Tân sinh viên           Người học         Viên chức           Cựu sinh viên         EN

Hội thảo “Tham vấn về chính sách đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác quốc tế về nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo.”

Nhằm thảo luận các vấn đề chung về Dự án Luật nhà giáo, lấy ý kiến nhà giáo để tổng hợp gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), góp phần nâng cao chất lượng xây dựng Luật Nhà giáo, sáng ngày 20/6/2024, tại Hội trường 4, Nhà Điều hành, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) đã tổ chức Hội thảo “Tham vấn về chính sách đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác quốc tế về nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo.”

Về phía Bộ GD&ĐT, có sự tham dự của Ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục; cùng lãnh đạo các phòng chuyên môn và chuyên viên Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đến tham dự hội thảo. Đại diện Trường ĐHCT có PGS.TS. Trần Trung Tính, Hiệu trưởng; GS.TS. Trần Ngọc Hải, Phó Hiệu trưởng; PGS.TS. Nguyễn Hiếu Trung, Phó Hiệu trưởng; cùng đại diện Lãnh đạo các Trường, Khoa, Viện, Phòng, Ban, Trung tâm tại Trường ĐHCT.

 Toàn cảnh chương trình Hội thảo

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, GS.TS. Trần Ngọc Hải, đã chia sẻ: “Qua nghiên cứu các tài liệu và tham khảo thông tin từ truyền thông, chúng tôi nhận thấy rằng với mục tiêu kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển đội ngũ nhà giáo, Dự thảo Luật Nhà giáo có nhiều nội dung mang tính đột phá, trong đó có chính sách về tiền lương, chính sách hỗ trợ nhà giáo. Là một đơn vị tham gia đào tạo giáo viên, đồng thời cũng là một đơn vị có đội ngũ nhà giáo đông đảo với gần 1200 giảng viên, giáo viên Trường ĐHCT thật sự rất quan tâm đến Dự án Luật quan trọng này.”

GS.TS. Trần Ngọc Hải phát biểu khai mạc tại hội thảo

Ông Đặng Văn Bình - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục báo cáo tổng quan về Luật Nhà giáo, nội dung theo chủ đề Hội thảo

PGS.TS. Nguyễn Hiếu Trung cùng Ông Đặng Văn Bình chủ trì phiên thảo luận tại hội thảo

Tại hội thảo, về vấn đề chứng chỉ hành nghề, hội thảo còn đề xuất bổ sung quy định về thời hạn cấp chứng chỉ, đảm bảo sự tương thích giữa chứng chỉ hành nghề trong nước với khu vực và quốc tế. Việc cấp chứng chỉ cho đối tượng thỉnh giảng và giáo viên gián đoạn thời gian công tác trong ngành Giáo dục cũng cần được quy định rõ ràng hơn.

Cùng với đó là các ý kiến góp ý về các quy định, nội dung về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, giảng viên; quyền, trách nhiệm của nhà giáo; lương của nhà giáo để đảm bảo nhà giáo yên tâm cống hiến với nghề.

Cuối cùng, hội thảo cũng thảo luận về các điều khoản thi hành liên quan đến việc áp dụng Luật Nhà giáo, Luật Giáo dục đại học. Các đại biểu đề xuất cần có quy định chi tiết để đảm bảo tính thống nhất và hiệu quả trong thực thi.

Các đại biểu tham dự đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu, các ý kiến góp ý căn cứ vào tình hình thực tế của nhà giáo, đề xuất điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số nội dung cho phù hợp nhằm hoàn thiện dự thảo Luật, đảm bảo tính thực tiễn, hiệu quả trong việc thu hút, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục.

Các đại biểu chia sẻ và đóng góp ý kiến

Hội thảo là hoạt động thiết thực góp phần vào quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo. Với sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và sự chung tay góp sức của toàn xã hội, đội ngũ nhà giáo Việt Nam sẽ ngày càng được phát triển, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

 Ảnh lưu niệm

 

 

(Ban Biên tập Website) 

Lượt xem: 278

DỊCH VỤ TIỆN ÍCH

THÔNG TIN

CÔNG KHAI