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt trong các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản và môi trường. Thích ứng với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL không chỉ hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam mà còn có tác động lớn tới sự ổn định của các nước lân cận, bao gồm cả Nhật Bản, và Trường ĐHCT giữ vai trò quan trọng trong các hoạt động nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực thông qua hợp tác với các viện nghiên cứu các nước trong tiểu vùng sông Mekong và tiếp nhận các sinh viên quốc tế. Ông Shimizu Akira khẳng định JICA tiếp tục hợp tác với Trường ĐHCT để thúc đẩy sự phát triển bền vững của Trường, góp phần vào sự phát triển chung của khu vực. Trong tương lai, ông mong muốn Chính phủ, chính quyền địa phương, các công ty trong nước, đối tác, các công ty Nhật Bản và các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau, tận dụng tiềm năng, thế mạnh của Trường ĐHCT để có các hành động thích ứng với biến đối khí hậu tại ĐBSCL, và Hội thảo SDMD-2021 là bước khởi đầu giúp các bên đạt được mục tiêu chung là sự phát triển kinh tế xã hội bền vững của ĐBSCL.

PGS.TS. Lê Việt Dũng, Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCT chủ trì phiên Hội thảo

 

GS. Ishimatsu Atsushi, Cố vấn học thuật Dự án JICA ĐHCT và PGS.TS. Nguyễn Hiếu Trung, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCT trình bày nội dung "Tác động của biến đổi khí hậu lên nông nghiệp và thủy sản vùng ĐBSCL"

 

PGS.TS. Trần Trung Tính, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCT trình bày những kết quả đạt được của Dự án Nâng cấp Trường ĐHCT

 

Các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trong nông nghiệp, thủy sản và môi trường được trình bày bởi GS.TS. Trần Ngọc Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCT; PGS.TS. Nguyễn Văn Công, Trưởng Khoa MT&TNTN và PGS.TS. Lý Nguyễn Bình, Phó trưởng Khoa Nông nghiệp

 

TS. Lâm Văn Tân, Sở KH&CN tỉnh Bến Tre; TS. Phạm Trường Yên, Sở NN&PTNT TP. Cần Thơ và ông Tony Đặng Quốc Tuấn, Cty CP Nuôi tôm công nghệ cao Bạc Liêu, đại diện các địa phương, công ty, doanh nghiệp trình bày về tình hình, tác động biến đổi khí hậu lên sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản tại các địa phương và các giải pháp ứng phó

 

Các đại biểu tham quan mô hình nuôi thủy sản của Trường ĐHCT

 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo



(Tin, ảnh: Tạp chí Khoa học Trường ĐHCT)
 

Lượt xem: 2620

DỊCH VỤ TIỆN ÍCH

THÔNG TIN

CÔNG KHAI