Thực hiện chương trình công tác năm 2023, triển khai Kế hoạch số 237/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (BGDĐT), Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (sau đây gọi tắt là Chương trình), Kế hoạch số 1870 về việc triển khai thực hiện Tiểu dự án 2 - Dự án 6 truyền thông về giảm nghèo đa chiều thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 của BGDĐT, ngày 22/12/2023, tại Tòa nhà Khu phức hợp phòng Thí nghiệm, BGDĐT phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) tổ chức Hội thảo “Phát triển các mô hình sinh kế, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững từ kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học, dự án khởi nghiệp của cơ sở giáo dục đại học”.
Tham dự Hội thảo, về phía BGDĐT có TS. Trần Văn Đạt, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (GDCTHSSV) và đoàn cùng đi. Về phía Trường ĐHCT có GS.TS. Trần Ngọc Hải, Phó Hiệu trưởng; cùng với các lãnh đạo, cán bộ quản lý và giảng viên từ các trường đại học trên cả nước.
Toàn cảnh buổi Hội thảo |
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, TS. Nguyễn Xuân An Việt, Phó Vụ trưởng Vụ GDCTHSSV chia sẻ việc thực hiện trách nhiệm xã hội đã không chỉ quan trọng với doanh nghiệp mà cả đối với các cơ sở giáo dục đại học. Các cơ sở giáo dục đại học hiện nay không chỉ cung cấp cho người học các tri thức, tạo ra tri thức mới mà bên cạnh đó việc triển khai các giải pháp nhằm vốn hóa nguồn tri thức cũng là một nhiệm vụ quan trọng.
TS. Nguyễn Xuân An Việt phát biểu khai mạc Hội thảo |
Tại Hội thảo, GS.TS. Trần Ngọc Hải cho biết Trường ĐHCT luôn phấn đấu thực hiện sứ mệnh trong đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu phát triển công nghệ và phục vụ cộng đồng, nhằm góp phần lan tỏa tri thức khoa học công nghệ, xóa đói giảm nghèo đa chiều bền vững cho Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. GS.TS. Trần Ngọc Hải tin rằng Hội thảo là nơi giao lưu học hỏi kinh nghiệm giữa các đơn vị cơ sở giáo dục và tạo cơ hội hợp tác phát triển trong thời gian tới.
GS.TS. Trần Ngọc Hải phát biểu chào mừng tại Hội thảo |
Với mục tiêu tiêu biểu của Chương trình là “Hỗ trợ chuyển giao các mô hình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh từ các cơ sở đào tạo cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững có thu nhập tốt cho người lao động, hộ nghèo, cận nghèo.” Từ năm 2022 đến nay, đã có 07 cơ sở giáo dục đại học đăng ký, có 12 dự án đã được tham gia chương trình, triển khai tại cộng đồng, trong 12 mô hình tổng kinh phí cấp cho các dự án là 8 tỷ đồng. Từ đó cho thấy kết quả đạt được rất nhỏ so với mục tiêu của quốc gia trong cả giai đoạn và tỉ lệ các trường đại học tham gia vào chương trình rất hạn chế. Do đó, Hội thảo được tổ chức nhằm trao đổi thảo luận về những vấn đề chính như sau:
1. Việc triển khai thực hiện trách nhiệm xã hội của đơn vị đối với cộng đồng, xã hội thông qua các hoạt động hỗ trợ sinh viên, hỗ trợ cộng đồng, chuyển giao các kết quả nghiên cứu, các dự án khởi nghiệp cho cộng đồng, xã hội.
2. Việc triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cho giảng viên, sinh viên tại các cơ sở đào tạo,
3. Công tác phối hợp với doanh nghiệp, phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các hoạt động nghiên cứu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phát triển các mô hình kinh doanh, tạo việc làm cho người dân trên địa bàn.
4. Trao đổi thảo luận về nội dung Chương trình của BGDĐT, việc triển khai chương trình, những khó khăn vướng mắc.
Đại biểu xem clip phóng sự về việc triển khai Chương trình tại một số địa phương |
Tại Hội thảo, Ông Bùi Tiến Dũng, chuyên viên cao cấp Vụ GDCTHSSV, cán bộ đầu mối phụ trách Chương trình chia sẻ việc triển khai đưa vào cộng đồng các đề tài nghiên cứu khoa học của các trường đại học còn hạn chế do thiếu hụt về nhân lực, người dân chưa vững về kỹ thuật và kiến thức chuyên môn. Do đó, BGDĐT thúc đẩy việc ban hành các chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên để hỗ trợ các đối tượng học sinh, sinh viên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo tham gia học tập, ủng hộ các trường đại học chung tay với doanh nghiệp để xây dựng phát triển mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh. Ông Bùi Tiến Dũng cho biết các cơ sở đào tạo đã có sự phối hợp chặt chẽ với các địa phương, chỉ đạo các đơn vị kịp thời, xây dựng kế hoạch phù hợp, triển khai các nhiệm vụ cụ thể đáp ứng yêu cầu mục tiêu của chương trình. Các trường đại học khi triển khai dự án cũng luôn nhận được sự ủng hộ của các cấp các ngành và chính quyền địa phương. Sau 2 năm triển khai, tất cả các dự án đều thực hiện đúng quy trình, đúng mục tiêu, đúng đối tượng và đúng tiến độ.
Ông Bùi Tiến Dũng báo cáo đánh giá phát triển các mô hình sinh kế, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững từ kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học, dự án khởi nghiệp của cơ sở giáo dục đại học |
Cũng trong Hội thảo, đại biểu tham dự đã được lắng nghe đại diện cơ sở giáo dục đại học trình bày tham luận liên quan đến các đề tài, dự án.
Đại diện Trường Đại học Mỏ - Địa chất báo cáo nghiên cứu chế tạo bê tông “xanh” và khả năng áp dụng trong điều kiện xây dựng của Việt Nam |
Đại diện Trường Đại học Đà Lạt báo cáo tham luận mô hình trồng dâu nuôi tằm và phát triển các sản phẩm thương mại |
Đại diện Trường Đại học Nông lâm TP.HCM báo cáo tham luận mô hình phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh một số sản phẩm thực phẩm từ cây vú sữa |
Đại diện Trường Đại học Kiên Giang báo cáo tham luận mô hình triển khai sản xuất nước tẩy rửa sinh học tại nông hộ từ phụ phẩm khóm Tắc Cậu thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang |
Đại diện Trường ĐHCT báo cáo công tác triển khai các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đa chiều cho sinh viên tại Trường ĐHCT |
Đại biểu trao đổi thảo luận các giải pháp phát triển các mô hình sinh kế, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững từ kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học, dự án khởi nghiệp của cơ sở giáo dục đại học |
Đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm |
(Ban Biên tập Website)