Tân sinh viên           Người học         Viên chức           Cựu sinh viên         EN

Sinh viên Trường Đại học Cần Thơ tham gia chương trình học tập trải nghiệm AUN ASEAN (AELP) lần thứ 3 năm 2023

Từ ngày 18/6 đến ngày 24/6/2023, đoàn sinh viên của Khoa Phát triển Nông thôn, Trường Đại học Cần Thơ đã tham gia Chương trình học tập trải nghiệm AUN ASEAN (AELP) lần thứ 3 năm 2023. Chương trình do mạng lưới các Đại học Đông Nam Á (AUN) đăng cai tổ chức tại Singapore với sự tham gia của 22 trường đại học thành viên AUN từ 9 quốc gia gồm: Brunei, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Trong đó, Trường Đại học Cần Thơ cùng với Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là ba thành viên đến từ Việt Nam.

AELP là chương trình được khởi xướng bởi mạng lưới các sinh viên AUN (AUN-SAN) vào năm 2017, tập hợp các sinh viên chưa tốt nghiệp từ các trường đại học thành viên AUN cho một chương trình học tập trải nghiệm kéo dài một tuần, nơi sinh viên có thể tham gia đối thoại với các chuyên gia, học hỏi từ các chuyến thăm thực nghiệm và đưa ra các giải pháp cho các vấn đề nổi lên của khu vực ASEAN.

 Khai mạc chương trình tại Đại học Quốc gia Singapore

Chương trình được tổ chức nhằm tạo cơ hội cho sinh viên các trường đại học thành viên học tập, trải nghiệm và hòa nhập văn hóa với các nước trong AUN, tiếp thu kiến thức về các vấn đề ảnh hưởng đến khu vực ASEAN, đồng thời áp dụng kiến thức thu được khi trở về nước cho các dự án quốc gia và khu vực. Bên cạnh đó, chương trình còn nhằm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn về các khía cạnh văn hóa xã hội và kết nối tất cả các sinh viên đại học ASEAN hướng đến các hoạt động hợp tác tiềm năng giữa sinh viên của các trường đại học thành viên.

Tại AELP 2023 với chủ đề: “Quốc gia Thông minh: Đổi mới Quốc gia thông qua Công nghệ”, các đại biểu tham gia chương trình được tìm hiểu và khám phá về khái niệm Quốc gia thông minh dựa trên 4 chuyên đề chính:

1. Quy hoạch thị trấn: Thị trấn bền vững hỗ trợ công nghệ

2. Giao thông vận tải: Tận dụng công nghệ để tăng cường hệ thống giao thông

3. Chăm sóc sức khỏe: Ứng phó với Covid và tương lai của ngành chăm sóc sức khỏe

4. Xã hội sẵn sàng cho kỹ thuật số: Bao gồm công dân trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số.

Những người tham gia đã trải qua các buổi gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ với các giáo sư và những người có chuyên môn trong lĩnh vực. Tại đây, các sinh viên đã đặt câu hỏi và được giải đáp thắc mắc bởi những chuyên gia hàng đầu Singapore. Sau khi được cung cấp kiến thức từ những chuyên gia, các đại biểu được trải nghiệm tương tác thực tế để hiểu sâu hơn về những khái niệm đã học. Khi kết thúc chương trình, các sinh viên thuyết trình để trình bày giải pháp giải quyết vấn đề được thảo luận.

Quy trình học tập và trải nghiệm tại chương trình

Buổi trò chuyện, tương tác giữa các thành viên trong nhóm

Tìm hiểu không gian sống HDB Hub

Quy hoạch đô thị thông minh gắn liền với công nghệ

Tham gia trải nghiệm ngồi trên xe tự lái

Đối thoại giữa Tiến sĩ Eric Wong và sinh viên

Sinh viên tham gia đóng vai bệnh nhân và nhân viên chăm sóc sức khỏe

Tham gia trải nghiệm “chuyến du hành xuyên khoảng cách”

Công nghệ tương tác thực tế ảo

Các sinh viên đến từ các quốc gia khác nhau được chia vào 6 nhóm, mỗi nhóm có từ 6 – 7 sinh viên. Trong đó có tối đa 2 sinh viên đến cùng một quốc gia. Tất cả đã làm việc nhóm cùng nhau để tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề đặt ra. Các đại biểu sinh viên đến từ các quốc gia khác nhau, có nền văn hóa khác nhau nhưng họ đều rất thân thiện, sẵn sàng hợp tác cùng nhau để đưa ra kết quả tốt nhất.

Sinh viên Phan Thị Diễm My (hàng trên bìa phải), Khoa Phát triển nông thôn thảo luận nhóm để tìm ra giải pháp cho vấn đề

Với kinh nghiệm và kiến thức đã học được khi tham gia Chương trình, các đại biểu đã tổng hợp lại các giải pháp để trình bày tại phần báo cáo cuối cùng.

Bài báo cáo cuối cùng về giải pháp khắc phục vấn đề

 Sinh viên Âu Thị Nhu Mỳ (bìa phải)- Khoa Phát triển nông thôn cùng nhóm 5 nhận giải Best Presentation

Ngoài ra, tham gia hoạt động “Bữa tối văn hóa”, các đại biểu của Trường Đại học Cần Thơ xuất hiện trong trang phục truyền thống, nhằm giới thiệu văn hóa của người dân Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Mỗi bộ trang phục tượng trưng cho nét đẹp của từng quốc gia đã tạo nên một không gian đa văn hóa đầy màu sắc.

Trang phục truyền thống các quốc gia trong bữa tối văn hóa

Chương trình AELP 2023 là cầu nối giúp sinh viên phát triển các kỹ năng mềm, mở rộng mạng lưới quốc tế và hiểu về văn hóa và ngôn ngữ của các quốc gia trong khu vực ASEAN. Hy vọng với những sự hiểu biết mới khi tham gia học tập và trải nghiệm tại “Đảo quốc sư tử” với nền tảng khoa học – công nghệ hiện đại, các đại biểu sinh viên của Trường Đại học Cần Thơ ngày càng phát triển và vươn xa hơn nữa.

Bế mạc chương trình

 

(Ban Biên tập Website) 

Lượt xem: 916

DỊCH VỤ TIỆN ÍCH

THÔNG TIN

CÔNG KHAI