Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam năm 2018 do Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) và nhóm Công tác về Biến đổi khí hậu (CCWG) tổ chức từ ngày 21 đến 26/8/2018 với 5 sự kiện chính diễn ra tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, TP. HCM và TP. Cần Thơ. Mục tiêu của chương trình nhằm tạo diễn đàn cho các bên liên quan đối thoại, tìm ra các giải pháp tháo gỡ những khó khăn và thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo; tăng cường nhận thức của công chúng về tính khả thi và các lợi ích của năng lượng tái tạo; khởi động và huy động sự quan tâm của các bên liên quan vào thực hiện chương trình “Triệu ngôi nhà xanh vì Việt Nam thịnh vượng”.
Nằm trong chuỗi các hoạt động của Tuần lễ năng lượng tái tạo năm 2018, ngày 24/8/2018, tại Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ phối hợp cùng VSEA và Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh GreenID tổ chức Hội thảo Tiềm năng phát triển Điện mặt trời kết hợp với sản xuất nông nghiệp bền vững nhằm giới thiệu phương pháp tiếp cận mới kết hợp giữa phát triển năng lượng tái tạo với sản xuất nông nghiệp. Hội thảo có sự tham dự của các cơ quan quản lý các tỉnh ĐBSCL, các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên đại học, các nhà đầu tư tiềm năng và các doanh nghiệp.
Toàn cảnh Hội thảo Tiềm năng phát triển Điện mặt trời kết hợp với sản xuất nông nghiệp bền vững tại Hội trường Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ |
Hội thảo đã nghe trình bày và tham vấn kết quả nghiên cứu về đánh giá tiềm năng kết hợp năng lượng mặt trời và sản xuất nông nghiệp, các mô hình nông nghiệp bền vững ở ĐBSCL, ý tưởng dự án điện mặt trời kết hợp với sản xuất nông nghiệp tại tỉnh An Giang và các giải pháp ứng dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất nông nghiệp.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ chia sẻ việc tận dụng năng lượng tái tạo trở nên cấp thiết trong bối cảnh Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đặc biệt là vùng ĐBSCL. Giải pháp này đóng vai trò quan trọng trong tiết giảm phát thải CO2, giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, bổ sung nguồn điện quốc gia theo hướng năng lượng sạch, thân thiện với môi trường. ĐBSCL hoàn toàn có thể tận dụng nguồn năng lượng sẵn có tại địa phương với số giờ nắng dồi dào trong năm và nguồn phụ phẩm nông nghiệp.
Với niềm tin năng lượng tái tạo có thể tạo ra cơ hội mới cho nông dân Việt Nam, Hội thảo đã thu thập ý kiến từ các bên liên quan, cùng thảo luận đưa ra những vấn đề nhằm thúc đẩy rộng rãi những ứng dụng của điện mặt trời trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Thông qua Hội thảo, đại biểu tham dự được cung cấp đầy đủ thông tin về các hình thức tận dụng nguồn năng lượng mặt trời trong sản xuất nông nghiệp để đóng góp cho kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo của Chính phủ, phổ biến rộng rãi những lợi ích của điện mặt trời đối với không chỉ môi trường mà còn trên các phương diện kinh tế, xã hội từ đó, cung cấp cho các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức phát triển một giải pháp hiệu quả cho vấn đề sử dụng năng lượng tại địa phương.
GS.TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ phát biểu khai mạc Hội thảo |
TS. Nguyễn Quốc Khánh, đại diện nhóm nghiên cứu báo cáo kết quả nghiên cứu tiềm năng và tính khả thi của mô hình kết hợp năng lượng mặt trời trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản |
PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ trình bày các mô hình nông nghiệp bền vững ở ĐBSCL |
Các đại biểu thảo luận |
(Tin: Trung tâm Thông tin và Quản trị mạng)