Hiện nay, biến đổi khí hậu (BBĐKH) là một chủ đề nóng và phức tạp, đã và đang thu hút sự quan tâm sâu sắc của cả thế giới, đặc biệt là ở Việt Nam. Theo dự báo của các nhà nghiên cứu khoa học thế giới về BĐKH, trong số 13 vùng đồng bằng lớn trên thế giới chịu tác động mạnh mẽ bởi BĐKH, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong 5 đồng bằng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt là khi nước biển dâng. Chính phủ Việt Nam nhận thấy được tầm quan trọng của việc đề ra các giải pháp nhằm phát triển sinh kế của người dân vùng lũ, vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH, đặc biệt là vùng ĐBSCL. Theo đó, Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu đã được thành lập tại Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) và đảm nhận nhiệm vụ nghiên cứu, theo dõi diễn biến của khí hậu và tìm ra phương pháp ứng phó với BĐKH.
|
Hội thảo “Thích ứng với biến đổi khí hậu và di cư ở Đồng bằng sông Cửu Long: hiện trạng, chiến lược và chính sách” diễn ra tại Trường ĐHCT do Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tại Việt Nam, Trường ĐHCT và Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) phối hợp tổ chức |
Những diễn biến khác thường của khí hậu tại Việt Nam trong những năm gần đây bắt đầu biểu hiện, đặc biệt là tại vùng ĐBSCL. Trước đây khí hậu Việt Nam có hai mùa: mùa mưa (vào khoảng tháng 5 đến tháng 10) và mùa nắng. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, mùa nắng kéo dài hơn với nhiệt độ cao hơn, mùa mưa ngắn hơn nhưng diễn biến về lượng mưa khá phức tạp, gây lũ lụt thất thường, làm thiệt hại nhiều đến đời sống kinh tế và sự an toàn của người dân. Trước đây, việc ngập mặn chỉ xảy ra các ở tỉnh ven biển của vùng nhưng giờ đây nước mặn đã xâm nhập vào các tỉnh sâu trong nội địa như Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long v.v. gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, BĐKH xảy ra ở vùng ĐBSCL sẽ làm ảnh hưởng đến vấn đề an ninh lương thực trong vùng và thế giới vì Việt Nam đóng góp khoảng 20% sản lượng lúa gạo xuất khẩu trên thị trường thế giới, trong đó ĐBSCL đóng góp 90 % sản lượng lúa gạo xuất khẩu của cả nước. Chính vì vậy, vấn đề BĐKH ngày càng được nhận thức đúng đắn và được quan tâm sâu sắc. BĐKH tại ĐBSCL được đông đảo các nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu quốc gia và quốc tế quan tâm nghiên cứu nhằm tìm các giải pháp giúp người dân thích ứng với các diễn biến phức tạp của khí hậu, những tác động tiêu cực có thể xảy ra, đặc biệt là đối với người dân nghèo, có thu nhập thấp – những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước các nguy cơ của BĐKH. Trong đó, các nhà khoa học, nhà quản lý và hoạch định chính sách rất quan tâm liệu tác động xấu của BĐKH sẽ ảnh hưởng đến việc di cư của người dân như thế nào; nhà nước và chính quyền địa phương cần có các chính sách gì trong việc hỗ trợ người dân sống chung với BĐHK; công tác quản lý việc di cư của người dân như thế nào v.v.
Do đó, vào ngày 04/6/2012 và 05/6/2012, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM – International Organization for Migration) tại Việt Nam, Trường ĐHCT và Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP – United Nations Development Programme) đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Thích ứng với biến đổi khí hậu và di cư ở Đồng bằng sông Cửu Long: hiện trạng, chiến lược và chính sách” nhằm chia sẻ các nghiên cứu, cùng bàn thảo, trao đổi về BĐKH giúp các cá nhân và tổ chức có liên quan hiểu sâu hơn, đồng thời tìm ra về các giải pháp cần thiết, hướng đi cho các hoạt động tiếp theo cũng như đóng góp hướng hoạch định chính sách của chính quyền địa phương nhằm giúp người dân ứng phó với BĐKH, ổn định sinh kế.
|
Ông Florian Forster, Trưởng phái đoàn IOM phát biểu khai mạc Hội thảo |
|
TS. Ian Wilderspin, đại diện UNDP tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo |
|
PGS.TS Lê Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCT phát biểu chào mừng đại biểu và thể hiện mối quan tâm sâu sắc của nhà trường đến vấn đề BĐKH ở ĐBSCL, bày tỏ thiện chí của nhà trường trong việc hợp tác với các nhà khoa học, các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước để chung tay tìm ra giải pháp ứng phó với BĐKH |
|
Các nhà nghiên cứu trình bày báo cáo nghiên cứu khoa học về BĐKH và vấn đề di cư tại Hội thảo |
(Tin, ảnh: Trung tâm Thông tin & Quản trị mạng)