Ngày 07/6/2016, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) tổ chức Hội thảo Nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ ở Trường Đại học Cần Thơ nhằm đánh giá lại tình hình đào tạo tiến sĩ của Trường trong thời gian qua và đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ giúp đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ cao, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng phục vụ sự phát triển của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Hội thảo Nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ ở Trường ĐHCT |
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Nhà trường khẳng định Trường ĐHCT đang phấn đấu để trở thành trường đại học nghiên cứu. Do đó, nhiệm vụ đào tạo sau đại học là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, công tác đào tạo tiến sĩ đang gặp phải những khó khăn, hạn chế. Quy mô đào tạo sau đại học còn chiếm tỷ lệ thấp so với yêu cầu 20-30% học viên cao học và nghiên cứu sinh (NCS) so với tổng số sinh viên đang theo học đối với một trường đại học nghiên cứu. Hàng năm chỉ tiêu đầu vào NCS của Trường là khoảng 150 nhưng không đáp ứng đủ chỉ tiêu đặt ra. Thực trạng đầu vào khó khăn cùng với việc đảm bảo chất lượng đào tạo sau đại học, đặc biệt là đào tạo tiến sĩ là một thách thức lớn Trường ĐHCT đang phải đối mặt nếu muốn phấn đấu trở thành trường đại học nghiên cứu.
PGS.TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT phát biểu khai mạc Hội thảo |
Tại Hội thảo, đại biểu đã được nghe báo cáo tình hình đào tạo tiến sĩ của Trường giai đoạn từ năm 2012 đến nay. Tính đến năm 2016, Trường có 16 chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ với tổng số 382 NCS đang theo học, trong đó, 27 NCS tham gia Đề án 911, số NCS đã tốt nghiệp là 38. Tỷ lệ tốt nghiệp đúng hạn còn hạn chế, trong 5 năm kể từ năm 2010 tỷ lệ này khoảng 18% cho thấy đa số NCS không hoàn thành đúng tiến độ học tập. NCS là cán bộ, công chức, viên chức chiếm 65%, NCS đến từ các viện, trường chỉ khoảng 35%. Do đó, thời gian tập trung 12 tháng theo Quy chế của Bộ còn gặp khó khăn, NCS không thể thực hiện thời gian tập trung một cách nghiêm túc.
Từ năm 2013, Trường có 14 luận án được Bộ thẩm định quá trình đào tạo và chất lượng luận án, kết quả tất cả luận án đều thực hiện đúng quy chế và chất lượng đạt yêu cầu. Công tác quản lý đào tạo tiến sĩ của Trường đã từng bước đi vào nề nếp. Được sự chỉ đạo của Ban Giám hiệu, từ năm 2016, công tác quản lý đào tạo NCS được thực hiên trên phần mềm, và được các đơn vị thực hiện tốt.
PGS.TS. Mai Văn Nam, Trưởng Khoa Sau đại học báo cáo tình hình đào tạo tiến sĩ của Trường giai đoạn 2012 đến nay |
Bên cạnh đánh giá thực trạng đào tạo, những thuận lợi, khó khăn, Hội thảo còn trao đổi về đào tạo tiến sĩ ở các nước tiêu biểu về các vấn đề như: yêu cầu đầu vào, chương trình đào tạo, cách đánh giá quá trình học và luận án, các hoạt động học thuật khác của NCS,...trên cơ sở đó, đại biểu đã thảo luận và đưa ra những đề xuất, giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ trong thời gian tới. Theo đó, các ý kiến đề xuất tập trung vào các vấn đề về như: xây dựng bộ tiêu chí, thang đo đánh giá đầu vào phù hợp; bổ sung môn thi viết cùng với hình thức thi vấn đáp như hiện nay; NCS phải có kế hoạch học tập chi tiết, giáo viên hướng dẫn và bộ môn quản lý chuyên môn phối hợp chặt chẽ kiểm tra tiến độ thực hiện; tuân thủ đúng thời gian đánh giá và lên điểm; tính chủ động và sự đầu tư nghiêm túc của NCS; tăng cường các hoạt động học thuật cho NCS như hội thảo khoa học, seminar, trợ giảng, tham gia hướng dẫn luận văn đại học;,...
Qua Hội thảo, Ban Giám hiệu Nhà trường đánh giá cao những ý kiến đóng góp của đại biểu tham dự, dựa vào đó công tác đào tạo sau đại học, đặc biệt là đào tạo NCS sẽ được chấn chỉnh để nâng cao chất lượng NCS khi ra trường, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, bắt kịp với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới và khẳng định vị trí Nhà trường.
Đại biểu trình bày tham luận về nâng cao chất lượng đào tạo NCS |
Đại biểu trao đổi về đào tạo tiến sĩ tại các nước |
(Tin, ảnh: Trung tâm Thông tin và Quản trị mạng)