Nằm ở trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trải qua quá trình 55 năm phát triển và trưởng thành (31/3/1966 - 31/3/2021), Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) luôn nỗ lực thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Trong lĩnh vực chế biến và bảo quản nông thủy sản, năm 2020, Trường đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo tín nhiệm giao trọng trách là cơ quan chủ trì thực hiện chương trình Khoa học và Công nghệ cấp Bộ CT2020.01, phối hợp với Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một trong bốn chương trình Khoa học và Công nghệ được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai từ năm 2020 với sự tham gia của đa ngành, đa trường. Cùng với trường Đại học Nha Trang và Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Chương trình CT2020.01 đã được triển khai đợt một với 07 đề tài và 01 nhiệm vụ trong hai năm 2020-2021, tập trung vào quả có múi, tôm và cá nước ngọt.
Hội thảo diễn ra tại Hội trường Trung tâm Học liệu, Trường ĐHCT |
Nhằm chia sẻ những thông tin nghiên cứu, thảo luận về các chuyên đề nghiên cứu và định hướng nghiên cứu sắp tới, ngày 30/3/2021, Ban chủ nhiệm chương trình CT2020.01 tổ chức Hội thảo khoa học lần 1 “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến trong bảo quản, chế biến nông thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long” với chủ đề "Ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến trong bảo quản, chế biến nông thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long" với sự tham dự của hơn 150 đại biểu từ các viện nghiên cứu, trường đại học; sở, ban ngành; công ty, doanh nghiệp trong và ngoài khu vực ĐBSCL.
GS.TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT, phát biểu khai mạc Hội thảo |
GS.TS. Tạ Ngọc Đôn, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, chia sẻ về thông tin và định hướng sắp tới của các chương trình Khoa học và Công nghệ của Bộ |
GS.TS. Hà Thanh Toàn tặng hoa cảm ơn đến GS.TS. Tạ Ngọc Đôn, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo tham gia và phát biểu chỉ đạo chương trình |
Tại Hội thảo, có 12 báo cáo được trình bày tại phiên toàn thể và hai tiểu ban và 25 báo cáo poster, bao gồm các báo cáo thuộc chương trình cũng như báo cáo từ kết quả nghiên cứu của nghiên cứu sinh trong lĩnh vực có liên quan. Ngoài ra, Hội đồng chuyên môn đã thẩm định và chọn được 22 bài viết chất lượng để đăng toàn văn trong Tạp chí Khoa học Trường ĐHCT, số chuyên đề Công nghệ thực phẩm.
Đặc biệt, trong khuôn khổ của Hội thảo, Trường ĐHCT đã tiến hành ký kết hợp tác trong đào tạo, trao đổi chuyên gia, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học với Công ty Cổ phần Thực phẩm Phạm Nghĩa.
GS.TS. Hà Thanh Toàn, đại diện lãnh đạo Trường ĐHCT và ông Phạm Trọng Nghĩa, TGĐ Cty Cổ phần Thực phẩm Phạm Nghĩa, ký kết thỏa thuận hợp tác |
Hai bên trao quà lưu niệm |
Hội thảo đã tạo diễn đàn để các nhà khoa học, nghiên cứu sinh và học viên từ các trường đại học, các viện nghiên cứu, các sở, ban ngành cũng như các doanh nghiệp cùng chia sẻ kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu về lĩnh vực bảo quản, chế biến nông thủy sản, tập trung vào quả có múi và tôm, cá nước ngọt. Bên cạnh đó, hội thảo đã góp phần tăng cường mối quan hệ giữa các nhà khoa học, nhà quản lý và nhà sản xuất nhằm thúc đẩy các hợp tác nghiên cứu về phát triển bền vững vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
GS.TS. Nguyễn Văn Mười, Chủ nhiệm và PGS.TS. Trần Thanh Trúc, Phó chủ nhiệm chương trình, tặng hoa thay lời cảm ơn đến các nhà tài trợ |
PGS.TS. Kha Chấn Tuyền, Trường Đại học Nông lâm Thành phố. Hồ Chí Minh báo cáo chính về thực trạng ứng dụng công nghệ và thiết bị trong chế biến nông thủy sản của vùng ĐBSCL |
PGS.TS. Nguyễn Tấn Dũng, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, trình bày ứng dụng công nghệ sấy tiên tiến trong chế biến và bảo quản các sản phẩm thực phẩm ở ĐBSCL có giá trị kinh tế cao |
Báo cáo tại các tiểu ban |
Các đại biểu tham quan các sản phẩm khoa học công nghệ và poster báo cáo khoa học |
(Tin, ảnh: Tạp chí Khoa học Trường ĐHCT)