Tân sinh viên           Người học         Viên chức           Cựu sinh viên         EN

Hội thảo sơ kết 02 năm thực hiện dự án FARES (2011-2012)

Từ ngày 22/5/2013 đến 24/5/2013, Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long – Trường Đại học Cần Thơ (NCPT ĐBSCL - ĐHCT) đã tổ chức Hội thảo sơ kết 02 năm thực hiện Dự án FARES giai đoạn 2011-2012 được tài trợ bởi tổ chức SEARICE (Sáng kiến nâng cao năng lực cộng đồng khu vực Đông Nam Á - Southeast Asia Regional Initiatives for Community Empowerment). Đến dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo chính quyền địa phương và nông dân các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và các tỉnh miền Trung; phía cơ quan tài trợ có bà Normita Ignacio, Giám đốc điều hành SEARICE.

Dự án FARES (Strengthening Farmer Agricultural Research and Extension System Partnership) được hình thành và triển khai thực hiện trong giai đoạn 2011-2014 với mục tiêu “Tăng cường sự hợp tác của nông dân trong nghiên cứu nông nghiệp và khuyến nông tại Việt Nam” do Viện NCPT ĐBSCL – Trường ĐHCT chủ trì thực hiện. Dự án tập trung xây dựng năng lực về chọn tạo giống có tham gia và bảo tồn sinh thái trên đồng ruộng, cải thiện thu nhập nông hộ và tác động đến chính sách hỗ trợ nông dân của địa phương.

Hội thảo sơ kết 02 năm thực hiện Dự án FARES


Sau 02 năm triển khai thực hiện, Dự án FARES đã đạt được những hiệu quả bước đầu về: (1) tăng cường năng lực cho những nông hộ sản xuất nhỏ về đa dạng sinh học nông nghiệp, chọn giống có tham gia của nông dân và bảo tồn đa dạng sinh học trên đồng ruộng; (2) phát triển hệ thống sáng tạo trong lựa chọn và lai tạo giống của nông dân lồng ghép trong nghiên cứu và khuyến nông; (3) đóng góp vào sự phát triển các chính sách nông nghiệp và chương trình hỗ trợ khuyến nông có sự tham gia cũng như chương trình hỗ trợ cho các sáng kiến của nông dân.


Sự phát triển kinh tế nông nghiệp có vai trò rất quan trọng đối với các tỉnh ĐBSCL và một số tỉnh miền Trung, trong đó cây lúa có vai trò là cây lương thực chính. Do đó, FARES chú trọng vào việc hỗ trợ nông dân trong chọn lựa và lai tạo các loại giống lúa phù hợp với những điều kiện canh tác khác nhau như hạn hán, ngập nước, ngập mặn, sâu bệnh... đặc biệt là thích nghi với những tác động của biến đổi khí hậu và phát triển các loại giống có năng suất cao, phẩm chất tốt, đáp ứng nhu cầu đa dạng về lương thực trong nước cũng như yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Dự án được sự tham gia và hỗ trợ của chính quyền địa phương như các cơ quan khuyến nông, trạm trại giống của các sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, các nông hộ tại các tỉnh ĐBSCL và một số tỉnh miền Trung. Sau khi được huấn luận kỹ thuật lai tạo, tham quan học tập và tham gia thực hiện các nghiên cứu trên đồng ruộng, đến nay số hộ nông dân tham gia Dự án đã chọn và lai tạo được nhiều loại giống lúa thích nghi với những điều kiện canh tác khác nhau và cho năng suất cao. Nhiều địa phương đã nhận thấy rõ vai trò quan trọng của nông dân trong lựa chọn, lai tạo và bảo tồn giống, đồng thời bước đầu đã có các đề xuất về những chính sách thiết thực hỗ trợ cho nông dân lai tạo và phát triển các loại giống lúa như các tỉnh: An Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Trà Vinh, Hậu Giang, Bến Tre, Sóc Trăng hay các tỉnh miền Trung như Khánh Hòa, Bình Thuận, Tây Ninh, Phú Yên và Quảng Ngãi.

Tại Hội thảo, các đại biểu đại diện cơ quan chức năng các địa phương và nông hộ tham gia đã cùng tiến hành tổng kết, đánh giá hiệu quả hoạt động của FARES trong 02 năm triển khai thực hiện, qua đó cùng thảo luận để phát huy những điều kiện thuận lợi và tìm ra giải pháp tháo gỡ những khó khăn tồn tại để tiếp tục thực hiện hiệu quả Dự án trong giai đoan tiếp theo. Trong đó, các đại biểu đặc biệt quan tâm đến vấn đề hỗ trợ nông dân thực hiện công tác lựa chọn và lai tạo giống lúa, phát triển nguồn giống phong phú đa dạng cho cộng đồng, thích hợp với nhiều điều kiện tự nhiên khác nhau; công tác kiểm định giống mới để tiến hành đăng ký chứng nhận giống lúa quốc gia cho nông dân; tìm đầu ra cho các loại giống, nâng cao hiệu quả kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân; công tác huấn luyện nâng cao nhằm tăng cường năng lực cho cán bộ quản lý và chuyển giao; nâng cao nhận thức về mục tiêu dự án cho chính quyền địa phương để có sự phối hợp và hỗ trợ hiệu quả; tăng cường sự ủng hộ và hỗ trợ của chính quyền địa phương về vai trò của nông dân trong công tác phát triển và bảo tồn giống cũng như hoạch định các chính sách liên quan,... nhằm phát huy vai trò và sự sáng tạo của nông dân. 

Đại biểu nông dân chia sẻ về công tác lai tạo giống


(Tin, ảnh: Trung tâm Thông tin & Quản trị mạng)



 

Lượt xem: 2807

DỊCH VỤ TIỆN ÍCH

THÔNG TIN

CÔNG KHAI