Sáng ngày 31/3/2025, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) phối hợp cùng Tổ chức Đại học Pháp ngữ (Agence Universitaire de la Francophonie - AUF) và các thành viên thuộc dự án tổ chức Hội thảo quốc tế khởi động dự án với chủ đề “Hệ sinh thái công nghệ số trong giáo dục đại học Việt Nam theo các chuẩn mực quốc tế: Hiện trạng và triển vọng”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án Eramus+ (European Community Action Scheme for the Mobility of University Students) “Thúc đẩy phát triển hệ sinh thái công nghệ số trong giáo dục đại học tại Việt Nam (ACCEES)”.
Lễ khai mạc được tổ chức tại Trung tâm Học liệu, Trường ĐHCT
Tham dự chương trình có GS. Nicolas Maïnetti - Giám đốc Khu vực, Tổ chức Đại học Pháp ngữ Châu Á - Thái Bình Dương; đại diện Cục Thông tin, Thống kê, Bộ Khoa học và Công nghệ; cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện các trường đại học trong nước và quốc tế. Về phía Trường ĐHCT có PGS. TS. Nguyễn Hiếu Trung - Phó Hiệu trưởng; đại diện Ban Giám hiệu Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông; cùng đại diện các đơn vị liên quan và đông đảo sinh viên Trường.
Chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết tại châu Á - Thái Bình Dương nói chung và tại Việt Nam nói riêng; được thể hiện rõ qua “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/06/2020 với nhiều yêu cầu thay đổi và mục tiêu to lớn về chuyển đổi số cần đạt trong mọi lĩnh vực, kể cả giáo dục và đào tạo. Thực hiện theo định hướng đó, Trường ĐHCT cùng với Tổ chức Đại học Pháp ngữ, các cơ quan quản lý Nhà nước, 03 trường đại học ở Châu Âu, 10 trường đại học tại Việt Nam và hơn 10 doanh nghiệp đã cùng nhau xây dựng dự án “Thúc đẩy phát triển hệ sinh thái công nghệ số trong giáo dục đại học tại Việt Nam” gọi tắt là ACCEES.
PGS. TS. Nguyễn Hiếu Trung phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Hiếu Trung nhấn mạnh vai trò quan trọng của hệ sinh thái công nghệ số trong giáo dục đại học, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu. Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCT khẳng định, việc ứng dụng công nghệ số không chỉ nâng cao chất lượng đào tạo, mà còn thúc đẩy nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, góp phần nâng cao vị thế và năng lực cạnh tranh của các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam. Hội thảo lần này là một diễn đàn quan trọng để các chuyên gia, nhà nghiên cứu và các bên liên quan cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận về các giải pháp nhằm phát triển hệ sinh thái công nghệ số một cách bền vững và hiệu quả. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để tạo điều kiện thuận lợi cho các bên tham gia dự án, giúp việc triển khai đạt được kết quả tối ưu, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của giáo dục đại học trong thời kỳ số hóa; các đối tác sẽ cùng đồng hành, gắn kết chặt chẽ để xây dựng một khối liên minh vững chắc, từ đó thực hiện hiệu quả các chương trình đổi mới giáo dục theo hướng số hóa, góp phần phát triển nền giáo dục đại học tiên tiến, hội nhập quốc tế.
GS. Nicolas Maïnetti bày tỏ mong muốn xây dựng một hệ sinh thái công nghệ số tại Việt Nam
Trong khuôn khổ hội thảo, GS. Nicolas Maïnetti bày tỏ mong muốn xây dựng một hệ sinh thái công nghệ số vững chắc, giúp sinh viên và giảng viên tiếp cận tốt hơn với các tài nguyên học thuật quốc tế. Ông chia sẻ thêm, việc xây dựng một hệ sinh thái công nghệ số là công việc đặc biệt khó khăn và đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp công nghệ và các tổ chức nghiên cứu. Điều này không chỉ giúp mở rộng khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên học thuật mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc đào tạo, nghiên cứu và phát triển sáng tạo trong môi trường giáo dục đại học.
Tại buổi khai mạc, hội thảo đã ghi nhận những tham luận quan trọng từ các chuyên gia hàng đầu, mang đến góc nhìn đa chiều về hệ sinh thái công nghệ số trong giáo dục đại học. Các báo cáo tập trung vào những vấn đề cốt lõi như chính sách hỗ trợ chuyển đổi số, kinh nghiệm triển khai tại các trường đại học, cũng như các mô hình đào tạo tiên tiến tích hợp công nghệ. Đặc biệt, những nghiên cứu về ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và phương pháp giảng dạy đổi mới đã mở ra nhiều triển vọng phát triển, góp phần thúc đẩy giáo dục đại học Việt Nam hội nhập sâu rộng với chuẩn mực quốc tế.
ThS. Trần Thị Hải Yến - Phó Giám đốc Thư viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Cục thông tin, Thống kê, Bộ Khoa học và Công nghệ tham luận về “Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NASATI) với những hoạt động hỗ trợ thúc đẩy hệ sinh thái số giáo dục đại học tại Việt Nam”
TS. Ngô Bá Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Trường ĐHCT tham luận về “Hệ sinh thái công nghệ số trong giáo dục đại học: Kinh nghiệm và hiện trạng tại Trường ĐHCT”
GS. Stephen Billet - Đại học Griffith (Úc) tham luận về “Tổ chức học tập và đổi mới sáng tạo thông qua mô hình đào tạo đại học tích hợp việc làm”
Hội thảo là diễn đàn quan trọng để các chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý trao đổi kinh nghiệm, cập nhật xu hướng và đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy hệ sinh thái công nghệ số trong giáo dục đại học Việt Nam. Trường ĐHCT, với vai trò là một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực khoa học - công nghệ và chuyển đổi số tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục khẳng định sứ mệnh của mình thông qua các hoạt động nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và phục vụ cộng đồng; ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu; hướng tới nền giáo dục đại học hiện đại, kết nối toàn cầu, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự phát triển bền vững của đất nước.
Ảnh lưu niệm
(Ban Biên tập Website)