Trong 02 ngày 30/11/2015 và 01/12/2015, Hội thảo quốc tế về Tăng cường hợp tác nghiên cứu giữa Hoa Kỳ và các đối tác trong lưu vực sông Mekong và Xây dựng Viện Bảo tàng lịch sử tự nhiên Mekong đã diễn ra tại Nhà Điều hành Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT). Tham dự Hội thảo có hơn 100 nhà nghiên cứu, nhà khoa học đến từ các tổ chức nghiên cứu, các viện, trường đại học tại Hoa Kỳ, Thái Lan, Lào, và Việt Nam.
Hội thảo quốc tế về Tăng cường hợp tác nghiên cứu giữa Hoa Kỳ và các đối tác trong lưu vực sông Mekong và Xây dựng Viện Bảo tàng lịch sử tự nhiên Mekong |
PGS.TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT phát biểu chào mừng |
Ông Nathaniel Rettenmayer, đại diện Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh Hội thảo sẽ là cầu nối giúp tiếp tục phát huy mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ |
Sông Mekong bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng với chiều dài khoảng 4.800 km, chảy qua lãnh thổ của Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và đi vào Biển Đông ở Việt Nam. Lưu vực được chia thành vùng thượng nguồn và hạ nguồn. Vùng thượng nguồn bao gồm các khu vực ở Trung Quốc và Myanmar; vùng hạ nguồn bao gồm các phần của Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Hiện có hơn 60 triệu người dân sống trong lưu vực.
Hiện nay, lưu vực sông Mekong đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ các mối đe dọa như: biến đổi khí hậu, nước biển dâng, và đặc biệt là những hoạt động của con người như: thâm canh, mở rộng đất nông nghiệp, công nghiệp hóa, khai thác rừng và tài nguyên thiên nhiên, xây dựng các đập thủy điện,... Những hoạt động này làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên và dẫn đến sự xuống cấp của môi trường và đa dạng sinh học. Vì vậy, rất cần thiết để xây dựng một cơ chế cho các nhà khoa học trong khu vực và trên thế giới để nghiên cứu, thu thập dữ liệu, và chia sẻ thông tin đến cộng đồng cho mục đích giáo dục chung.
Tại Hội thảo lần thứ nhất diễn ra ngày 25-26/9/2015 ở Hoa Kỳ, các nhà khoa học của Hoa Kỳ đã bày tỏ sự quan tâm mạnh mẽ đối với việc nghiên cứu và phát triển dự án tại lưu vực sông Mekong. Do đó, tại Hội thảo lần này, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã tập trung thảo luận về dự án xây dựng Bảo tàng lịch sử tự nhiên Mekong, một nỗ lực hợp tác giữa Trường ĐHCT, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ để phát triển một tổ chức đầu tiên, với chức năng là trung tâm nghiên cứu và kết nối các nhà khoa học địa phương với các đối tác khu vực và toàn cầu, nghiên cứu các kiến thức và cách tiếp cận dễ dàng về hạ lưu sông Mekong, thúc đẩy đa dạng sinh học và bảo vệ sinh thái.
Các nhà khoa học trình bày tham luận tại Hội thảo |
(Tin, ảnh: Trung tâm Thông tin & Quản trị mạng)