Trong 02 ngày 07-08/12/02015, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT), phối hợp với Trường Đại học Khoa học và Kỹ thuật Hải Dương của Nhật Bản (TUMSAT-Tokyo University Marine Science and Technology), đã tổ chức Hội thảo Quốc tế về Chế biến Thủy sản: Sản xuất sạch hơn cho thực phẩm có chất lượng hơn. Tham dự hội thảo có GS.TS. Nguyễn Thanh Phương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCT; TS. Emiko Okazaki, đại diện đoàn Đại học TUMSAT; cùng với hơn 150 đại biểu là những nhà khoa học, sản xuất, kinh doanh; các bạn sinh viên của Trường ĐHCT và các trường đại học quốc tế cùng tham dự.
Hội thảo Quốc tế về Chế biến Thủy sản được tổ chức tại Nhà Điều hành Trường ĐHCT |
Sản xuất, chế biến và kinh doanh thủy sản đang ngày càng phát triển trên thị trường thế giới, vì thế, vấn đề về thực phẩm sạch hơn, thực phẩm có chất lượng và độ an toàn cao hơn ngày càng được quan tâm. Hơn nữa, ba yếu tố về mức độ sạch, chất lượng và độ an toàn còn góp phần to lớn trong việc sản xuất thực phẩm có chất lượng cao và đem lại lợi ích cho cả người tiêu dùng và người sản xuất. Do đó, Trường ĐHCT và Đại học TUMSAT đã đồng tổ chức Hội thảo Quốc tế nhằm trình bày những thành tựu vừa mới đạt được cũng như những vấn đề gặp phải trong quá trình chế biến và tiêu thụ mặt hàng thủy sản. Từ đó, cùng nhau thảo luận, rút ra những kinh nghiệm hữu ích trong việc sản xuất sạch hơn cho thực phẩm có chất lượng hơn.
|
GS.TS. Nguyễn Thanh Phương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCT, phát biểu khai mạc Hội thảo |
GS.TS. Nguyễn Thanh Phương trao quà lưu niệm đến TS. Emiko Okazaki, đại diện đoàn Đại học TUMSAT và GS. Soottawat Benjakul đại diện Trường Đại học Prince of Songkla, Thái Lan |
PGS.TS. Trần Ngọc Hải, Phó Trưởng Khoa Thủy sản, trao quà cảm ơn đến đại diện hai nhà tài trợ chính của Hội thảo |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Thanh Phương chia sẻ Việt Nam đã và đang tận dụng tiềm năng lớn sẵn có về nguồn thủy sản một cách hiệu quả và đạt được một số thành tựu to lớn. Hiện nay, Việt Nam có tổng cộng 554 nhà máy chế biến với năng suất chế biến trung bình 8.000 tấn/ngày. Việt Nam hiện đang đứng thứ 03 trên thế giới về sản xuất thủy sản, xếp vị trí thứ 09 trên thế giới về đánh bắt thủy sản và đứng thứ 04 trong số các quốc gia có lượng xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới.
Năm 2014, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản lên đến 6,9 tỉ đô la Mỹ, trong đó, mặt hàng tôm chiếm 3,1 tỉ đô la Mỹ, mặt hàng cá tra chiếm 1,2 tỉ đô la Mỹ và một số mặt hàng thủy sản khác. Tuy nhiên, việc áp dụng kỹ thuật hiện đại vẫn còn vướng phải một số vấn đề trong sản xuất như: kỹ thuật chế biến, sự đạ dạng hóa của sản phẩm, hình ảnh sản phẩm và độ an toàn của thực phẩm. Phó Hiệu trưởng tin rằng Hội thảo sẽ mang lại nhiều kiến thức bổ ích góp phần cho sự phát triển của hai đơn vị trong lĩnh vực chế biến thủy sản. TS. Emiko Okazaki cũng khẳng định, Hội thảo Quốc tế lần này cũng là cơ hội để Trường ĐHCT và Đại học TUMSAT bước đầu xây dựng mối quan hệ hợp tác tốt đẹp trong thời gian sắp tới.
Các đại biểu báo cáo tham luận và chuyên đề tại Hội thảo |
Tại Hội thảo các nhà khoa học và nhà nghiên cứu đã báo cáo tham luận và báo cáo chuyên đề xoay quanh ba nội dung trọng tâm là nguyên liệu và sản xuất sạch, chế biến thực phẩm, và thị trường kinh doanh mặt hàng thủy sản.
|
|
|
Các đại biểu cùng nhau thảo luận và chia sẻ kiến thức tại Hội thảo |
Sau hai ngày diễn ra sôi nổi, Hội thảo đã kết thúc thành công tốt đẹp nhờ vào sự đóng góp và thảo luận tích cực của các đại biểu tham dự. Sau đó, các đại biểu đã có chuyến thăm trại nuôi tôm tập trung Việt Úc sử dụng mô hình nhà kính hiện đại tại tỉnh Bạc Liêu; các nhà máy chế biến tại Công ty chế biến Biển Đông tại Khu Công nghiệp Trà Nóc và Công ty chế biến Hiệp Thành tại Quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ.
(Tin, ảnh: Trung tâm Thông tin và Quản trị mạng)