Trong những năm qua, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và chuyển giao công nghệ nhằm phát triển kinh tế-xã hội của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả nước. Tầm nhìn đến năm 2020, Trường ĐHCT trở thành một trong những đơn vị hàng đầu thuộc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương về chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Nhằm thể hiện vai trò trong lĩnh vực Công nghệ thông tin và Truyền thông (CNTT&TT) ở khu vực ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung, đặc biệt là thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngày 03/11/2017, Trường ĐHCT tổ chức Hội thảo toàn quốc về Công nghệ thông tin năm 2017 với mong muốn tạo diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà quản lý trong nước gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu mới nhất về lĩnh vực CNTT&TT.
Hội thảo đã thu hút sự quan tâm tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý từ các sở, ngành, các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu; các nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên từ các viện, trường ở các tỉnh, thành trong cả nước.
Hội thảo toàn quốc về CNTT năm 2017 diễn ra tại Hội trường Khoa CNTT&TT-Trường ĐHCT ngày 03/11/2017 |
PGS.TS. Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCT phát biểu khai mạc Hội thảo |
Hội thảo đã nhận được 43 bài viết do các nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên từ các viện, trường của khu vực ĐBSCL, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng với nội dung bao hàm các lĩnh vực như: công nghệ tri thức, công nghệ đa phương tiện, tính toán hiệu năng cao, khai phá dữ liệu và máy học, mô hình hóa, mô phỏng, xử lý ngôn ngữ, nhận dạng và xử lý ảnh, an ninh mạng, điện toán đám mây, công nghệ phần mềm, IoT, các hệ thống thông minh và hệ thống hỗ trợ quyết định. Có 33 bài viết được chọn đăng trong Kỷ yếu của Hội thảo, đặc biệt 23 bài viết tốt nhất được chọn đăng trong Tạp chí Khoa học Trường ĐHCT.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư đang diễn ra một cách sôi động, nhiều cơ hội và thách thức đặt ra cho các cơ sở giáo dục đại học. Thách thức đầu tiên là việc đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, trong đó, phương pháp giảng dạy theo STEM (đào tạo liên quan đến khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) được cho là phù hợp. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực CNTT cần bám sát các trụ cột của cuộc cách mạng này, bao gồm: trí tuệ nhân tạo, IoT và phân tích dữ liệu lớn. Trong các bài viết gửi về Hội hảo, nhiều công trình nghiên cứu liên quan đến các lĩnh vực này kết hợp với GIS và ứng dụng vào giải quyết các thách thức ĐBSCL đang đối mặt như: biến đổi khí hậu, quản lý, sử dụng tài nguyên hiệu quả.
Với tinh thần mở rộng giao lưu, hợp tác cho sự phát triển, Hội thảo được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy cơ hội hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về lĩnh vực CNTT&TT ở khu vực ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, góp phần giải quyết các thách thức đặt ra của vùng ĐBSCL và của cuộc cách mạng công nghệ hiện nay.
PGS.TS. Trần Cao Đệ, Trưởng Khoa CNTT&TT, Trưởng Ban tổ chức, thông tin về Hội thảo toàn quốc về Công nghệ thông tin năm 2017 |
GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ-Đại học Quốc gia Hà Nội, báo cáo đề dẫn về Nền tảng-Công nghệ-Ứng dụng của Hạ tầng dữ liệu không gian |
Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo |
(Tin, ảnh: Trung tâm Thông tin và Quản trị mạng)