Tân sinh viên           Người học         Viên chức           Cựu sinh viên         EN

Hội thảo cuối kỳ dự án Rise and Fall về “Động thái Tài nguyên Nước dưới đất và Xâm nhập mặn trong điều kiện sụt lún Đồng bằng sông Cửu Long”

Ngày 07 và 08/10/2019, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) kết hợp với Viện Khoa học Thủy Lợi Miền Nam, Liên Đoàn Địa chất Thủy văn, Khoa Khoa học Trái đất (Faculty of Geosciences) – Trường Đại học Utrecht (Hà Lan) tổ chức Hội thảo cuối kỳ dự án Rise and Fall về “Động thái Tài nguyên Nước dưới đất và Xâm nhập mặn trong điều kiện sụt lún Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” nhằm tổng kết và báo cáo kết quả của dự án trong giai đoạn từ 2015 đến 2019. Nôi dung chính bao gồm các vấn đề về xâm nhập mặn nước mặt và nước dưới đất, tình trạng khai thác quá mức nguồn tài nguyên nước dưới đất và vấn đề về sụt lún. Bên cạnh đó, hội thảo còn đưa ra các giải pháp nhằm tăng cường năng lực của cá nhân và tổ chức trong việc phát triển chiến lược thích ứng bền vững vùng ĐBSCL.

PGS.TS. Nguyễn Hiếu Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường ĐHCT, Chủ nhiệm dự án phát biểu khai mạc


Hội thảo ngày 07/10/2019 có sự tham dự của các đại diện đến từ Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam, Hội đồng Nghiên cứu Hà Lan (NWO), Đại học Utrecht, Viện Deltares, Trường ĐHCT, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam, Viện Khoa học Thủy Lợi Miền Nam, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Trung tâm Địa Tin học thuộc ĐH Quốc gia TP HCM, các nhà khoa học và các nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học trong và ngoài nước. Đặc biệt vào ngày 08/10/2019, hội thảo có sự góp mặt của các đại diện đến từ các sở ngành cấp tỉnh, huyện và công ty cấp nước ở ĐBSCL.

Cũng như các vùng đồng bằng khác trên thế giới, ĐBSCL rất dễ bị tổn thương bởi sự gia tăng mực nước biển do đồng bằng thấp và thường có tỷ lệ sụt lún khá cao dưới tác động của việc khai thác quá mức nguồn tài nguyên nước dưới đất. Ngoài ra, triều cường cùng với xâm nhập mặn dọc theo các vùng ven biển của đồng bằng đã trở thành mối đe dọa ngày càng gia tăng cho ĐBSCL. Sụt lún đất do hậu quả của quá trình đô thị hóa, quá trình co rút tự nhiên của bề mặt đất và việc sử dụng quá mức các nguồn nước dưới đất làm cho những vấn đề nêu trên ngày càng trầm trọng thêm. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn còn khá ít nghiên cứu về sụt lún đất tại ĐBSCL.

Do đó, hội thảo cuối kỳ của dự án nhằm mục đích khuyến khích các chuyên gia trong nước và quốc tế về các lĩnh vực khác nhau, cùng với các nhà hoạch định chính sách và cán bộ quản lý nhà nước, thảo luận sâu hơn về các chiến lược phát triển bền vững của vùng đồng bằng. Hội thảo là cơ hội tốt để các đại biểu tham gia chia sẻ kiến thức và tầm nhìn cho tương lai của ĐBSCL.

Trao đổi giữa các nhà khoa học và các lãnh đạo sở ban ngành về kết quả nghiên cứu của dự án Rise and Fall cùng với các chiến lược phát triển bền vững của ĐBSCL


Các chính sách liên quan của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể trong những thập niên qua. Mặc dù một số chính sách về quản lý sụt lún đất và nguồn nước dưới đất đã được phê duyệt gần đây, tuy vậy những hậu quả tiêu cực của các quá trình này đã được nhắc đến liên tục và do vậy các chính sách ở những cấp độ khác nhau cần được phát triển nhằm giúp ĐBSCL thích ứng được với những thách thức này. Thể chế cần phải được tăng cường và nghiên cứu khoa học cần gắn liền và đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội.

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tham dự Hội thảo


Những điểm nổi bật được nêu lên từ nghiên cứu của các chuyên gia:

TS. Laurent Umans (Bí thư thứ 1 Đại sự quán Hà Lan tại Việt Nam) cho rằng: Tính quan trọng của công tác hỗ trợ chuyển giao từ phương pháp phân vùng sang tư duy hệ thống cấp đồng bằng, từ chiến lược khai thác chuyển sang tư duy phát triển bền vững

 

NCS. Phạm Văn Hùng (Liên đoàn quy hoạch và điều tra tài nguyên nước miền Nam) trình bày kết quả nghiên cứu tại hội thảo: "Trong suốt 25 năm qua, lượng nước ngọt được khai thác từ nguồn nước dưới đất đang gia tăng nhanh chóng (tính theo đơn vị tỷ m3/ngày). Với mỗi mét khối nước được khai thác này, ĐBSCL sẽ mất đi 13 m3 trong tổng trữ lượng nước ngọt dưới đất, gây suy giảm mực thủy cấp và gia tăng xâm nhập mặn trên toàn bộ ĐBSCL"

 

Theo nghiên cứu của TS. Philip Minderhoud (ĐH Utrecht), trữ lượng nước dưới đất đang dần bị cạn kiệt do khai thác quá mức, làm giảm áp lực các lớp nằm sâu trong lòng đất, từ đó đẩy nhanh sụt lún đất. Hơn nữa, nguồn nước thay thế cho trữ lượng này không nhiều nên việc khai thác nước dưới đất cần phải giảm lại. Nguyên nhân sụt lún phần lớn là do khai thác nước dưới đất, và mức độ sụt lún còn gây ra ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn so với hiện tượng nước biển dâng. Trong tương lai, nếu tình trạng sụt lún đất kéo dài, chúng ta sẽ phải chi trả cho các hoạt động phòng chống lũ lụt, di cư và mất năng suất nông nghiệp

 

NCS. Sepehr Eslami Arab (ĐH Utrecht) trình bày nghiên cứu tại hội thảo. Theo đó, biên độ và lưu lượng của mực thủy triều đang gia tăng nhanh chóng tại ĐBSCL. Nguyên nhân là do thiếu hụt trầm tích từ việc xây đập thượng nguồn và khai thác cát gây nên hiện tượng sạt lở, lũ lụt và xâm nhập mặn. Các giải pháp được đưa ra là tìm kiếm nguồn thay thế và khôi phục trữ lượng trầm tích, thích ứng với điều kiện sạt lở và tìm kiếm biện pháp chống xói mòn, bên cạnh đó, cần tăng cường công tác ngoại giao với các nước xây đập và khai thác dòng chảy thượng nguồn


Đối tượng chính mà hội thảo hướng đến là chính quyền địa phương tại ĐBSCL, nhằm kêu gọi sự hỗ trợ của các sở ban ngành để tuyên truyền, nâng cao nhận thức về những vấn đề lớn mà ĐBSCL hiện đang phải đối mặt. Sau phần thảo luận khoa học, nhiều phản hồi và đề xuất từ các nhà nghiên cứu đã được ghi nhận tại hội thảo. Bên cạnh đó, bản đề xuất chính sách về “Những thách thức trong bối cảnh gia tăng sụt lún tại ĐBSCL” đang trong quá trình hoàn thiện nhằm tham khảo ý kiến của các bên liên quan, đồng thời sử dụng để tuyên truyền ở cấp quốc gia.


(Tin, ảnh: Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên; Biên tập: Tạp chí Khoa học Trường ĐHCT)

 

Lượt xem: 3340

DỊCH VỤ TIỆN ÍCH

THÔNG TIN

CÔNG KHAI