Nhằm mục đích trang bị các kỹ thuật mô phỏng lượng tử hiện đại cho nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên đang nghiên cứu vật liệu tại các trường đại học trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, sáng ngày 07/12/2023, tại Hội trường Tòa nhà Công nghệ cao (ATL), Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) đã tổ chức Hội thảo khoa học “Tính toán thiết kế vật liệu Châu Á trên nền tảng số” năm 2023 (Asia Computational Materials Design 2023 - ACMD 2023).
Toàn cảnh chương trình |
Tham dự Hội thảo có GS.TS. Trần Ngọc Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCT; các nhà khoa học đến từ Nhật Bản cùng nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên đến từ các trường đại học trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
GS.TS. Trần Ngọc Hải phát biểu khai mạc tại Hội thảo |
Phát biểu khai mạc chương trình, GS.TS. Trần Ngọc Hải đã gửi lời chào mừng đến các đại biểu là nghiên cứu sinh và sinh viên đã đến tham dự. Giáo sư chia sẻ, Trường ĐHCT rất quan tâm đến lĩnh vực thiết kế vật liệu tính toán, ACMD 2023 sẽ là cơ hội để các chuyên gia, nhà khoa học, nghiên cứu sinh và sinh viên có thêm những thông tin, ý tưởng mới trong lĩnh vực thiết kế vật liệu tính toán và hiểu được vai trò của thiết kế vật liệu tính toán tại Việt Nam.
Hội thảo được diễn ra trong 04 ngày (từ 06 đến 09/12/2023), tại phiên khai mạc, các đại biểu đã được lắng nghe phần trình bày của GS. Yoshitada Morikawa đến từ Đại học Osaka - Nhật Bản, báo cáo về nội dung “STATE - senri (Công cụ mô phỏng cho công nghệ nguyên tử)”. Hội thảo sẽ tiếp tục các phiên báo cáo và thảo luận với các chủ đề đang được quan tâm hiện nay, bao gồm các phần trình bày về kỹ thuật tính toán cho các cấu trúc điện tử và ứng dụng trong việc thiết kế các vật liệu chức năng mới, như:
-
Nền tảng cơ bản của thiết kế vật liệu tính toán và ứng dụng của nó trong các lĩnh vực công nghiệp khác nhau.
-
Các kỹ thuật tính toán cấu trúc điện tử và ứng dụng của chúng để thiết kế các vật liệu chức năng mới cho xúc tác, pin nhiên liệu và pin.
-
Việc sử dụng một số gói mô phỏng cung cấp hiệu quả tính toán điện tử nguyên tắc đầu tiên và mô phỏng động lực phân tử.
-
Kinh nghiệm về cách sử dụng cơ sở tính toán hiệu năng cao (HPC).
GS. Yoshitada Morikawa (Đại học Osaka - Nhật Bản) báo cáo tại Hội thảo với nội dung “STATE - senri (Công cụ mô phỏng cho công nghệ nguyên tử)” |
Hội thảo đã trở thành một diễn đàn bổ ích, giúp các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên nghiên cứu trong các lĩnh vực Khoa học Vật liệu, Vật lý, Hóa học, Sinh học và Y sinh có cơ hội giao lưu, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và hợp tác nghiên cứu. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng góp phần chuyển giao công nghệ trong tính toán vật liệu thiết kế và mô phỏng lượng tử cho nhiều trường đại học ở Việt Nam, đồng thời nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng của đội ngũ cán bộ khoa học, nghiên cứu sinh và sinh viên trong lĩnh vực này.
Ảnh lưu niệm |
(Ban Biên tập Website)