Ngày 25/9/2015, tại Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) đã diễn ra Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số 1033/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giai đoạn 2011-2015.
Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. Chủ trì buổi thảo luận có Đ/c Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Đ/c Huỳnh Văn Tí, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; Đ/c Võ Minh Chiến, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ. Hội nghị còn có sự tham gia của hơn 200 đại biểu là đại diện Ủy ban nhân dân, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các trường đại học, cao đẳng thuộc các tỉnh/thành khu vực ĐBSCL.
Toàn cảnh buổi Hội nghị diễn ra tại Trường ĐHCT |
Các đại biểu tham dự Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số 1033/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng ĐBSCL giai đoạn 2011-2015 |
Hội nghị đã thông qua báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện Quyết định số 1033/QĐ-TTg phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng ĐBSCL giai đoạn 2011-2015, nhiệm vụ và giải pháp giai đoạn 2016-2020; báo cáo kết quả thực hiện Quyết định số 1033/QĐ-TTg về phát triển dạy nghề vùng ĐBSCL giai đoạn 2011-2015; phát biểu của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ về cơ chế đặc thù đào tạo nguồn nhân lực cho vùng. Trên cơ sở đó, các đại biểu đã tiến hành thảo luận và đóng góp ý kiến với mục tiêu giúp ngành giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng ĐBSCL có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong giai đoạn tiếp theo, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của vùng.
Sau 5 năm (2011-2015), mạng lưới cơ sở dạy nghề của vùng ĐBSCL đã phát triển mạnh mẽ, đa dạng với 176 cơ sở dạy nghề, trong đó có 17 trường cao đẳng nghề, 34 trường trung cấp nghề, 125 trung tâm dạy nghề. Nếu tính các cơ sở khác có dạy nghề thì mạng lưới cơ sở dạy nghề toàn vùng là 364 cơ sở. Tổng số tuyển sinh học nghề là 1.238.643 người (bình quân mỗi năm dạy nghề cho gần 250 ngàn người). Số lao động nông thôn học nghề là 794.147 người. Năm 2015, toàn vùng có khoảng 6.678 giáo viên, giảng viên tham gia dạy nghề, tăng 1,68 lần so với năm 2010.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được thì so với mục tiêu của Quyết định 1033 vẫn còn một số chỉ tiêu phát triển dạy nghề trong vùng không đạt như: số trường cao đẳng dạy nghề đạt 78% (17/22 trường), số trường trung cấp nghề đạt 97,14% (34/35 trường); quy mô tuyển sinh dạy nghề bình quân hằng năm trong giai đoạn 2011-2015 chỉ đạt 56% và tuyển sinh học nghề trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề còn thấp (5 năm qua mới đạt 7% tổng số học sinh học nghề), mới chỉ tập trung vào trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng; tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề của vùng năm 2015 ước đạt 35,2%, đã tăng so với năm 2010 (23,5%) nhưng còn thấp so với bình quân cả nước (40,6%) và có sự chênh lệch lớn giữa các tỉnh trong vùng.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu các đại biểu tham dự đưa ra nhiều ý kiến, kiến nghị cụ thể, bám sát vào những khó khăn trong thực tế dạy nghề của vùng ĐBSCL để đưa vào quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020.
Đ/c Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Đ/c Huỳnh Văn Tí, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội; Đ/c Võ Minh Chiến, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì buổi thảo luận |
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Trường ĐHCT, PGS.TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng đã chia sẻ những thành tựu đạt được cũng như những đóng góp tích cực của Trường ĐHCT đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng ĐBSCL trong những năm qua. Bên cạnh đó, Hiệu trưởng cũng chia sẻ những định hướng phát triển của Trường trong tương lai với mong muốn nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp lãnh đạo, giúp Nhà trường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giáo dục và đào tạo.
PGS.TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT phát biểu tại Hội nghị |
Nhân dịp tham dự Hội nghị lần này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có buổi gặp mặt, trao đổi riêng với PGS.TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT. Phó Thủ tướng đã nhiệt tình trao đổi nhiều vấn đề với lãnh đạo Nhà trường, đồng thời đưa ra những chỉ đạo cụ thể, sát sao nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động phát triển của Trường ĐHCT trong thời gian tới. Tại buổi trao đổi với Phó Thủ tướng, lãnh đạo Nhà trường cũng bày tỏ tình cảm, tâm huyết và trách nhiệm của Trường trong hoạt động thúc đẩy sự phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng ĐBSCL.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam gặp mặt và trao đổi với PGS.TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT |
(Tin, ảnh: Trung tâm Thông tin & Quản trị mạng)