Tân sinh viên           Người học         Viên chức           Cựu sinh viên         EN

Hội thảo “Văn hóa Nam Bộ trên bình diện giao tiếp”

Ngày 21/12/2012, Khoa Sư phạm - Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa - Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ tổ chức Hội thảo “Văn hóa Nam Bộ trên bình diện giao tiếp”. 

Hội thảo vinh dự đón tiếp PGS.TS Lê Thanh Sang, Phó Viện trưởng Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ; Ông Vũ Văn Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa - Viện; ThS. Võ Thành Hùng, đại diện Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; đoàn cán bộ Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ, các nhà khoa học, các đại biểu công tác tại các cơ quan văn hóa, các viện, trường tại các tỉnh thành phía Nam đến dự và chia sẻ thông tin. Dự Hội thảo phía Trường ĐHCT có PGS.TS Nguyễn Thanh Phương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCT, đại diện lãnh đạo các đơn vị, lãnh đạo và cán bộ Khoa Sư phạm, học viên cao học và sinh viên ngành ngữ văn.

Hội thảo “Văn hóa Nam Bộ trên bình diện giao tiếp” được tổ chức tại Hội trường Trung tâm Học Liệu Trường ĐHCT


Hội thảo đã thu hút hơn 50 báo cáo khoa học với các chủ đề về chủ đề văn hóa, ngôn ngữ và con người Nam Bộ, tập trung nghiên cứu về yếu tố văn hóa trong truyền thống văn hóa Nam Bộ; giá trị văn hóa và hệ văn hóa; sự tiếp xúc văn hóa, ngôn ngữ giữa các dân tộc khác nhau (Việt-Hoa, Việt-Khmer, Việt-Chăm...), ảnh hưởng qua lại về những yếu tố từ vựng, ngữ pháp; sự tiếp xúc văn hóa giữa nền văn hóa Nam Bộ với các nền văn hóa lớn trên thế giới v.v.


Vùng Nam Bộ có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế xã hội của cả nước. Việc nghiên cứu, khám phá văn hóa Nam Bộ giúp các cấp quản lý hiểu rõ hơn về văn hóa và con người để thực hiện các chính sách kinh tế văn hóa xã hội phù hợp, đúng đắn. Tại Hội thảo, các đại biểu, các nhà khoa học đã chia sẻ báo cáo tham luận về kết quả nghiên cứu và những đề xuất góp phần phát triển bền vững văn hóa Nam Bộ, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, “hòa nhập nhưng không hòa tan”. Qua đó, các nhà nghiên cứu văn hóa Nam Bộ nhận định, các khía cạnh đặc sắc trong nền văn hóa phong phú của Nam Bộ vẫn chưa được khai thác hết. Do đó, cần thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, khám phá kho tàng văn hóa đồ sộ của vùng qua quá trình vận động và phát triển thăng trầm theo chiều dài lịch sử, từ thuở sơ khai đến phát triển rực rỡ hình thành nên những nét đặc trưng văn hóa mới mang bản sắc riêng của vùng Nam Bộ nhưng vẫn hòa quyện vào nn văn hóa chung của dân tộc Việt Nam. Song song đó, các đại biểu cũng bày tỏ mối quan tâm, sự trăn trở đến việc bồi dưỡng văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ, nâng cao ý thức giữ gìn và phát triển những nét văn hóa tốt đẹp, chung tay giữa gìn và phát triển văn hóa Nam Bộ nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung với những nét đặc sắc riêng hòa quyện vào nên văn minh tiến bộ của nhân loại; đồng thời, khắc phục và hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực trong giao thoa nền văn hóa thế giới trong xu hướng hội nhập, tiếp thu có chọn lọc, tự hào về những giá trị chân-thiện-mỹ trong nền văn hóa của dân tộc Việt Nam. 

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thanh Phương cho biết, Trường ĐHCT rất vui mừng được phối hợp với Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ tổ chức Hội thảo rất ý nghĩa này để chia sẻ, thảo luận về văn hóa Nam Bộ. Những thông tin chia sẻ từ Hội thảo sẽ là nguồn tư liệu rất quý báu, không những cho việc nghiên cứu, học tập, giảng dạy về văn hóa, mà còn là tư liệu quý để góp phần giúp tham mưu cho các cơ quan chức năng trong việc thực hiện các chính sách kinh tế-xã hội, hướng đến phát triển bền vững vùng Nam Bộ, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc tốt đẹp của dân tộc. Các tài liệu kỷ yếu Hội thảo là những nguồn thông tin quý, nên được tổng hợp xuất bản để chia sẻ thông tin cho người đọc. Nhà trường rất ủng hộ việc xuất bản những tài liệu khoa học này để chia sẻ thông tin rộng rãi đến đc giả có quan tâm về văn hóa Nam Bộ.
 

PGS.TS Nguyễn Thanh Phương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCT phát biểu chào mừng tại Hội thảo

 

PGS.TS Lê Thanh Sang, Phó Viện trưởng Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ phát biểu tại Hội thảo

 

(Tin, ảnh: Trung tâm Thông tin & Quản trị mạng)

 

Lượt xem: 1046

DỊCH VỤ TIỆN ÍCH

THÔNG TIN

CÔNG KHAI