Ngày 10/6/2019, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) đã có buổi làm việc với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) về tiến trình thực hiện Dự án Hỗ trợ kỹ thuật và Dự án Nâng cấp Trường ĐHCT.
Tham dự buổi làm việc có đại diện JICA, Văn phòng JICA Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, Văn phòng Dự án JICA tại Trường ĐHCT. Về phía trường ĐHCT, có đại diện Ban Giám hiệu, Ban Quản lý Dự án ODA, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, điều phối viên các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, môi trường.
Buổi làm việc với JICA tại Phòng họp 1, Nhà Điều hành |
GS.TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT, phát biểu chào mừng đoàn JICA và thông tin một số kết quả quan trọng trong thực hiện dự án |
Tại buổi làm việc, phía Trường ĐHCT đã báo cáo tiến độ thực hiện Dự án Hỗ trợ kỹ thuật từ tháng 3/2016 đến tháng 5/2019 và Dự án Nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ từ tháng 10/2015 đến tháng 5/2019. Trên cơ sở đó, hai bên đã tiến hành đánh giá, thảo luận phương hướng tiếp theo của dự án, đặc biệt, đề xuất giai đoạn 2 (2021-2026) của Dự án Hỗ trợ kỹ thuật.
PGS.TS. Lê Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCT, tóm tắt những kết quả chính của dự án |
Theo đó, Dự án "Nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ" được thực hiện với mục tiêu nâng cấp Trường ĐHCT thành trường đại học xuất sắc, được quốc tế công nhận trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, môi trường và các lĩnh vực liên quan, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, gia tăng giá trị nông nghiệp và thủy sản ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA của chính phủ Nhật Bản với tổng vốn trên 100 triệu USD và triển khai thực hiện từ tháng 7 năm 2015 đến tháng 12 năm 2022. Dự án bao gồm 05 hợp phần chính: (1) phát triển nguồn nhân lực, (2) thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học, (3) xây dựng cơ sở vật chất (4) đầu tư trang thiết bị và (5) dịch vụ tư vấn.
Những kết quả chính của Dự án đến tháng 5/2019 như: 33 giảng viên theo học chương trình Tiến sĩ và 06 cán bộ theo học chương trình Thạc sĩ tại Nhật Bản; 24 giảng viên và nghiên cứu viên hoàn thành khóa đào tạo ngắn hạn; 35/36 chương trình nghiên cứu được triển khai; hoàn thành gói thầu 2-1 "Mua sắm trang thiết bị cho các phòng thí nghiệm hiện hữu".
Với mục tiêu hỗ trợ thực hiện Dự án "Nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ", Dự án Hỗ trợ kỹ thuật "Tăng cường năng lực Trường Đại học Cần Thơ thành trường xuất sắc về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ" sử dụng viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản được triển khai thực hiện từ tháng 3 năm 2016. Các hợp phần quan trọng của Dự án Hỗ trợ kỹ thuật là thực hiện dự án nghiên cứu chung kiểu mẫu giữa các nhà nghiên cứu của Trường ĐHCT và các trường đối tác Nhật Bản và tăng cường năng lực đào tạo nhằm phát triển các chương trình đào tạo mới và kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.
Sau hơn ba năm triển khai, Dự án Hỗ trợ kỹ thuật đã đạt được những kết quả chính như: triển khai 04 đề tài nghiên cứu chung kiểu mẫu; 19 học viên tham gia khóa đào tạo ngắn hạn về vận hành và quản lý trang thiết bị; 09 học viên được đào tạo về quản lý; hơn 100 lượt chuyên gia Nhật Bản tham gia hỗ trợ ngắn hạn tại Trường ĐHCT trong các hoạt động nghiên cứu, hỗ trợ kỹ thuật, giảng dạy; 03 chương trình đào tạo thạc sĩ bằng tiếng Anh tuyển sinh từ tháng 10/2018 gồm: Biến đổi khí hậu và Nông nghiệp nhiệt đới bền vững (Climate Change and Sustainable Tropical Agriculture), Biến đổi khí hậu và Quản lý tổng hợp vùng ven biển về nuôi trồng thủy sản (Climate Change and Integrated Management of Coastal Aquaculture and Fisheries), và Biến đổi khí hậu và Quản lý đồng bằng (Climate Change and Delta Management).
Theo dự kiến, giai đoạn 2 của Dự án Hỗ trợ kỹ thuật được thực hiện từ năm 2021 đến 2026 với mục tiêu tăng cường hợp tác, chia sẻ cơ hội và thách thức giữa các bên liên quan (chính quyền, nhà khoa học, cộng đồng, ngành công nghiệp và thương mại) tập trung vào ba lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản và môi trường nhằm tăng khả năng phục hồi và thích ứng với biến đổi khí hậu cho sự phát triển bền vững của Đồng bằng sông Cửu Long. Hoạt động chính của dự án gồm: hợp tác về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, thành lập Trung tâm Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên.
(Tin, ảnh: Trung tâm Thông tin và Quản trị mạng)