Ngày 12/5/2018, tại Hội trường Rùa, Hội Cựu sinh viên ngành Công nghệ thực phẩm, Trường ĐHCT tổ chức Họp mặt kỷ niệm 40 năm thành lập ngành. Tham dự chương trình có GS.TS. Lưu Duẩn, Phó Chủ tịch Hội khoa học và Công nghệ Lương thực Thực phẩm Việt Nam; TS. Lê Minh Hùng, Phó Viện trưởng phân viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch TPHCM; Về phía Trường ĐHCT có GS.TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Nhà trường, Chủ tịch Hội Cựu sinh viên ngành Công nghệ thực phẩm; Ban Chủ nhiệm Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng; cán bộ đã từng công tác và cán bộ đang công tác tại Bộ môn Chế biến, Khoa Công nghệ thực phẩm và Bộ môn Công nghệ thực phẩm, cùng đông đảo cựu sinh viên ngành Chế biến, Công nghệ thực phẩm và ngành cao học Công nghệ sau thu hoạch về tham dự.
GS.TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT, Chủ tịch Hội Cựu sinh viên ngành Công nghệ thực phẩm, phát biểu tại buổi họp mặt truyền thống 40 năm thành lập ngành Chế biến - Công nghệ thực phẩm |
Bộ môn Công nghệ thực phẩm với tên gọi ban đầu là Bộ môn Chế biến thuộc Khoa Chăn nuôi - Thủy sản - Chế biến thực phẩm, được thành lập ngày 12/5/1978. Năm 1981, Bộ môn Chế biến được phát triển thành Khoa Bảo quản và Chế biến nông sản, sau đó đổi tên thành Khoa Công nghệ thực phẩm. Từ năm 1996, Khoa Công nghệ thực phẩm được chuyển thành Bộ môn Công nghệ thực phẩm thuộc Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng.
Hiện tại Bộ môn có 07 phó giáo sư, 06 tiến sĩ, 06 nghiên cứu sinh, 04 thạc sĩ và 05 kỹ sư đang công tác. Hàng năm có khoảng 200-250 sinh viên đại học, 10-20 học viên cao học, 1-4 nghiên cứu sinh tiến sĩ. Bộ môn đang quản lý khoảng 800 sinh viên và học viên sau đại học. Trong khuôn khổ Dự án Nâng cấp Trường ĐHCT, năm 2019, 07 phòng nghiên cứu mới sẽ được xây dựng với nhiều trang thiết bị nghiên cứu và giảng dạy hiện đại. Đến năm 2020, Bộ môn Công nghệ thực phẩm sẽ sát nhập với Viện Công nghệ sinh học để trở thành Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm.
PGS.TS. Nguyễn Công Hà, Trưởng Bộ môn Công nghệ thực phẩm giới thiệu về định hướng phát triển của Bộ môn |
Trải qua 40 năm hình thành và phát triển, với sự nỗ lực không ngừng của các thế hệ thầy và trò của Bộ môn Công nghệ thực phẩm đã xây dựng Bộ môn ngày càng lớn mạnh và có uy tín trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm như hiện nay. Đây là niềm tự hào cho những thế hệ cán bộ, sinh viên đã từng công tác, học tập và đóng góp cho sự phát triển không ngừng của Bộ môn nói riêng và cho Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, và Trường ĐHCT nói chung.
Buổi họp mặt nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập ngành Chế biến - Công nghệ thực phẩm nhằm tạo điều kiện cho các thầy, cô giáo và sinh viên các khóa có dịp gặp nhau để ôn lại những kỷ niệm buồn vui khi còn trên giảng đường đại học; đồng thời, bạn bè giữa các khóa có cơ hội gặp lại nhau để học hỏi, để chia sẻ những kinh nghiệm, những thành tựu trong cuộc sống, những cơ hội phát triển mới để tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của ngành trong thời gian tới.
PGS.TS. Lê Nguyễn Đoan Duy, Thư ký Hội Cựu sinh viên nhiệm kỳ 2012-2017 báo cáo tóm tắt hoạt động hỗ trợ sinh viên của Hội |
Phát biểu tại buổi họp mặt, GS.TS. Hà Thanh Toàn chia sẻ tình hình hiện tại của Trường ĐHCT, là một trong bốn trường hàng đầu của Việt Nam với hơn 50 năm hình thành và phát triển, Trường ĐHCT hiện có khoảng 47.000 sinh viên với gần 2.000 cán bộ, trong đó, có 11 giáo sư, 139 phó giáo sư, gần 400 tiến sĩ với đội ngũ cán bộ trình độ cao nhằm mục tiêu không ngừng đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo. Đặc biệt, Trường đang triển khai thực hiện Dự án Nâng cấp Trường ĐHCT sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản với tổng số vốn là 105 triệu USD nhằm nâng cấp Trường ĐHCT thành trường đại học xuất sắc, đạt chuẩn quốc tế về đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và quản trị đại học. Đây là nguồn lực quan trọng để xây dựng Trường ĐHCT lên đẳng cấp mới, ngang tầm với các trường đại học trong khu vực và thế giới.
Đối với Trường ĐHCT, "Sinh viên là đối tượng phục vụ hàng đầu của Nhà trường", việc các em tham gia vào thị tường lao động năng động trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, thì việc đào tạo tay nghề thật giỏi cho sinh viên là chưa đủ. Do đó, hàng năm, Trường dành ngân sách khoảng gần 2 tỷ đồng cho sinh viên đi giao lưu, học hỏi, học tập ngắn hạn ở nước ngoài nhằm tạo cơ hội cho các em phát triển các kỹ năng, trước tiên là khả năng tiếng Anh, bên cạnh đó, giúp các em cập nhật kiến thức, có thêm sự hiểu biết, đồng thời, xây dựng và phát triển các mối quan hệ tốt đẹp trong tương lai. Ngoài ra, Trường đang tiến hành xây dựng "Công viên quốc tế" tại Khu 2 với sự hỗ trợ của Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ và Tổng Lãnh sự Pháp, nhằm tạo không gian để các em có thể thực hành, thực tập, trau dồi vốn ngoại ngữ và các kỹ năng khác.
Trong chiến lược nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cho xã hội, Nhà trường luôn chú trọng hợp tác, liên kết với doanh nghiệp trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận môi trường làm việc thực tế, nâng cao tay nghề khi tham gia thị trường lao động. Vì vậy, việc họp mặt của cựu sinh viên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự kết nối giữa cựu sinh viên các ngành và Nhà trường hay nói cách khác là giữa Nhà trường và các doanh nghiệp, phát triển từ cái nôi đào tạo Trường ĐHCT. Hiệu trưởng mong muốn các cựu sinh viên hay các nhà doanh nghiệp sẽ là những người chia sẻ, tư vấn, hỗ trợ, tạo cơ hội cho các thế hệ sinh viên tiếp theo phát triển sự sáng tạo, xây dựng chương trình khởi nghiệp, phát triển hơn nữa các sản phẩm đặc thù của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, bên cạnh đó, kêu gọi sự tiếp tục hỗ trợ, hợp tác của các cựu sinh viên về những vấn đề như: góp ý cho việc xây dựng chương trình đào tạo, phối hợp trong đào tạo, các hoạt động sản xuất-dịch vụ và nghiên cứu khoa học,...tiếp tục đóng góp cho sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của Nhà trường.
Đại biểu chia sẻ cảm xúc ngày họp mặt và đóng góp ý kiến cho sự phát triển của ngành và cho hoạt động của Hội |
Ban Chấp hành Hội Cựu sinh viên liên ngành Công nghệ thực phẩm - Công nghệ sau thu hoạch nhiệm kỳ 2018-2020 |
Nhằm tạo sự gắn kết các nhà khoa học, giảng viên tại các trường và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm ở ĐBSCL, thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực này đáp ứng yêu cầu hội nhập, dựa trên đề nghị của Trường ĐHCT, Hội Khoa học và Công nghệ Lương thực Thực phẩm Việt Nam quyết định thành lập Chi hội Khoa học và Công nghệ Lương thực Thực phẩm Việt Nam tại ĐBSCL, GS.TS. Lưu Duẩn, Phó Chủ tịch Hội đọc quyết định |
GS.TS. Lưu Duẩn trao quyết định và quà tặng đến PGS.TS. Nguyễn Văn Mười, đại diện Chi hội |
Tiếp nối truyền thống hiếu học và vì thế hệ trẻ, Hội đã trao học bổng cho các em sinh viên của ngành Công nghệ thực phẩm vượt khó học tốt |
Trao cờ luân lưu tổ chức Họp mặt kỷ niệm 42 năm thành lập ngành vào năm 2020 |
(Tin, ảnh: Trung tâm Thông tin và Quản trị mạng)