Sáng ngày 28/4/2023, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Môi trường, Tài nguyên thiên nhiên và biến đổi Khí hậu” - Lần thứ 6 năm 2023 tại Hội trường Trung tâm học liệu. Hội thảo nhằm mục đích chia sẻ các kết quả nghiên cứu khoa học mới nhất về lĩnh vực Môi trường, Tài nguyên thiên nhiên và biến đổi Khí hậu của các nhà khoa học đang công tác tại các viện nghiên cứu và các trường đại học trong cả nước.
Hội thảo khoa học có sự tham gia của hơn 200 đại biểu bao gồm các nhà khoa học đến từ các trường đại học và viện nghiên cứu khác nhau trên cả nước. Về phía Trường ĐHCT có PGS.TS. Nguyễn Hiếu Trung, Phó Hiệu trưởng cùng đông đảo viên chức, giảng viên và sinh viên Trường tham dự.
Toàn cảnh Hội thảo tại Hội trường Trung tâm Học liệu, Trường ĐHCT |
Trong phiên toàn thể, nội dung của Hội thảo xoay quanh về chủ đề nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong giai đoạn 2020-2022. Các báo cáo khoa học cũng đã khái quát được việc hợp tác nghiên cứu biến đổi khí hậu, vấn đề xử lý chất thải rắn ở Thành phố Cần Thơ và đồng thời đề ra định hướng hoạt động trong tương lai.
PGS.TS. Văn Phạm Đăng Trí, Viện Trưởng, Viện Nghiên cứu và Biến đổi Khí hậu, Trường ĐHCT với nội dung “Hợp tác nghiên cứu của Viện Nghiên cứu biến đổi Khí hậu giai đoạn 2023-2025” |
Phần kết nối trực tuyến và trình bày nội dung “Chúng ta nghiên cứu để làm gì?” của PGS.TS. Nguyễn Nguyên Minh, Tổ chức CSIRO |
Đại diện Ban tổ chức Hội thảo trao hoa thay lời cảm ơn đến các nhà tài trợ ” |
Các đại biểu chụp hình lưu niệm |
Sau phiên toàn thể, Hội thảo được chia thành các tiểu ban báo cáo song song với các chủ đề gồm: Quan trắc, đánh giá và quản lý môi trường; Giải pháp xử lý và tuần hoàn chất thải; Biến đổi khí hậu; Thảo luận hợp tác nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ. Tại đây, có 27 báo cáo được trình bày.
Các đại biểu trình bày tham luận tại các tiểu ban |
Thông qua sự kiện này, Trường ĐHCT đã tạo ra một diễn đàn để các nhà khoa học, nhà quản lý và các doanh nghiệp có cơ hội thảo luận về sự phát triển bền vững vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu và biến động về kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, Hội thảo góp phần thúc đẩy kết nối nghiên cứu khoa học với thực tiễn cuộc sống. Những kết quả nghiên cứu khoa học là cơ sở định hướng những giải pháp nhằm giải quyết những khó khăn, thách thức Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai.
(Ban Biên tập Website)