Từ “đơn đặt hàng” của lãnh đạo H.Hồng Dân (Bạc Liêu), các chuyên gia của Trường ĐH Cần Thơ đã phát hiện, chọn lọc và trồng thành công giống lúa “siêu chịu mặn”, gây chú ý trong giới khoa học nông nghiệp ĐBSCL
Đầu năm 2013, ông Võ Văn Út, Bí thư Huyện ủy Hồng Dân, hồ hởi cho biết huyện đã trồng thử nghiệm thành công và đưa vào sản xuất đại trà giống lúa “siêu chịu mặn” ở các xã: Ninh Thạnh Lợi, Ninh Thạnh Lợi A và Vĩnh Lộc. Cả 3 xã này đều nằm trong vùng nhiễm phèn, mặn gay gắt, trước đây chỉ trồng tràm, lá dừa nước và nuôi tôm nhưng năng suất thấp, tuyệt nhiên không thể trồng lúa. Năm 2009, huyện đã “đặt hàng” các chuyên gia Trường ĐH Cần Thơ để tìm ra giống lúa có thể chống chịu được với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng ở vùng đất được xem là khắc nghiệt bậc nhất khu vực ĐBSCL.
|
PGS-TS Võ Công Thành (Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng – Trường ĐH Cần Thơ) cho biết từ đặt hàng của lãnh đạo H.Hồng Dân, nhóm chuyên gia thuộc Khoa Nông nghiệp của trường đã chọn lọc từ trên 100 giống lúa thu thập được các vùng đất ngập nước ven biển thuộc các tỉnh ĐBSCL. Qua đó, đã chọn được giống lúa sổi, có nguồn gốc ở vùng ngập nước ven biển của H.Cần Giuộc (Long An) có khả năng kháng rầy, chịu phèn và đặc biệt có thể sinh trưởng trong điều kiện độ mặn của đất trên 10 phần ngàn. Giống lúa này được đưa vào trồng thử nghiệm vào năm 2010 trên diện tích 5 ha thuộc xã Vĩnh Lộc. Kết quả lúa nảy mầm và phát triển tốt trong điều kiện độ mặn của đất đo được là 10 phần ngàn và độ mặn của nước 9,2 phần ngàn. Vụ lúa trồng thử nghiệm (150 ngày) đã cho năng suất trên 4 tấn/ha. Theo ông Út, huyện đã tổ chức bao tiêu toàn bộ số lúa trên và đã triển khai trồng đại trà trên vùng “Đồng chó ngáp” thuộc 3 xã vừa nêu với diện tích 260 ha. Hiện lúa sinh trưởng tốt và bắt đầu cho thu hoạch, năng suất 4,5 tấn/ha.
Việc phát hiện, chọn lọc và đưa vào sản xuất thành công giống lúa sổi “siêu chịu mặn” ở H.Hồng Dân là tin vui không chỉ với địa phương này mà cả với các vùng đất rộng lớn đang bị nhiễm mặn, các vùng luân canh lúa - tôm và đặc biệt ở những nơi đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng. PGS-TS Thành cho biết vấn đề còn lại của giống lúa này là chất lượng hạt gạo (lúa tròn, cứng cơm). Hiện Trường ĐH Cần Thơ đang nghiên cứu cải thiện chất lượng hạt gạo, hoàn thiện hồ sơ để xin công nhận giống lúa quốc gia.
(Nguồn Báo Thanh Niên - TIẾN TRÌNH)