Ngày 07/8/2015, Khoa Công nghệ Thông tin và truyền thông (CNTT&TT), Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) đã tổ chức Hội thảo "Lấy ý kiến giảng viên, nhà khoa học, người sử dụng lao động, cựu học viên về chương trình đào tạo dự kiến ngành Hệ thống thông tin, trình độ Tiến sĩ". Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Sở Thông tin-Truyền thông TP. Cần Thơ: ông Dương Thế Dũng, Phó Giám đốc và ông Phan Văn Nam, Trưởng phòng Công nghệ thông tin; đại diện lãnh đạo khoa các trường đại học An Giang, Cửu Long, Kiên Giang, Trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Vĩnh Long, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ. Về phía Trường ĐHCT, có GS.TS. Nguyễn Thanh Phương, Phó Hiệu trưởng; PGS.TS. Trần Cao Đệ, Trưởng Khoa CNTT&TT; và đại diện lãnh đạo các khoa, viện, phòng ban trong Trường; và quí Thầy, Cô, cựu học viên cao học và học viên đang theo học tại Khoa CNTT&TT cùng tham dự.
Hội thảo "Lấy ý kiến về Chương trình đào tạo dự kiến ngành Hệ thống thông tin, trình độ Tiến sĩ" |
GS.TS. Nguyễn Thanh Phương, Phó Hiệu trưởng phát biểu khai mạc Hội thảo |
Với mục tiêu "Xây dựng Trường Đại học Cần Thơ thành trường đại học xuất sắc về đào tạo, nghiên cứu khoa học, và chuyển giao công nghệ có chức năng đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực" và đặc biệt đáp ứng nhu cầu cấp bách về nguồn nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực CNTT tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vì hiện nay CNTT được xác định là một trong những mũi nhọn trong vấn đề phát triển kinh tế-xã hội của vùng nhưng trên thực tế, chưa có trường đại học nào tại khu vực ĐBSCL đào tạo trình độ tiến sĩ các ngành thuộc lĩnh vực CNTT trong khi đó các vùng miền khác đang đào tạo rất nhiều, vì vậy, Khoa CNTT&TT, Trường ĐHCT đang thực hiện đề án mở ngành Hệ thống thông tin một ngành thuộc khối ngành CNTT, trình độ tiến sĩ. Để hoàn thiện đề án mở ngành, rất cần ý kiến đóng góp của các bên có liên quan về chương trình đào tạo (CTĐT) dự kiến của ngành.Trước đây, nếu như một đơn vị giáo dục muốn mở ngành đào tạo phải xin phép Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), sau đó Bộ sẽ cử một đơn vị thẩm định CTĐT. Theo hướng dẫn mới ban hành của Bộ thì công tác thẩm định được giao cho chính đơn vị mở ngành thực hiện. Tuy nhiên, Bộ cũng đưa ra hướng dẫn cụ thể các bước phải làm để các đơn vị hoàn thành đề án mở ngành. Việc tổ chức hội thảo lấy ý kiến là một trong một chuỗi các công việc phải làm để mở một ngành đào tạo. Theo Thông tư 07/2015/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT ban hành ngày 16/04/2015 Quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ đào tạo của giáo dục đại học và quy trình xây dựng, thẩm định, ban hành CTĐT trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Theo đó, quy trình xây dựng đề án mở ngành gồm 08 bước: (1) Khảo sát nhu cầu nhân lực, nhu cầu của người sử dụng lao động liên quan đến ngành nghề dự kiến mở; (2) Xây dựng mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể và chuẩn đầu ra; (3) Xác định cấu trúc khối lượng kiến thức cần thiết cho CTĐT; (4) Đối chiếu và so sánh CTĐT của trường với các trường khác trong và ngoài nước để hoàn thiện chương trình dự kiến; (5) xây dựng bản thảo CTĐT, thiết kế đề cương chi tiết các học phần có trong CTĐT; (6) Tổ chức hội thảo lấy ý kiến các bên có liên quan bao gồm giảng viên, cán bộ quản lý trong và ngoài cơ sở đào tạo, các nhà khoa học,...; (7) Hoàn thiện dự thảo CTĐT; (8) Đánh giá, cập nhật nội dung CTĐT và phương pháp giảng dạy.
Chủ tọa của Hội thảo |
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, khẳng định vai trò chương trình đào tạo trình độ cao, bậc học tiến sĩ khối ngành Công nghệ thông tin nói chung và ngành Hệ thống thông tin nói riêng; đóng góp nhiều ý kiến bổ ích về CTĐT dự kiến và nêu ra yêu cầu cụ thể trong việc xây dựng đề án đào tạo sau đại học. Sau hơn hai giờ làm vệc khẩn trương, nghiêm túc với tinh thần xây dựng cao, Hội thảo đã hoàn thành nội dung chương trình đề ra, nhận được những đóng góp sôi nổi và tích cực từ đại biểu tham dự.
Đại biểu đóng góp ý kiến tại Hội thảo |
(Tin, ảnh: Trung tâm Thông tin & Quản trị mạng)