Tân sinh viên           Người học         Viên chức           Cựu sinh viên         EN

Khóa tập huấn “Người nuôi tôm chuyên nghiệp”

Sáng ngày 29/12/2023, tại Trường Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) khai mạc Khóa tập huấn “Người nuôi tôm chuyên nghiệp” đợt 2 trong khuôn khổ dự án “Xây dựng tổ nhóm đổi mới sáng tạo trong nuôi trồng thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long” thuộc Chương trình “Dự án Nông nghiệp và Thực phẩm” gọi tắt là MAIC - RAF, do tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung (CSIRO) Úc tài trợ, thuộc Chương trình đổi mới sáng tạo hợp tác giữa Bộ Ngoại giao và Đầu tư - Úc và Bộ Khoa học và Công nghệ - Việt Nam.

Tham dự khóa tập huấn có GS.TS. Vũ Ngọc Út, Hiệu trưởng Trường Thủy sản; Ông Hồ Minh Phong, Điều phối hiện trường của Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ); Bà Quách Thị Thanh Bình, Chi cục trưởng, Chi cục Thủy sản Sóc Trăng; đại diện Chi cục Thủy sản và Thú y, Trạm khuyến nông, đại diện các Hợp tác xã và các Nông hộ nuôi tôm trong khu vực tỉnh Sóc Trăng cùng các giảng viên, cán bộ của Trường ĐHCT.

Toàn cảnh khóa tập huấn

Khóa tập huấn diễn ra trong 3 ngày từ ngày 29/12 đến ngày 31/12, nội dung gồm 10 chuyên đề: (1) Nguyên lý và nuôi tôm công nghệ cao, thân thiện môi trường, an toàn và bền vững; (2) Dinh dưỡng và thức ăn nuôi tôm; (3) Quản lý môi trường nuôi tôm; (4) Quản lý sức khỏe nuôi tôm; (5) Môi trường và biến đổi khí hậu: Nguyên lý và thích ứng Biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long; (6) Nguyên lý và ứng dụng năng lượng xanh trong nuôi trồng thủy sản; (7) Nguyên lý và ứng dụng Công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong thủy sản và ngành tôm; (8) Kinh tế thủy sản: Kinh tế trang trại, kinh doanh thủy sản, chuỗi giá trị, kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh và bền vững, vai trò của phụ nữ và Thúc đẩy bình đẳng giới, khuyết tật và hòa nhập xã hội (GEDSI) trong thủy sản; (9) Chứng nhận trong thủy sản và ngành tôm; (10) Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; cùng với buổi tham quan thực tế phòng thí nghiệm, trại thực nghiệm thủy sản, trại tôm, mô hình nuôi tôm tại Trường ĐHCT.

Phát biểu khai mạc, GS.TS. Vũ Ngọc Út chia sẻ, Trường Thủy sản không ngừng phát triển các công trình nghiên cứu và tích lũy được nhiều kinh nghiệm cả về mặt giảng dạy và thực tế. GS.TS. Vũ Ngọc Út mong muốn khóa tập huấn sẽ truyền tải những kiến thức cốt lõi nhất để người dân có cơ sở để triển khai vào thực tế, bên cạnh đó học hỏi và rút kinh nghiệm cùng phát triển.

GS.TS. Vũ Ngọc Út phát biểu khai mạc khóa tập huấn

Cũng tại khóa tập huấn, Ông Hồ Minh Phong chia sẻ mục tiêu của dự án là nhân rộng và ứng dụng những công nghệ đổi mới sáng tạo trong thủy sản để hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững ở Việt Nam. Bên cạnh đó, khóa tập huấn nhằm nâng cao năng lực, tri thức cho người nuôi tôm, ứng dụng việc nuôi tôm theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, giúp người dân trở thành người nuôi tôm chuyên nghiệp, góp phần phát triển kinh tế cho người dân nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Ông Hồ Minh Phong chia sẻ tại khóa tập huấn

Phát biểu tại khóa tập huấn, Bà Quách Thị Thanh Bình cho biết khóa tập huấn có ý nghĩa rất lớn đối với ngành nuôi tôm ở tỉnh Sóc Trăng. Khóa tập huấn đã thay đổi được tư duy trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức về nuôi trồng tôm. Đồng thời, tạo cơ hội cho học viên có thời gian nghiên cứu rút kinh nghiệm, tiếp thu những kiến thức mới để vận dụng cho vụ nuôi mới trong năm 2024.

Bà Quách Thị Thanh Bình phát biểu tại khóa tập huấn

Với kinh nghiệm và kiến thức của các giảng viên, cán bộ từ Trường ĐHCT kết hợp với thực hành trong buổi tham quan thực tế tại Trường, đây sẽ là cơ hội quý báu để nâng cao khả năng quản lý và kỹ năng chăm sóc tôm, tiếp cận với cơ sở hiện đại. Đồng thời, khóa tập huấn hướng đến mục tiêu chuyên nghiệp hóa ngành nuôi tôm tại địa phương, từ đó tăng cường hiệu suất sản xuất và đảm bảo tính bền vững cho ngành nuôi tôm.

(Ban Biên tập)

 


 

Lượt xem: 183

DỊCH VỤ TIỆN ÍCH

THÔNG TIN

CÔNG KHAI