Trong 2 ngày 08/6/2012 và 09/6/2012, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) đã phối hợp với Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ của Úc (CSIRO - The Commonwealth Scientific and Industrial Research Organisation) tổ chức Hội thảo lần thứ 4 Dự án Mekong Futures về "Kết quả nghiên cứu và các vấn đê liên quan cấp lưu vực đến chính sách cho tương lai ĐBSCL". Đại biểu quốc tế tham dự Hội thảo gồm hai chuyên gia CSIRO: TS. Alex Smajgl và TS. John Ward. Hội thảo cũng vinh dự đón tiếp các chuyên gia Viện Nghiên cứu Khí tượng Thủy văn và Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên Môi trường, lãnh đạo và chuyên viên các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Tài nguyên Môi trường của 13 tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long. Tham dự Hội thảo phía Trường ĐHCT có đại diện lãnh đạo Trường ĐHCT cùng với giảng viên và cán bộ nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Đồng Bằng Sông Cửu Long, Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu và các khoa - viện liên quan.
|
Các chuyên gia nghiên cứu Dự án Mekong Futures báo cáo kết quả nghiên cứu tại Hội thảo lần thứ 4 về "Kết quả nghiên cứu và các vấn đê liên quan cấp lưu vực đến chính sách cho tương lai ĐBSCL" |
Dự án Mekong Futures là chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Trường ĐHCT với Tổ chức CSIRO nhằm hỗ trợ chính quyền địa phương và Chính phủ trong vùng Hạ lưu sông Mekong phát triển các chính sách về phát triển nông nghiệp với mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực và thích ứng với phát triển kinh tế - xã hội và thay đổi môi trường, đặc biệt là biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Dự án chính thức được khởi động từ tháng 8 năm 2010, thời gian nghiên cứu là 2 năm với kế hoạch tổ chức gồm có 5 hội thảo:
(1) Hội thảo lần 1 nhằm giúp đại biểu các địa phương nhận ra các yếu tố khó lường do biến đổi khí hậu và mức độ ảnh hưởng của các yếu tố này đến cuộc sống của người dân, qua đó đã xây dựng các câu chuyện, các kịch bản cho một nhân vật tưởng tượng trong 30 năm tới. Hội thảo lần thứ nhất đã xây dựng được 4 kịch bản mô tả bức tranh về cuộc sống tưởng tượng dựa trên các yếu tố đã dự đoán.
(2) Hội thảo lần 2 đã sửa lại kịch bản dựa trên việc tham khảo các yếu tố cấp vùng, quan tâm đến các yếu tố có thể xảy ra trong cả lưu vực sông Mekong
(3) Hội thảo lần 3 đã tiến hành báo cáo các kết quả của Dự án từ các nghiên cứu thí nghiệm tại một số tỉnh đại diện trong khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long để lấy ý kiến của đại phương, để từ đó lấy ý kiến các địa phương khác để kiểm tra.
(4) Hội thảo lần 4 nhằm tổng hợp các thành phần liên quan đến kinh tế, xã hội, môi trường, từ đó thảo luận đề ra các chính sách cho tương lai.
(5) Hội thảo lần 5 nhằm bàn thảo để tìm ra những chính sách nào cần thiết, ưu tiên, ứng dụng cho từng địa phương của vùng.
Theo đó, Dự án Mekong Futures đã tổ chức 3 hội thảo vòa năm 2011 và tiếp tục tổ chức 2 hội thảo còn lại trong năm 2012. Trong đó, Hội thào lần thứ 4 diễn ra trong 2 ngày đã tập trung vào các nội dung:
- Trình bày các báo cáo liên quan đến sinh kế và chiến lược ứng phó của người dân đến những thay đổi của môi trường và kinh tế - xã hội,
- Các giải pháp sử dụng đất thích nghi với những thay đổi của môi trường và tác động của các biện pháp sử dụng đất này tới nước biển dâng do biến đổi khí hậu và sử dụng nước ở thượng nguồn,
- Đánh giá mối liên hệ giữa nước, lương thực và năng lượng của Đồng Bằng Sông Cửu long trong bối cảnh lưu vực sông Mekong ,
- Mô phỏng động thái về sinh kế của người dân ở ĐBSCL do thay đổi các mối quan hệ về nước, lương thực và năng lượng,
- Từ đó, lấy ý kiến thẩm định của các chuyên viên địa phương xem kết quả có phù hợp với điều kiện địa phương hay không.
Các đại biểu chính quyền địa phương cùng thảo luận với các chuyên gia nghiên cứu về mức độ phù hợp của các kết quả nghiên cứu với điều kiện địa phương |
Các đại biểu phát biểu đóng góp ý kiến tại Hội thảo lần thứ 4 của Dự án Mekong Futures |
(Tin, ảnh: Trung tâm Thông tin & Quản trị mạng)