Nhằm định hướng phát triển cho Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ, nâng cao khả năng khởi nghiệp và thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ mang dấu ấn của Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT), Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp Trường ĐHCT tổ chức Hội thảo "Ươm tạo và Khởi nghiệp trong trường đại học".
Hội thảo Ươm tạo và Khởi nghiệp trong trường đại học diễn ra tại Hội trường Trung tâm Học liệu, Trường ĐHCT ngày 20/12/2016 |
Trong khoảng mười năm qua, ở Việt Nam xuất hiện khái niệm start-up hay khởi nghiệp, và khoảng vài năm trở lại đây, một dòng chảy khởi nghiệp mới đã xuất hiện. Đặc bệt, năm 2016 được chọn là năm quốc gia khởi nghiệp. Rất nhiều chương trình khởi nghiệp đang được thực hiện như: Cuộc thi dự án khởi nghiệp dành cho thanh niên nông thôn thực hiện trong gần 03 năm do Trung tâm nghiên cứu kinh doanh hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tiến hành, Bánh xe khởi nghiệp (start-up wheel) từ năm 2013 do Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tổ chức, SIMVA-Hành trình khởi nghiệp của Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ Trường ĐHCT năm 2016.
Phong trào khởi nghiệp tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn vừa qua cũng thực sự tạo nên một làn sóng mới với sự xuất hiên của các vườn ươm doanh nghiệp như: Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ Trường ĐHCT (CTBI), Vườn ươm doanh nghiệp Sóc Trăng (SBI), Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc (KVIP), Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp của Bến Tre.
Trong đó, Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp Trường ĐHCT được thành lập năm từ 2014, hiện nay, Trung tâm là đầu mối tích hợp nuồn lực từ các khoa, viện, trung tâm nghiên cứu ứng dụng để hiện thực hóa những ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp, cạnh tranh toàn cầu; cung cấp các dịch vụ tư vấn về đổi mới khoa học công nghệ và quản trị doanh nghiệp; triển khai dự án SIMVA (Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ Mekong-Việt Nam-Đông Nam Á); liên kết với các dự án quốc tế về phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo như: IPP (Chương trình Đối tác Đổi mới sáng tạo Việt Nam-Phần Lan), FIRST (Dự án đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ), VIIP (Dự án Đổi mới sáng tạo hướng tới người thu nhập thấp), BIPP (Dự án Hỗ trợ xây dựng chính sách đổi mới và phát triển các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp).
PGS.TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT phát biểu khai mạc Hội thảo |
Tại Hội thảo, đại biểu được nghe báo cáo tổng quan về khởi nghiệp ở Việt Nam và Đồng bằng sông Cửu Long, những thành tựu khoa học công nghệ trong thời gian qua và các sản phẩm khoa học công nghệ từ các công trình nghiên cứu khoa học nổi bật đang chuyển giao và phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, Hội thảo còn giới thiệu cơ hội khởi nghiệp từ dự án SIMVA thuộc Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam-Phần Lan (IPP) góp phần thúc đẩy sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long bằng cách cấp vốn và hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho các ý tưởng kinh doanh có tiềm năng, đồng thời, tìm kiếm các nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước cho các ý tưởng.
Hội thảo Ươm tạo và Khởi nghiệp trong trường đại học đã tạo ra diễn đàn cho các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và khởi nghiệp có cơ hội trao đổi, phân tích tiềm năng triển vọng và đề xuất giải pháp hợp tác nghiên cứu và thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ tại thị trường trong nước và quốc tế.
PGS.TS. Trần Nhân Dũng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ sinh học, Trường ĐHCT giới thiệu thành tựu và các sản phẩm khoa học công nghệ |
TS. Nhan Minh Trí, Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, trình bày về bảo quản và chế biến sản phẩm từ khoai lang |
Đại biểu tham quan trưng bày các sản phẩm khoa học công nghệ |
(Tin, ảnh: Trung tâm Thông tin và Quản trị mạng)