Trong 02 ngày 17 và 18/12/2015, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) đã tổ chức Hội thảo Quốc tế về "Đánh giá tác động của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 và chuyển giao công nghệ dạy học" tại Hội trường Trung tâm Học liệu - Trường ĐHCT nhằm đánh giá hiệu quả và tác động của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia (NNQG) 2020 giai đoạn 2008-2015.
Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Nguyễn Sỹ Thư, Trưởng Ban Quản lý Đề án NNQG 2020; đại diện các sở giáo dục và đào tạo trong và ngoài khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; các nhà nghiên cứu, nhà khoa học từ các tổ chức giáo dục, các trường đại học trong và ngoài nước như Hoa Kỳ, Úc. Về phía Trường ĐHCT có PGS.TS. Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng; cùng đại diện lãnh đạo các khoa, trung tâm, phòng, ban trong Trường.
Hội thảo Quốc tế về Đánh giá tác động của Đề án NNQG 2020 và Chuyển giao công nghệ dạy học tại Hội trường Trung tâm Học liệu - Trường ĐHCT |
PGS.TS. Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCT, phát biểu khai mạc |
Đề án NNQG 2020 được phê duyệt theo Quyết định số 1400/QĐ-TTg ban hành ngày 30/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ, đã chỉ rõ mục tiêu đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp, trình độ đào tạo; đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa; biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Sỹ Thư, Trưởng Ban Quản lý Đề án NNQG 2020, đã báo cáo kết quả triển khai Đề án NNQG 2020 giai đoạn 2008-2015 và định hướng phát triển giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, những kết quả đã đạt được trong việc triển khai Đề án như: từ năm 2010-2011, triển khai thí điểm chương trình sách giáo khoa môn tiếng Anh mới ở các cấp học; tiến hành rà soát năng lực ngoại ngữ của đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ ở các cấp học phổ thông và các trình độ đào tạo; đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá trong đào tạo ngoại ngữ; bước đầu xây dựng năng lực khảo thí quốc gia trên cơ sở năng lực khảo thí thực tiễn và tiếp cận năng lực khảo thí quốc tế; bước đầu triển khai xây dựng trung tâm học liệu ngoại ngữ quốc gia; xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, lựa chọn chương trình phần mềm, xây dựng các chương trình học kết hợp ứng dụng công nghệ tông tin và khai thác trang thiết bị dạy học ngoại ngữ cho các cấp học; xây dựng, tổng kết và nhân rộng kinh nghiệm hay, cách làm tốt của các đơn vị điển hình về đổi mới dạy và học ngoại ngữ; tăng cường trang bị cơ sở vật chất và thiết bị thiết yếu cho việc dạy và học ngoại ngữ; hoạt động hợp tác quốc tế được đẩy mạnh tạo ra sức lan tỏa cho chương trình bồi dưỡng trong nước có yếu tố nước ngoài và bồi dưỡng ở nước ngoài; công tác truyền thông đã góp phần tích cực vào việc nâng cao nhận thức của xã hội về tầm quan trọng của ngoại ngữ trong bối cảnh hội nhập;...
PGS.TS. Nguyễn Sỹ Thư, Trưởng Ban Quản lý Đề án NNQG 2020, báo cáo tổng quan kết quả triển khai và định hướng phát triển Đề án giai đoạn 2016-2020 |
Các báo cáo chuyên đề về đánh giá tác động của Đề án đến công tác phát triển chuyên môn nghiệp vụ giảng viên, giáo viên tiếng Anh của TS. Ngô Tuyết Mai, Trường ĐH Hà Nội; ThS. Lê Thị Phương Loan, Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng; và TS. Trịnh Quốc Lập, Trường ĐHCT |
Đại biểu cũng đã được nghe các bài báo cáo chuyên đề về đánh giá tác động của Đề án NNQG 2020 đến công tác phát triển chuyên môn nghiệp vụ giảng viên, giáo viên tiếng Anh các cấp tại ba vùng, miền trên cả nước là miền Bắc, miền Trung-Tây Nguyên và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hội thảo đã tiến hành thảo luận, giải đáp những thắc mắc và băn khoăn của đại biểu, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo các cấp, giảng viên, giáo viên đến việc triển khai Đề án NNQG 2020 nói riêng và vấn đề dạy và học ngoại ngữ nói chung hiện nay.
TS. Kevin Laws, Trường ĐH Sydney, trình bày tham luận về Chiến lược phát triển chuyên môn nghiệp vụ |
Ông Steve King, Nhà xuất bản National Geographic Learning, Hoa Kỳ trình bày tham luận về Bồi dưỡng nâng cao năng lực tiếng Anh và ngôn ngữ sư phạm |
Đai biểu sôi nổi thảo luận tại Hội thảo |
Hội thảo không chỉ tạo cơ hội trao đổi chuyên môn, học hỏi lẫn nhau giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước; đặc biệt, còn tổng hợp được các ý kiến đề xuất cho kế hoạch và nội dung hoạt động của Đề án giai đoạn 2016-2020 phù hợp với yêu cầu trong bối cảnh mới. Kết thúc Hội thảo, đại biểu đã có chuyến tham quan thực tế đến các trường tiểu học, trung học cơ sở, và trung học phổ thông của vùng sâu, vùng xa thuộc tỉnh Cà Mau để khảo sát tình hình kinh tế-xã hội-văn hóa và giáo dục của địa phương.
(Tin, ảnh: Trung tâm Thông tin & Quản trị mạng)