Tân sinh viên           Người học         Viên chức           Cựu sinh viên         EN

Lễ Kỷ niệm 55 năm thành lập Trường - Công bố Quyết định công nhận Hiệu trưởng, Bổ nhiệm và Bổ nhiệm lại các Phó Hiệu trưởng nhiệm kỳ 2020-2025

Trong không khí phấn khởi cùng cả nước chào mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, nô nức chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội dồng nhân dân các cấp, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 55 năm ngày thành lập (31/3/1966-31/3/2021) và công bố Quyết định công nhận Hiệu trưởng, bổ nhiệm và bổ nhiệm lại các Phó Hiệu trưởng Trường nhiệm kỳ 2020-2025.

Buổi lễ vinh dự đón tiếp PGS.TS. Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT); đại diện lãnh đạo Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ GD&ĐT; ông Phan Văn Mãi, UVBCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre; đại diện lãnh đạo Bộ tư lệnh Quân khu 9; Cục Chính trị Quân khu 9; Thành ủy, Tỉnh ủy, UBND, các sở ban ngành, đoàn thể, công ty, doanh nghiệp các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); đại diện các viện, trường trong cả nước; quý thầy, cô nguyên là lãnh đạo đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp trong trường; cùng các cựu sinh viên. Buổi lễ còn vinh dự có sự góp mặt của bạn bè quốc tế như: Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam; các viện, trường đối tác, đoàn khách quốc tế; các giáo sư, chuyên gia và đại diện các tổ chức nước ngoài đang giảng dạy, công tác, nghiên cứu, học tập tại Trường.

Lễ Kỷ niệm 55 năm thành lập Trường - Công bố Quyết định công nhận Hiệu trưởng, Bổ nhiệm và Bổ nhiệm lại các Phó Hiệu trưởng nhiệm kỳ 2020-2025


Mở đầu buổi lễ, đại diện Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ GD&ĐT đã thông qua Quyết định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc công nhận GS.TS. Hà Thanh Toàn giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường ĐHCT nhiệm kỳ 2020-2025. Bên cạnh đó, đại diện Phòng Tổ chức Cán bộ, Trường ĐHCT đã thông qua Nghị quyết của Hội đồng trường Trường ĐHCT về việc bổ nhiệm lại PGS.TS. Trần Trung Tính giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng và bổ nhiệm GS.TS. Trần Ngọc Hải và PGS.TS. Nguyễn Hiếu Trung giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng nhiệm kỳ 2020-2025. Như vậy, sau khi Đại hội Đại biểu Đảng bộ Trường ĐHCT lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 thành công tốt đẹp, Quyết định thành lập Hội đồng trường và bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng trường được thông qua, nhân sự Ban Giám hiệu của nhà trường đã được xác định. Hiện tại, Trường ĐHCT đã kiện toàn bộ máy lãnh đạo, đây là cơ sở quan trọng để bộ máy quản lý nhà trường phát huy vai trò, năng lực và đưa ra những định hướng, chiến lược mới, phù hợp đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nhà trường, mở ra một giai đoạn mới cho sự phát triển mạnh mẽ hơn của Trường ĐHCT trong tương lai.

PGS.TS. Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT trao Quyết định công nhận Hiệu trưởng Trường ĐHCT nhiệm kỳ 2020-2025

 

GS.TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT trao Quyết định bổ nhiệm và bổ nhiệm lại các Phó Hiệu trưởng nhiệm kỳ 2020-2025


Trải qua 55 năm xây dựng và phát triển, Trường ĐHCT đã không ngừng phấn đấu và trưởng thành, đóng góp vai trò quan trọng trong việc đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, góp phần thiết thực phát triển kinh tế xã hội của vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung. Tại buổi lễ, GS.TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT đã tóm tắt quá trình hình thành và những đóng góp nổi bật của Trường trong 55 năm qua. Theo đó, Trường ĐHCT, tiền thân là Viện ĐHCT, được thành lập ngày 31/3/1966 trên mảnh đất đồng bằng vốn trù phú về tài nguyên thiên nhiên nhưng lại hạn hẹp về nguồn nhân lực. Sau ngày 30/4/1975 thống nhất đất nước, Viện ĐHCT được đổi tên thành Trường ĐHCT.

Từ khi thành lập, Viện ĐHCT đã xác định là một cơ sở đào tạo đa ngành đa lĩnh vực và vẫn giữ mô hình này trên đến tận ngày nay. Khởi đầu chỉ có 4 ngành đào tạo (Khoa học, Luật khoa và khoa học xã hội, Văn khoa và Sư phạm) với 975 sinh viên, đến nay nhà trường đã có 99 ngành/chuyên ngành đào tạo trình độ đại học, 52 ngành/ chuyên ngành trình độ thạc sĩ và 19 ngành trình độ tiến sĩ với tổng số gần 48.000 sinh viên và học viên. Trường ĐHCT đã đào tạo cho vùng ĐBSCL và cả nước 207 tiến sĩ, 11.550 thạc sĩ, 198.663 giáo viên, bác sĩ, kỹ sư, cử nhân trình độ đại học và 1.220 cử nhân trình độ cao đẳng thuộc nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, nhiều cựu sinh viên và học viên của Trường đã và đang giữ nhiều trọng trách ở các địa phương và lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước.

GS.TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT tổng kết quá trình hình thành và phát triển của Trường ĐHCT, những thành tựu mà Trường đã đạt được và định hướng phát triển Trường ĐHCT trong thời gian tới


Không chỉ chú trọng nâng cao chất lượng công tác đào tạo đại học và sau đại học, trong nhiều năm qua công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ (CGCN) của Trường cũng được chú trọng và đi vào chiều sâu, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội vùng ĐBSCL và cả nước. Nổi bật là chương trình nghiên cứu cải tạo đất phèn vùng ĐBSCL đã đưa gần 5 triệu ha đất phèn hoang hóa trong vùng đi vào sản xuất với năng suất, chất lượng cao; chương trình 60-02, điều tra cơ bản vùng ĐBSCL và chương trình Quy hoạch tổng thể giáo dục làm cơ sở cho quy hoạch phát triển sản xuất, kinh tế, văn hóa - xã hội trong vùng; chương trình nghiên cứu Tôm - Artémia đã thật sự cải thiện đời sống nhân dân nghèo ven biển Sóc Trăng và Bạc Liêu; chương trình nghiên cứu và sản xuất thức ăn tăng trọng, thuốc trừ sâu bệnh mang lại lợi ích to lớn cho sản xuất nông nghiệp cũng như nguồn kinh phí quý giá cho Trường trong giai đoạn khó khăn. Ngoài ra, chương trình nghiên cứu cây Lúa và hệ thống canh tác đã lai tạo và tuyển chọn giống lúa kháng rầy, năng suất cao và các hệ thống canh tác thích hợp; các nghiên cứu về xử lý dịch bệnh, nâng cao chất lượng cây ăn trái, chế biến bảo quản hoa quả,… đã góp phần xóa đói, giảm nghèo và tăng sản lượng xuất khẩu của vùng. Đặc biệt là thành công của chương trình nghiên cứu quy trình sản xuất và nuôi nhân tạo các giống cá tra đã mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân, góp phần đưa xuất khẩu thủy sản của ĐBSCL đứng đầu cả nước.

Một trong những thành tựu lớn nhất và cũng là sức mạnh nội lực quan trọng tạo nên những thành tựu trong hơn nửa thế kỷ qua chính là nhà trường đã được thừa hưởng một di sản vô giá về đội ngũ cán bộ giảng dạy, quản lý‎ và phục vụ đầy trí tuệ, năng động, sáng tạo, nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm và yêu nghề. Hiện nay, Trường có 1.815 viên chức và người lao động, trong đó có 15 Giáo sư, 141 Phó Giáo sư, 508 Tiến sĩ, 720 Thạc sĩ với năng lực chuyên môn và nghiệp vụ cao đã tạo nên sức mạnh đáng kể đảm bảo thực hiện tốt nhất nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong quá trình xây dựng và phát triển, Trường cũng từng bước tăng cường, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và các công tác khác của Trường. Khởi đầu chỉ với 1 khu giảng đường gồm 6 phòng học, chứa khoảng 600 sinh viên, 1 thư viện và 1 tòa viện trưởng, chủ yếu mượn thêm phòng học của các trường trung học trên địa bàn, Trường đã từng bước đầu tư xây dựng để thay thế toàn bộ các phòng học, nhà ở tạm bợ bằng nhà kiên cố. Nhiều công trình xây dựng của Trường được đầu tư xây dựng và trang bị như: Khoa Nông nghiệp, Khoa Thủy sản, Khoa Công nghệ, Khoa Khoa học Tự nhiên, Khoa Sư phạm, Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên, Khoa Phát triển Nông thôn, Nhà Điều hành, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng, Ký túc xá sinh viên,… đã làm bộ mặt của Trường ĐHCT ngày càng khang trang, hiện đại. Đặc biệt, Trường đã sớm triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giảng dạy và quản lý, đây là một bước đột phá nhằm hỗ trợ đội ngũ viên chức và người lao động thực hiện nhiệm vụ một cách chủ động, nhanh chóng và chuyên nghiệp. Đây cũng là cơ sở quan trọng để Trường thực hiện chuyển đổi số trong giai đoạn tiếp theo.

Trường ĐHCT cũng đạt được nhiều thành công trong lĩnh vực hợp tác quốc tế. Hiện tại, Trường đã có mối quan hệ hợp tác với hơn 130 viện, trường và tổ chức quốc tế. Bằng sự năng động của mình, Trường ĐHCT đã tranh thủ được một số dự án lớn như chương trình “Nâng cấp Khoa Nông nghiệp, ĐHCT” từ viện trợ của Chính phủ Nhật Bản (khoảng 23 triệu USD); chương trình MHO của Chính phủ Hà Lan (khoảng 13 triệu USD); chương trình VLIR của Chính phủ Bỉ (khoảng 7 triệu EUR); chương trình Trung tâm Học liệu của Tổ chức Atlantic Philanthropy (khoảng 9 triệu USD). Đặc biệt là Dự án Nâng cấp Trường ĐHCT sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản với tổng kinh phí khoảng 105 triệu USD đang được triển khai sẽ là một bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của ĐHCT.

Hiện nay, Trường đang được các tổ chức quốc tế xếp hạng cao trong nước và quốc tế. Trường ĐHCT nhiều năm liền thuộc nhóm năm trường tốt nhất Việt Nam (theo xếp hạng của Webometrics), nhóm 500 trường tốt nhất Châu Á (theo xếp hạng của QS) và đặc biệt trong năm 2020, lần đầu tiên lĩnh vực nông nghiệp của Trường (bao gồm Trồng trọt, Chăn nuôi – Thú y, Thuỷ sản) được xếp vào nhóm 251-300 của thế giới - thứ hạng cao nhất về lĩnh vực mà chưa có trường nào ở Việt Nam được xếp vào nhóm này.

Với nhiều thành tích trong quá trình phát triển và phục vụ, Trường được tặng nhiều phần thưởng cao quý: được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng ba và Hạng nhất, Huân chương Độc lập Hạng ba và Hạng nhì, được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế khác.

TS. Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ thừa ủy quyền của Thủ tướng trao bằng khen của Thủ tướng cho 2 tập thể (Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Phòng Tổ chức-Cán bộ) và 2 cá nhân (PGS.TS. Ngô Thị Phương Dung, GS.TS. NGUT. Cao Ngọc Điệp, Viện NC&PT Công nghệ sinh học) có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc

 

PGS.TS. Nguyễn Văn Phúc và GS.TS. Hà Thanh Toàn trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho 7 tập thể và 15 cá nhân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hai năm học liên tục (2018-2019 và 2019-2020)

 

Trao danh diệu "Tập thể Lao động xuất sắc" cho 18 tập thể đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2019-2020


Các xu hướng của giáo dục đại học đã và đang định hình là tập trung vào chất lượng đào tạo, quốc tế hóa trong đào tạo, hợp tác NCKH - CGCN và phát triển cộng đồng, số hóa trong giáo dục đại học. Trong bối cảnh mới và vai trò của mình đối với sự phát triển của vùng ĐBSCL và quốc gia, mục tiêu hướng tới của Nhà trường là xây dựng và phát triển Trường thành đơn vị tiên phong trong đổi mới sáng tạo, trong đào tạo, NCKH và CGCN để đóng góp hiệu quả vào sự phát triển của vùng và cả nước; phấn đấu đưa Trường ĐHCT thuộc nhóm các trường đại học hàng đầu khu vực Châu Á và thế giới ở một số lĩnh vực vào năm 2025. Để hiện thực hoá được mục này, Trường ĐHCT xác định các định hướng lớn trong giai đoạn năm năm tới và tầm nhìn đến năm 2035 như sau:

1. Phát triển mô hình của Trường ĐHCT theo hướng đại học tự chủ, đổi mới mạnh mẽ phương thức quản trị theo hướng đại học thông minh (smart university) với bộ máy tổ chức tinh gọn, hiệu quả.

2. Tiếp tục phát triển theo định hướng đa dạng ngành nghề, trình độ và hình thức đào tạo thích ứng yêu cầu thị trường lao động và nhu cầu người học; chuyển dịch mạnh từ lượng sang chất trong đào tạo, tiếp cận chuẩn mực quốc tế.

3. Tiếp tục phát triển và mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ trong nước, các địa phương, doanh nghiệp để cung cấp nguồn nhân lực, thúc đẩy hoạt động hợp tác trong đào tạo và NCKH - CGCN, phục vụ cộng đồng, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

4. Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất cho nghiên cứu và đào tạo; nâng tầm ảnh hưởng của Trường đối với sự phát triển giáo dục, kinh tế - xã hội và hội nhập xứng tầm vào cộng đồng giáo dục đại học quốc tế.

5. Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy, đặc biệt cán bộ đạt chuẩn Giáo sư, Phó Giáo sư; phấn đấu tỉ lệ tiến sĩ của Trường vượt 70% trong giai đoạn 5 năm tới và tiến đến cán bộ giảng dạy phải có trình độ tiến sĩ.

6. Phát triển cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu và xu hướng “thông minh” trong đào tạo và nghiên cứu, đảm bảo điều kiện học tập, rèn luyện và sinh hoạt cho sinh viên.

7. Nâng cao năng lực nghiên cứu, xuất bản phẩm, công bố quốc tế phải nằm trong nhóm các trường hàng đầu Việt Nam; phát triển khoa học và công nghệ theo định hướng hàm lượng trí tuệ cao phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội vùng và quốc gia.

8. Đẩy mạnh các hoạt động tạo nguồn thu phục vụ phát triển của Trường, phấn đấu trong năm năm tới nguồn thu của Trường vượt 1.000 tỷ đồng, từng bước chủ động nguồn thu để tiếp tục đầu tư phát triển nhà trường, đóng góp cho phát triển cộng đồng.

PGS.TS. Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT phát biểu chúc mừng Trường ĐHCT, đồng thời định hướng hoạt động phát triển Trường ĐHCT trong thời gian tới


Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, PGS.TS. Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đã gửi lời chúc mừng nồng nhiệt đến tập thể Trường ĐHCT với 55 xây dựng và phát triển, nhất là chúc mừng GS.TS. Hà Thành Toàn vừa được công nhận Hiệu trưởng và các Phó Hiệu trưởng được bổ nhiệm và bổ nhiệm lại. Dấu ấn 55 năm đã ghi nhận sự phát triển và trưởng thành của Trường ĐHCT với nhiều thành tựu lớn xứng đáng là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ lớn của cả nước. Có thể nói trong hệ thống các trường đại học hiện nay, với mô hình đào tạo đa ngành đa lĩnh vực, bộ máy tinh gọn, không ngừng phát triển về mọi mặt, Trường ĐHCT đang chứng tỏ đây là mô hình phát triển bền vững của một trung tâm đào tạo hàng đầu của ĐBSCL và của miền Nam nói chung, đóng góp xứng đáng vào hệ thống giáo dục của cả nước. Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, PGS.TS. Nguyễn Văn Phúc đề nghị nhà trường tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau: (1) rà soát lại chiến lược phát triển nhà trường theo định hướng đổi mới mạnh mẽ, phát triển nhanh, sớm đưa nhà trường vào top 1000 thế giới và top 100 của châu Á; (2) nhanh chóng thực hiện tốt chủ trương tự chủ trên tinh thần lấy chất lượng làm nền tảng; (3) sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả của Dự án Nâng câp Trường ĐHCT từ vốn vay của Chính phủ Nhật Bản; (4) rà soát chương trình đào tạo, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực ĐBSCL, khu vực phía Nam, nhất là những ngành gắn với đặc thù ĐBSCL; (5) nỗ lực phát huy, đi đầu về nghiên cứu khoa học, giải quyết vấn đề thực tiễn của ĐBSCL, tăng cường công bố quốc tế, nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ; (6) phát huy thế mạnh về hợp tác quốc tế, đẩy mạnh các chương trình, dự án quốc tế, giải quyết các vấn đề thực tiễn ĐBSCL, tăng cường liên kết với các nước bạn; (7) phối hợp chặt chẽ chính quyền địa phương, các viện trường,...

Trên cơ sở những thành tựu Trường đạt được cùng với những định hướng phát triển rõ ràng, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh: "Tôi tin tưởng Trường Đại học Cần Thơ sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới, thành công hơn, xứng đáng là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hàng đầu của Đồng bằng sông Cửu Long, của khu vực phía Nam và cả nước".

TS. Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ phát biểu tại buổi lễ


Đại diện lãnh đạo thành phố, TS. Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của nhà trường cho sự phát triển của thành phố thời gian qua. Thành ủy, UBND thành phố Cần Thơ nói riêng và lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL nói chung sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác tạo thuận lợi cho các hoạt động đào tạo, nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật của nhà trường, sẵn sàng chào đón sinh viên tốt nghiệp của trường trong quá trình xây dựng và phát triển của các tỉnh thành phố thuộc ĐBSCL. Để Trường ĐHCT phát huy vai trò là trường trọng điểm của quốc gia trong thời gian tới, TS. Trần Việt Trường đề nghị Nhà nước, Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương có sự quan tâm đẩy mạnh đầu tư chính đáng cho trường về mọi mặt, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho đào tạo và nghiên cứu khoa học. Về phía thành phố Cần Thơ, TS. Trần Việt Trường khẳng định thành phố sẽ tiếp tục đồng hành hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để Trường ĐHCT hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong tiến trình xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thành "thành phố sinh thái, văn minh hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL" không thể thiếu sự đồng hành của Trường ĐHCT, TS. Trần Việt Trường hy vọng Trường ĐHCT tiếp tục có nhiều đóng góp hơn nữa và tin tưởng rằng những kinh nghiệm và thành tựu đã đạt được trong thời gian qua sẽ là nền tảng để Trường ĐHCT phát huy và đạt được nhiều thành tích hơn nữa, thực hiên thắng lợi nhiệm vụ của nhà trường, nâng cao chất lượng, uy tín của Trường trong nước, trong khu vực và trên thế giới.

Ông Hồ Quang Cua, Anh hùng lao động, cựu sinh viên khóa 7 niên khóa 1972-1978 của Trường, chia sẻ cảm nghĩ, ôn lại kỷ niệm quý giá khi còn học dưới mái trường ĐHCT, chia sẻ về các giai đoạn phát triển của Trường, các hoạt động nổi bật của Trường qua các thế hệ và chúc mừng sự phát triển của Trường ĐHCT. Ông chia sẻ tâm đắc của mình về tư duy "dám nghĩ, dám dấn thân" mà nhà trường đã truyền cho các thế hệ sinh viên

 

PGS.TS. Lê Việt Dũng, Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCT giới thiệu quyển sách lịch sử "Trường Đại học Cần Thơ - Dấu ấn 55 năm", công trình mừng kỷ niệm 55 năm thành lập Trường ĐHCT, với mong muốn cung cấp một cách hệ thống những thông tin về lịch sử của Trường từ ngày thành lập đến nay giúp quý thầy cô, cựu sinh viên, sinh viên nói riêng và độc giả nói chung am hiểu sâu sắc hơn, tự hào hơn về ngôi trường ĐHCT


Với sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời và có hiệu quả của Đảng, Nhà nước, Bộ GD&ĐT, của lãnh đạo thành phố Cần Thơ và các tỉnh trong vùng ĐBSCL; sự ủng hộ, giúp đỡ chân tình của các cơ quan Trung ương và địa phương, của các tổ chức cá nhân trong nước và quốc tế cùng sự chung sức, chung lòng của tập thể nhà trường, Trường ĐHCT sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong bối cảnh hiện tại, không ngừng lớn mạnh, phát triển vượt bậc, đóng góp hiệu quả hơn nữa vào sự phát triển của vùng ĐBSCL và cả nước.

 

 

(Tin, ảnh: Tạp chí Khoa học Trường ĐHCT)

 

Lượt xem: 5507

DỊCH VỤ TIỆN ÍCH

THÔNG TIN

CÔNG KHAI