Trường Đại học Cần Thơ đang chủ trì thực hiện Dự án “Xây dựng tổ nhóm đổi mới sáng tạo trong nuôi thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long” (Mekong Aquaculture Innovation Cluster - MAIC), thuộc Chương trình “Dự án Nông nghiệp và thực phẩm” do Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung (CSIRO), Úc tài trợ, thuộc Chương trình đổi mới sáng tạo hợp tác giữa Bộ Ngoại Giao và Đầu tư, Úc và Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam. Dự án là một trong những hoạt động tích cực thuộc Diễn đàn phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (SDMD 2045). Sáng ngày 03/6/2022, Trường Đại học Cần Thơ và Tổ chức CSIRO chính thức khởi động Dự án.
Tham dự lễ khởi động có đại diện lãnh đạo CSIRO; Tổng cục thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; cơ quan, sở ngành địa phương; các doanh nghiệp dịch vụ trong chuỗi giá trị (con giống, thức ăn, thuốc-hóa chất, chế biến xuất khẩu, chứng nhận,…), người nuôi tôm thâm canh và mô hình tôm-lúa; đại diện lãnh đạo Trường Đại học Cần Thơ và các đơn vị trực thuộc Trường.
Lễ khởi động Dự án MAIC tại Trường Đại học Cần Thơ |
Đại diện các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nông dân tham gia bằng hình thức trực tuyến |
Thủy sản, đặc biệt là tôm biển nước ta và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngày càng phát triển năng động, nhanh chóng; đa dạng về đối tượng, mô hình, kỹ thuật, quy mô, hình thức tổ chức và mục tiêu. Ngành thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng có nhiều cơ hội lớn của bối cảnh chung thế giới và trong nước, như: toàn cầu hóa và hội nhập, công nghiệp hóa - hiện đại hóa, cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững,... Tuy nhiên, ngành thủy sản và ngành tôm nói riêng đang gặp nhiều vấn đề đáng quan tâm như: biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, an toàn thực phẩm, liên kết chuỗi ngành hàng,…
GS.TS. Trần Ngọc hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCT, giới thiệu về Dự án MAIC |
Dự án MAIC được thực hiện với mục tiêu tăng cường kết nối, tương tác, trao đổi thông tin giữa các bên liên quan nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, chuyển đổi số, sản xuất xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, truy xuất nguồn gốc và phát triển kinh tế tuần hoàn, để góp phần phát triển bền vững ngành thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm nước lợ ở ĐBSCL. Dự án sẽ tăng cường kết nối, tương tác, trao đổi thông tin kỹ thuật, đổi mới sáng tạo các lĩnh vực trên giữa các bên liên quan, gồm: nhà quản lý, nhà khoa học, công ty, doanh nghiệp, hiệp hội và nông dân các lĩnh vực liên quan thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm nước lợ, thông qua nhiều phương thức hoạt động khác nhau như: diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tập huấn và các nền tảng,...
Ban điều phối của Dự án gồm 19 thành viên từ Trường Đại học Cần Thơ và Tổ chức CSIRO. Đến nay, Dự án MAIC có hơn 110 thành viên bên cạnh các đối tác và đơn vị phối hợp gồm: 20 cơ quan, sở ngành, trung tâm, chi cục ở ĐBSCL; 12 doanh nghiệp và 8 viện, trường.
Bà Jennifer Kelly, Trưởng Dự án MAIC - RAF, phát biểu |
Bà Jennifer Kelly, Trưởng Dự án MAIC - RAF, chia sẻ Dự án là cơ hội tốt nhằm phát triển ngành thủy sản của ĐBSCL thông qua việc xúc tiến cách tiếp cận mới lạ, độc đáo của "tổ nhóm đổi mới sáng tạo" nhằm hỗ trợ thảo luận các chính sách, các sáng kiến đổi mới sáng tạo định hướng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và môi trường của Việt Nam. Hiệu quả của dự án tổ nhóm đổi mới sáng tạo đã được thế giới công nhận, khi đạt được mục tiêu tận dụng các thế mạnh của các đối tác và khai thác sự đa dạng để phát triển cũng như nhận thấy được các lợi ích giữa các bên liên quan. Bà Jennifer Kelly hy vọng rằng thông qua Dự án này cùng với sự phối hợp của các bên liên quan, trong đó Trường Đại học Cần Thơ với vai trò là một trong những đối tác quan trọng, vùng ĐBSCL sẽ tìm ra được giải pháp cũng như cơ hội xây dựng mối quan hệ hợp tác mới nhằm hỗ trợ phát triển đổi mới sáng tạo, đạt được mục tiêu phát triển bền vững của vùng và tạo lợi thế cạnh tranh lâu dài trên thị trường ngành thủy sản.
PGS.TS. Nguyễn Nguyên Minh, Tổ chức CSIRO, chia sẻ về cơ hội và tiềm năng cho sự phát triển bền vững của vùng ĐBSCL từ Dự án MAIC |
Tại buổi lễ khởi động, nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ thông tin và góc nhìn của nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà nông về cơ hội lẫn thách thức, tiềm năng phát triển của vùng. Đại diện các bên liên quan đánh giá cao nội dung chủ đề của Diễn đàn SDMD 2045 do Trường Đại học Cần Thơ khởi xướng và chủ trì, từ đó cam kết đồng hành cùng Nhà trường khai thác tiềm năng, lợi thế, giải quyết những thách thức đạt ra nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững vùng ĐBSCL.
TS. Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng, Tổng cục thủy sản, Bộ NN&PTNT, phát biểu |
Đại diện nhà doanh nghiệp, ông Đặng Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty Nuôi tôm Công nghệ cao Bạc Liêu, phát biểu |
Chia sẻ của ông Huỳnh Quốc Khởi, Giám đốc Trung tâm Khuyến Nông Bạc Liêu, đại diện nhà quản lý |
GS.TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, phát biểu |
Phát biểu tổng kết lễ khởi động Dự án, GS.TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, tin tưởng mô hình liên kết giữa CSIRO - Trường Đại học Cần Thơ - Địa phương là mô hình tiên tiến, đem lại hiệu quả cho các bên liên quan và đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ cộng đồng. Đây chính là cầu nối quan trọng để thực hiện phát triển thủy sản bền vững ở ĐBSCL. Trong bối cảnh thuận lợi - thách thức mới, Trường Đại học Cần Thơ luôn cam kết đồng hành cùng các cơ quan, đơn vị, đặc biệt kết nối các tổ chức quốc tế, để thực hiện tốt nhất sứ mệnh và trách nhiệm xã hội, góp phần phát triển bền vững ĐBSCL.
(Ban Biên tập)