Nhằm trực tiếp lắng nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của Dự thảo luật, ngày 14/12/2017, tại Trường Đại học Cần Thơ, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Chủ trì Hội thảo có PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; PGS.TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT; PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học.
Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo văn phòng các cục, vụ, viện thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ban soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; đại diện trường đại học Luật Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; lãnh đạo 14 trường đại học và đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Toàn cảnh Hội thảo góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học |
Mục đích sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học nhằm xây dựng và ban hành dự án Luật khắc phục những hạn chế, bất cập về pháp luật đối với giáo dục đại học trong thời gian qua; hoàn thiện khung pháp lý về giáo dục đại học, giải quyết những vấn đề mới phát sinh của giáo dục đại học hiện tại và đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đại học trong thời gian tới; đảm bảo phù hợp với đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục đại học, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, chất lượng nguồn nhân lực trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Những chính sách cần sửa đổi, bổ sung được thảo luận tại Hội thảo như: mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả tự chủ đại học, đổi mới quản trị đại học, đổi mới quản lý đào tạo, đổi mới quản lý nhà nước trong điều kiện tự chủ đại học.
PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, phát biểu định hướng thảo luận tại Hội thảo |
Thông qua việc lấy ý kiến của chuyên gia, nhà quản lý, nhà giáo và những đối tượng chịu sự tác động của Luật sẽ giúp người hoạch định chính sách đưa ra những quy định phù hợp với cuộc sống, đồng thời, việc lấy ý kiến còn giúp cho Bộ và Ban soạn thảo có cơ sở khoa học và có cách tiếp cận, đánh giá chuyên môn đối với Luật, từ đó, xem xét, cân nhắc và có điều chỉnh cần thiết đảm bảo cho Dự thảo Luật mang tính cụ thể, sát thực tế và đi vào cuộc sống.
Tại Hội thảo, các đại biểu từ các trường đại học trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã tích cực, thẳng thắn đóng góp ý kiến cho Dự thảo luật, những trao đổi cởi mở về các vấn đề dự kiến sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo, đồng thời, những đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục cũng được nhiệt tình chia sẻ. Ban soạn thảo đã lắng nghe, ghi chép và tiếp thu tất cả các ý kiến đóng góp của các đại biểu để nghiên cứu, chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo Luật.
Đại diện các trường đóng góp ý kiến |
(Tin, ảnh: Trung tâm Thông tin và Quản trị mạng)