Từ ngày 18-20/3/2019, tại Trường Đại học Cần Thơ diễn ra Hội thảo "Nghiên cứu phát triển chương trình đào tạo trong lĩnh vực Khoa học Phân tử và Vật liệu tại Việt Nam". Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án “Phát triển chương trình đào tạo trong lĩnh vực Khoa học Phân tử và Vật liệu theo định hướng nghiên cứu” (Dự án MOMA) được khởi động vào ngày 18/02/2019.
Hội thảo có sự tham dự của đại diện đơn vị điều phối: Đại học KU Leuven (Bỉ) và các trường đại học thành viên của Dự án phía châu Âu và Việt Nam gồm: Đại học Twente (Hà Lan), Đại học Rostock (Đức), Đại học Cần Thơ, Đại học Quy Nhơn, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng.
Hội thảo Nghiên cứu phát triển chương trình đào tạo trong lĩnh vực Khoa học Phân tử và Vật liệu tại Việt Nam diễn ra tại Nhà Điều hành, Trường ĐHCT |
Khoa học phân tử và vật liệu (molecular and materials sciences, MMS) là khoa học liên ngành giữa vật lý, sinh học, hóa học và công nghệ, nhằm mục tiêu nghiên cứu vật liệu ở mức độ phân tử để tạo ra vật liệu cải tiến mới ứng dụng trong y học, dược học, kỹ thuật điện tử, xử lý môi trường, năng lượng mới,... Ở Việt Nam, việc lồng ghép các học phần thuộc lĩnh vực MMS vào các chương trình đào tạo hóa học, vật lý đã bắt đầu được thực hiện trong những năm gần đây. Tuy nhiên, mức độ và khối lượng của các học phần MMS trong các chương trình đào tạo là chưa đáng kể so với tầm quan trọng của chúng. Vì thế, hiệu quả của các chương trình đào tạo này chưa đạt được như mong muốn.
Dự án MOMA thuộc Chương trình tài trợ của Liên minh Châu Âu thông qua Cơ quan Điều hành Giáo dục, Nghe nhìn và Văn hóa (EACEA) được thực hiện với mong muốn nâng cao chất lượng đào tạo trong lĩnh vực MMS để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội. Cụ thể, Dự án nhằm tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ giảng dạy cũng như nâng cấp trang thiết bị phòng thí nghiệm, qua đó giúp nâng cao chất lượng đào tạo lĩnh vực MMS ở 04 trường đại học Việt Nam bao gồm: Đại học Cần Thơ, Đại học Quy Nhơn, Đại học Sư Phạm Hà Nội và Đại học Sư Phạm - Đại học Đà Nẵng. Dự án được thực hiện với sự hợp tác hỗ trợ của ba trường đại học Châu Âu bao gồm: Đại học KU Leuven (Bỉ), Đại học Twente (Hà Lan) và Đại học Rostock (Đức).
Mục tiêu chính của Dự án là phát triển 24 học phần liên quan đến lĩnh vực MMS theo định hướng nghiên cứu được lồng ghép trong các chương trình đào tạo hóa học và vật lý của các trường đại học Việt Nam. Đồng thời, 04 chương trình đào tạo theo định hướng nghiên cứu thuộc lĩnh vực MMS sẽ được phát triển sau khi kết thúc Dự án. Các hoạt động của Dự án tập trung chủ yếu vào hoạt động trao đổi đội ngũ khoa học giữa các trường đại học đối tác Việt Nam và châu Âu nhằm tăng cường kiến thức, hiểu biết, kinh nghiệp giảng dạy cũng như năng lực tiếng Anh cho đội ngũ cán bộ giảng dạy và sinh viên của các trường đối tác Việt Nam.
Ngay khi Dự án được khởi động, một cuộc khảo sát đã được thực hiện tập trung vào đánh giá điểm mạnh và điểm yếu của các chương trình đào tạo trong lĩnh vực MMS tại 04 trường đại học Việt Nam. Hội thảo Nghiên cứu phát triển chương trình đào tạo trong lĩnh vực MMS tại Việt Nam được tổ chức nhằm mục đích thảo luận về kết quả khảo sát, từ đó định hướng các hoạt động tiếp theo của dự án. Theo đó, các hoạt động gồm: xây dựng các học phần, nâng cấp phòng thí nghiệm, tăng cường năng lực đào tạo trong lĩnh vực MMS sẽ được thực hiện, từ đó nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo về MMS tại bốn trường đại học đối tác của Việt Nam.
GS.TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT, phát biểu khai mạc Hội hảo |
Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT chia sẻ, là trung tâm giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của vùng ĐBSCL, Trường ĐHCT đóng góp quan trọng về nguồn nhân lực chất lượng, bồi dưỡng nhân tài, thúc đẩy sự tiến bộ khoa học công nghệ để phục vụ sự phát triển kinh tế-xã hội cho vùng và quốc gia. Bên cạnh các lĩnh vực truyền thống và thế mạnh của Trường như: nông nghiệp, thủy sản, môi trường, lĩnh vực khoa học phân tử và vật liệu nổi lên như một trong những chương trình đào tạo hấp dẫn ở ĐBSCL. Do đó, thông qua Dự án MOMA, Trường ĐHCT kỳ vọng sự thay đổi đáng kể về chất lượng của các chương trình đào tạo trong lĩnh vực MMS không chỉ ở ĐHCT mà còn tại các trường đối tác khác ở Việt Nam để các trường có khả năng cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao, thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu cũng như công nghiệp ở Việt Nam.
PGS.TS. Vũ Thị Ngân, Trường Đại học Quy Nhơn, Quản lý Dự án phía Việt Nam, giới thiệu về Dự án |
GS. Luc Van Meervelt, Trường Đại học KU Leuven, Điều phối viên Dự án, giới thiệu về Hệ thống tích lũy và chuyển đổi tín chỉ châu Âu |
(Tin, ảnh: Trung tâm Thông tin và Quản trị mạng)