Trong 02 ngày 03 và 04/4/2014, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) vinh dự đăng cai tổ chức Hội thảo Quốc tế về Thủy sản - Môi trường. Hội thảo diễn ra tại Hội trường Trung tâm Học liệu - Trường ĐHCT thu hút sự tham dự của khoảng 150 đại biểu đến từ 08 quốc gia trên thế giới (Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan, Malaysia, Mỹ, Nhật, Úc, Singapore và Ý) và các viện, trường đại học trong nước. Hội thảo cũng vinh dự đón tiếp đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến dự.
|
Biểu diễn các tiết mục văn nghệ truyền thống chào mừng khai mạc Hội thảo |
Mục tiêu của Hội thảo nhằm chia sẻ các kết quả nghiên cứu đạt được trong khuôn khổ triển khai Dự án “Deltaquasafe” hợp tác giữa Trường ĐHCT với ĐH Namur và ĐH Liège (Bỉ) trong thời gian 05 năm (2009-2014), do Liên Hiệp các trường Đại học Bỉ (Commission Universitaire pour le Développement - CUD) tài trợ với tổng kinh phí khoảng 40.000 euro.
Dự án “Deltaquasafe” về “Cải thiện giải pháp quản lý và an toàn trong sử dụng hóa chất nhằm phát triển bền vững nghề nuôi thủy sản nước ngọt ở Đồng bằng sông Cửu Long”, được triển khai nghiên cứu nhằm tìm ra giải pháp làm giảm các tác động của việc sử dụng hóa chất trong nuôi trồng thủy sản nước ngọt đến an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường bằng cách phát triển và ứng dụng các phương pháp quản lý và các kỹ thuật phân tích. Hoạt động nghiên cứu được tiến hành qua việc thu thập các mẫu phân tích (nước, bùn trong ao nuôi thủy sản, ruộng lúa,...) từ một số địa phương vùng ĐBSCL, phân tích tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật và kháng sinh trong hệ thống nuôi thuỷ sản, xác định nồng độ và thời gian tồn lưu các chất trong động vật thuỷ sản trong môi trường tự nhiên và môi trường ao nuôi. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong thời gian 28 ngày sau khi sử dụng thì lưu lượng chất bảo vệ thực vật và kháng sinh không còn tồn lưu trong nước, đồng thời tồn lưu của các chất hóa học này trong động vật thủy sản giảm xuống dưới mức nồng độ cho phép. Dự án cũng thử nghiệm thành công hoạt động nuôi trồng thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm thông qua sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên kích thích miễn dịch cho động vật thủy sản, làm tăng khả năng miễn dịch tự nhiên, hạn chế việc sử dụng chất kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản.
|
GS. Patrick Kestemont, Giám đốc Viện Nghiên cứu Sinh học-Môi trường, ĐH Namur, Bỉ, Chủ trì Hội thảo phát biểu khai mạc |
Dự án “Deltaquasafe” đã được triển khai thành công với nhiều kết quả quan trọng có lợi cho sản xuất thủy sản, đóng góp cho sự phát triển kinh tế thủy sản của Việt Nam, hướng đến nuôi trồng thủy sản bền vững nhờ giảm đáng kể lượng hóa chất sử dụng trong phòng trị bệnh thủy sản, tiết kiệm chi phí cũng như đảm bảo an toàn thực phầm, an toàn sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của thủy sản Việt Nam. Thông qua kết quả Dự án, các nhà nghiên cứu sẽ phát triển các tài liệu hướng dẫn cho các hộ, các trại nuôi về quy trình nuôi trồng và sản xuất, chế biến thủy sản an toàn, hướng các chuyên viên phân tích về quy trình phân tích, xử lý mẫu trong nghiên cứu có liên quan. Dự án cũng đã đào tạo được 03 tiến sĩ, 15 thạc sĩ và nhiều sinh viên đại học ngành thủy sản và môi trường.
Bên cạnh đó, Hội thảo còn thu hút nhiều bài báo cáo khoa học khác từ các viện, trường đại học trong và ngoài nước. Tại Hội thảo, khoảng 80 bài báo khoa học tham gia, gồm báo cáo tham luận và báo cáo trình bày poster được chia sẻ liên quan đến vấn đề nuôi trông thủy sản, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Hội thảo cũng là cơ hội để các nhà khoa học, các viện, trường cùng chia sẻ thông tin và giao lưu, mở rộng quan hệ hợp tác.
Ngoài kinh phí được hỗ trợ từ Dự án “Deltaquasafe”, Hội thảo còn được hỗ trợ kinh phí từ các dự án khác như: Dự án “iAQUA” giữa đối tác Đan Mạch và Trường ĐHCT, Dự án “SuPa” giữa Hà Lan và Trường ĐHCT, Dự án VLIR giữa Trường ĐHCT với các trường đại học Bỉ.
|
Đại biểu dự Hội thảo |
|
PGS.TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT phát biểu chào mừng tại Hội thảo |
|
PGS.TS. Hà Thanh Toàn đại diện Trường ĐHCT tặng quà lưu niệm đến GS. Patrick Kestemont, ĐH Namur và GS. Marie-Louise Scippo (áo đỏ), Bộ môn Khoa học Thực phẩm, Khoa Thú y, ĐH Liège |
|
|
Báo cáo tham luận và thảo luận |
|
|
Tham quan tìm hiểu các kết quả nghiên cứu được trình bày bằng poster |
(Tin, ảnh: Trung tâm Thông tin và Quản trị mạng)