Sáng ngày 26/01/2024, tại Nhà Điều hành, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) tổ chức Hội thảo Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) lần thứ nhất nhằm khẳng định và phát huy vai trò của Lĩnh vực KHXH&NV trong Giáo dục và Đào tạo.
Tham dự Hội thảo có GS.TS. Trần Ngọc Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCT; TS. Bùi Thanh Thảo, Trưởng khoa KHXH&NV cùng đại diện lãnh đạo trung tâm công tác xã hội, liên chi hội thư viện, doanh nghiệp và quý thầy cô từ các trường đại học trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Toàn cảnh buổi Hội thảo |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Trần Ngọc Hải chia sẻ KHXH&NV là nền tảng quan trọng trong việc đào tạo, nghiên cứu, góp phần vào sự phát triển của xã hội và hướng đến xây dựng nền tảng lâu dài và vững chắc trong sự nghiệp phát triển đất nước. Với mục tiêu và sứ mệnh của Trường ĐHCT, KHXH&NV là một trong những lĩnh vực được Trường chú trọng xây dựng từ những ngày đầu thành lập và các hoạt động trong lĩnh vực này ngày càng được Trường quan tâm và phát triển hơn. Thông qua Hội nghị, GS.TS. Trần Ngọc Hải mong muốn có nhiều đóng góp ý kiến, các đề xuất, giải pháp nhằm nâng cao và phát triển các hoạt động xã hội và nhân văn. Bên cạnh đó, Hội nghị lần này là cơ hội để các đơn vị, các nhà khoa học có thể kết nối, giao lưu, học hỏi và trao đổi hợp tác với nhau trong cùng lĩnh vực.
GS.TS. Trần Ngọc Hải phát biểu khai mạc Hội thảo |
Tại Hội thảo, TS. Bùi Thanh Thảo cho biết Trường ĐHCT đã tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên cùng tham gia vào các đề tài nghiên cứu khoa học, dự án nhằm đóng góp sự phát triển của lĩnh vực KHXH&NV nói riêng và các lĩnh vực, khối ngành khác nói chung. Hội thảo KHXH&NV lần thứ nhất đã nhận được đông đảo sự quan tâm của các nhà khoa học, các giảng viên, nghiên cứu sinh; cụ thể có 155 bài tham luận của các tác giả trong và ngoài Trường, trong đó, có 145 bản toàn văn và 116 bài được chọn để đăng trong kỷ yếu. Nội dung các bài tham luận xoay quanh về những chủ đề chính như: vận dụng các nội dung về văn hóa nhằm phát triển kinh tế xã hội; mảng du lịch từ các góc độ khác nhau và những định hướng, đề xuất chung cho lĩnh vực du lịch; các vấn đề về tâm lý, giới, truyền thông xã hội, kỹ năng thông tin, vai trò của thư viện, kinh tế số. Bên cạnh đó, có hơn 40 tham luận về mảng văn học và các nội dung về giảng dạy KHXH&NV trong tiến trình đổi mới, đánh giá chất lượng hoạt động đào tạo trình độ đại học cũng được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. TS. Bùi Thanh Thảo hi vọng thông qua các chủ đề tại buổi Hội thảo sẽ gợi mở thêm nhiều nội dung để các đại biểu cùng thảo luận trao đổi và đóng góp ý kiến.
TS. Bùi Thanh Thảo báo cáo đề dẫn Hội thảo |
Trong khuôn khổ buổi Hội thảo, TS. Nguyễn Lâm Điền, Nguyên Trưởng Bộ môn Ngữ Văn, Khoa Sư phạm, Trường ĐHCT đã trao học bổng GS.NGND. Lê Đình Kỵ - quỹ hỗ trợ sinh viên, học viên Ngữ văn nghiên cứu khoa học đến các sinh viên, học viên theo học Ngữ văn của Trường ĐHCT. Bên cạnh đó, Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác MoU giữa Bộ môn Lịch sử - Địa lý – Du lịch, Khoa KHXH&NV với Công ty Cổ phần Du lịch và Thương mại Mặt Trời Việt và giữa Bộ môn Thông tin Thư viện, Khoa KHXH&NV với Liên Chi hội Thư Viện các Trường Đại học Phía Nam cũng được diễn ra, với mục tiêu xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược, toàn diện và lâu dài.
TS. Lâm Văn Điền trao học bổng GS.NGND. Lê Đình Kỵ đến TS. Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Trưởng Bộ môn Ngữ văn, Khoa Sư phạm, Trường ĐHCT và TS. Trần Văn Thịnh, Phó Trưởng Bộ môn Ngữ văn, Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường ĐHCT - đại diện các sinh viên Ngữ văn |
TS. Bùi Thanh Thảo cùng đại diện Công ty Cổ phần Du lịch và Thương mại Mặt Trời Việt và đại diện Liên Chi hội Thư Viện các Trường Đại học Phía Nam ký kết thỏa thuận hợp tác MoU |
Có 3 bài báo cáo tham luận về các vấn đề xã hội và nhân văn được trình bày tại phiên toàn thể của Hội thảo. Bên cạnh đó, các ý kiến đóng góp, thảo luận của các đại biểu tham dự về chủ đề tham luận cũng đã được Khoa KHXH&NV tích cực ghi nhận và trao đổi, giải đáp.
Ban Điều Phối phiên toàn thể gồm PGS.TS Lê Nguyễn Đoan Khôi, TS. Bùi Thanh Thảo và TS. Nguyễn Lâm Điền (theo thứ tự từ trái sang phải) |
PGS.TS. Nguyễn Thanh Bình, Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, Trường ĐHCT trình bày báo cáo “Hiểu như thế nào về Khoa học Xã hội và Nhân văn trong giáo dục đại học ở Việt Nam?” |
TS. Đặng Ngọc Ngận từ Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh trình bày báo cáo “Vấn đề cải biên Truyện Kiều trên sân khấu truyền thống Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến nay” |
TS. Trần Trọng Lễ, Trường Đại học Văn Hiến trình bày báo cáo “Tài nguyên văn học nghệ thuật ở khu vực Tây Sông Hậu trong phát triển du lịch văn hóa” |
Các đại biểu phát biểu tham luận |
Hội thảo tiếp tục với 3 tiểu ban song song được chia theo 3 chủ đề chính: Văn học - từ những góc nhìn; Du lịch và các vấn đề xã hội - nhân văn phục vụ phát triển; Văn hóa - ngôn ngữ và vấn đề khai thác trong phát triển kinh tế xã hội.
Hội thảo nhằm tạo diễn đàn cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giảng viên thuộc các ngành trong lĩnh vực KHXH&NV có cơ hội gặp gỡ, trao đổi về các vấn đề nổi bật của từng chuyên ngành, thông qua đó đưa ra những đề xuất cụ thể cho các vấn đề nghiên cứu, góp phần nâng cao hiệu quả giảng dạy và ứng dụng vào đời sống thực tiễn. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng thu được nhiều ý kiến đóng góp về những chủ đề thiết thực hơn cho Hội thảo lần thứ hai trong tương lai.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm |
(Ban Biên tập Website)