Trong hai ngày 22 và 23/4/2016, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) phối hợp Quỹ Hòa bình và Phát triển thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Nghiên cứu Xã hội và Giáo dục Trí Việt tổ chức Hội thảo "Sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong". Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia, học giả và các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế đến từ Nauy, Hoa Kỳ, Pháp, Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia; đại diện các tổ chức nhà nước, xã hội, tổ chức phi chính phủ quốc tế và địa phương; đại diện các viện/trung tâm nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp trong cả nước.
Toàn cảnh Hội thảo "Sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong" |
Sông Mekong có diện tích lưu vực 795.000 km2, có chiều dài khoảng 4.350 km với lưu lượng nước hàng năm là 457 km3. Sông có mật độ dân số dao động từ hơn 50 người/km2 tại lưu vực thượng nguồn đến 100 người/km2 tại lưu vực hạ nguồn. Trong đó, mật độ dân số cao nhất thuộc về khu vực Việt Nam: 260 người/km2. Là con sông có độ đa dạng sinh học cao thứ 2 thế giới, cung cấp nguồn thủy sản nước ngọt lên đến 2,3 triệu tấn/năm với giá trị thương mại ước tính khoảng 2 tỉ USD/năm. Với tiềm năng to lớn (lên tới 53.000 MW cho dòng chính và 35.000 MW ở các dòng phụ), cuộc chạy đua trong việc khai thác triệt để sông Mekong cho thủy điện của các quốc gia ven sông đặt ra nhiều tranh luận và thách thức. Một trong những tranh luận mạnh mẽ nhất là tác động của thủy điện đến các khu vực ven sông, cụ thể là Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vùng đang chịu hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng từ đầu năm 2016. Ở Việt Nam nói riêng, tình trạng thiếu nước và ngập mặn tại ĐBSCL gần đây là ví dụ tiêu biểu cho mâu thuẫn lợi ích giữa các quốc gia thượng nguồn và hạ nguồn.
Hội thảo Sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong đã đem lại một cuộc thảo luận đa chiều, đa góc độ và kết hợp đa dạng các đối tượng liên quan theo góc nhìn quốc gia và tầm nhìn khu vực về: các vấn đề và mâu thuẫn lợi ích trong việc xây dựng đập thủy điện trên sông Mekong, môi trường và biến đổi khí hậu tại lưu vực sông Mekong, các tình huống và khả năng phát triển cho lưu vực sông Mekong: Tác động và hậu quả lên sinh kế của các cộng đồng ven sông và các quốc gia liên quan.
PGS.TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT, nhấn mạnh: "Sông Mekong đang kêu gọi sự quan tâm cần thiết của chương trình hành động hướng đến một cơ chế phù hợp cho việc sử dụng và quản lý bên vững trong bối cảnh phát triển các mối quan hệ thương mại và Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Các quốc gia thành viên ASEAN, bao gồm các quốc gia ven sông Mekong phải tăng cường hợp tác và phối hợp sử dụng các nguồn tài nguyên chung để đảm bảo công bằng, lợi ích và sự bền vững cho các bên liên quan".
PGS.TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT phát biểu tại Hội thảo |
Hội thảo nhấn mạnh tầm quan trọng cấp thiết của việc xây dựng và phát triển nhận thức hợp lý kịp thời của tất cả các bên liên quan về tư vấn và hợp tác trong nước lẫn quốc tế giữa các nước trong hệ thống lưu vực sông Mekong (giữa các quốc gia trong khu vực hạ lưu sông cũng như giữa các nước thượng lưu và hạ lưu). Đây là một thảo luận mang tính thời sự, thiết thực với sự chia sẻ suy ngẫm mới nhất giữa các đại biểu, dựa trên thực tế và viễn cảnh ở khu vực sông Mekong, từ đó hình thành, củng cố nhận thức và đề xuất ý tưởng ứng phó thích hợp.
Các Diễn giả trình bày tại Hội thảo:
Ông Phạm Tuấn Phan, Giám đốc điều hành Ủy hội sông Mekong trình bày về "Sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong" |
GS.TSKH. Nguyễn Ngọc Trân, Chuyên gia cao cấp Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ quốc gia trình bày "Những thách thức hiện tại và tương lai của vùng ĐBSCL - Nhận thức và hành động" |
GS.TS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ phát biểu về "Sử dụng nguồn nước sông Mekong bảo đảm an ninh lương thực quốc gia" |
(Tin, ảnh: Trung tâm Thông tin và Quản trị mạng)