Ngày 13/7/2018, tại Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT), Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) tổ chức Hội thảo "Nhu cầu và giải pháp: Các ứng dụng công nghệ cao cho nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long". Hội thảo có sự tham dự của đại diện GIZ, Bộ NN&PTNT, Trường ĐHCT, Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 2, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, sở NN&PTNT ở các địa phương, các tổ chức phi chính phủ, hợp tác xã, công ty, doanh nghiệp.
Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ Chương trình quản lý tổng hợp vùng ven biển (Integrated Coastal Management Programme) tài trợ bởi chính phủ Úc, Đức và Việt Nam, hợp tác với Trường ĐHCT và Trung tâm quốc tế về nông nghiệp nhiệt đới.
Ông Ole Henriksen, Chuyên gia kỹ thuật cao cấp, Trưởng nhóm Nông nghiệp, Chương trình quản lý tổng hợp vùng ven biển, phát biểu khai mạc Hội thảo |
Toàn cảnh Hội thảo tại Trung tâm Học liệu, trường ĐHCT |
Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT chia sẻ hoạt động khoa học và công nghệ cũng như đổi mới và sáng tạo luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với chất lượng giáo dục và đào tạo. Trong những năm qua, hiệu quả của hoạt động khoa học công nghệ của Trường ĐHCT đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, các kết quả, công bố, chuyển giao khoa học công nghệ không chỉ góp phần quan trọng trong nâng cao chất lượng đào tạo, mà còn góp phần quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung. Với định hướng xây dựng Trường ĐHCT trở thành trường đại học xuất sắc về nghiên cứu, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho vùng ĐBSCL, Trường ĐHCT đã chú trọng đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp vùng ĐBSCL và Việt Nam, và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của Trường trong thời gian tới.
Hoạt động nghiên cứu khoa học của trường góp phần quan trọng trong nâng cao chất lượng đào tạo và chuyển giao công nghệ mới. Trường đã chú trọng ký kết hợp tác với tất cả các tỉnh thành vùng ĐBSCL, đặc biệt thời gian gần đây, Trường đã ký hợp tác toàn diện với trên 22 huyện trong vùng, thực hiện các chương trình quốc tế và quốc gia như: chương trình ứng phó biến đổi khí hậu, chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, chương trình nông thôn mới, chương trình khởi nghiệp quốc gia, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho sự phát triển nông nghiệp công nghệ cao của quốc gia.
Do đó, với việc hợp tác tổ chức Hội thảo "Nhu cầu và giải pháp: Các ứng dụng công nghệ cao cho nông nghiệp ĐBSCL", Trường mong muốn tạo cơ hội chia sẻ kinh nghiệm về ứng dụng công nghệ cao trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đề xuất các kịch bản cho thực trạng công nghệ hiện đại ở khu vực ĐBSCL và đánh giá nhu cầu công nghệ cho người sử dụng. Nhà trường mong muốn Hội thảo sẽ gióp phần đẩy mạnh sự liên kết giữa Trường ĐHCT và các đối tác, công ty, doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước thông qua các kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và ứng dụng công nghệ cao cho nông nghiệp.
GS.TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT, chia sẻ về trường, hoạt động khoa học công nghệ và các chương trình nghiên cứu |
Hội thảo đã nghe báo cáo chính về môi trường thể chế và chính sách thuận lợi cho sự đổi mới công nghệ (ICT) trong sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam. Theo đó, Báo cáo đã chia sẻ, cung cấp thông tin về tiềm năng ứng dụng công nghệ mới cho nông nghiệp Việt Nam, thực trạng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Việt Nam, vướng mắc trong chính sách cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đề xuất các giải pháp. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng nghe các đối tác trình bày các ứng dụng là các giải pháp cho các phần khác nhau của chuỗi giá trị nông nghiệp như: Dự án viễn thám Sat4rice ứng dụng cho nông nghiệp và tài nguyên nước; ứng dụng công nghệ ICT cho việc giám sát dòng nhựa cây trồng; nền tảng cho các phân tích dữ liệu bền vững chuỗi cung ứng thực phẩm nông nghiệp có trách nhiệm FairAgora; công nghệ 4.0 trong nông nghiệp - Ứng dụng cho sản xuất lúa gạo; ứng dụng công nghệ di động giúp nông dân và hợp tác xã quản lý công việc, cách làm và cung cấp truy xuất nguồn gốc.
Hội thảo cũng đã chia thành các nhóm thảo luận xác định nhu cầu và các giải pháp ứng dụng công nghệ kỹ thuật số cho sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL từ đó, xây dựng và sản xuất các ứng dụng kỹ thuật số cho sản xuất nông nghiệp cho vùng. Hội thảo cũng ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm về ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp ở khu vực ĐBSCL của các nhà nghiên cứu, các đối tác, công ty, doanh nghiệp cũng như nhóm khách hàng được hưởng lợi từ các giải pháp công nghệ này.
Báo cáo chính về môi trường thể chế và chính sách cho sự đổi mới công nghệ (ICT) trong sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam được trình bày bởi TS. Đặng Kim Khôi, Bộ NN&PTNT |
Tọa đàm về sự hợp tác và ứng dụng ICT |
Các đại biểu giới thiệu các giải pháp ứng dụng công nghệ cao cho nông nghiệp ĐBSCL |
Các đại biểu tham quan các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao cho nông nghiệp của các công ty công nghệ |
(Tin, ảnh: Trung tâm Thông tin và Quản trị mạng)