Đ/c Trần Thị Thanh Hiền, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Cần Thơ, Bí Thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ thay mặt Đoàn đại biểu thành phố Cần Thơ phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. (Nguồn: TTXVN) |
Thành phố Cần Thơ với vị trí địa lý trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), được Bộ Chính trị xác định trong Nghị quyết số 45-NQ/TW, ngày 17/02/2005 là thành phố giàu tiềm năng, giữ vai trò rất quan trọng cả về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh, là động lực phát triển của ĐBSCL, là trung tâm giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của vùng và cả nước. Vì vậy, xây dựng thành phố Cần Thơ thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ĐBSCL, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá - hiện đại hoá là chủ đề xin được tham luận tại Đại hội Đảng toàn quốc lần này.
Thưa quý vị đại biểu, thưa Đại hội!
ĐBSCL hiện có hơn 17,5 triệu người, kinh tế ĐBSCL đang đóng góp khoảng 18,5% GDP của cả nước. Trong đó, thành phố Cần Thơ chiếm tỷ trọng 12% GDP toàn vùng và là địa phương có tiềm lực kinh tế lớn nhất vùng. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định Thương mại/Dịch vụ - Công nghiệp - Nông nghiệp công nghệ cao là 3 trụ cột quan trọng cho sự phát triển. Yếu tố quan trọng để thành công của 3 trụ cột này là vốn - khoa học và công nghệ - con người, trong đó nguồn lực con người chất lượng cao là quan trọng nhất.
Trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của vùng và cả nước là một thách thức đối với thành phố Cần Thơ nhưng cũng là trách nhiệm của một thành phố trung tâm, đóng vai trò động lực cho sự phát triển của toàn vùng.
a) Khái quát về thực trạng giáo dục và đào tạo của ĐBSCL và thành phố Cần Thơ:
Tính đến năm học 2014-2015 thì ĐBSCL có 43 trường đại học, cao đẳng và 30 trường trung cấp chuyên nghiệp. Thành phố Cần Thơ hiện là nơi quy tụ nhiều cơ sở đào tạo cao đẳng và đại học vùng với 05 trường đại học, 01 phân hiệu đại học, 01 Học viện Chính trị, 05 trường cao đẳng và 12 trường trung cấp chuyên nghiệp. Quy mô đào tạo hệ chính quy trong các trường đại học, cao đẳng và trung cấp của ĐBSCL là 156.004 học sinh và sinh viên (trong đó hơn 74% là sinh viên đại học và cao đẳng); riêng thành phố Cần Thơ có 76.677 học sinh, sinh viên đại học, cao đẳng, trung cấp hệ chính quy. Quy mô đào tạo sau đại học là 4.260 (trong đó có 234 nghiên cứu sinh). Số sinh viên/vạn dân là 169. Lực lượng lao động đã qua đào tạo của ĐBSCL (đào tạo từ 3 tháng trở lên) năm 2013 là 10,4% (so với 30,2% của Hà Nội và 31,6% của thành phố Hồ Chính Minh - Tổng cục Thống kê, 2014); lao động qua đào tạo đạt 46,5%. Song, cũng cần nhận định rằng hiện nhiều học sinh giỏi có xu hướng không theo học ở các trường tại thành phố Cần Thơ và học sinh, sinh viên giỏi tốt nghiệp ở các trường tại thành phố Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL lại tìm việc ở các nơi khác; điều này, có tác động đến sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao và tác động đến sự phát triển giáo dục và đào tạo của toàn vùng.
Theo Quyết định số 37/2013/QĐ-TTg ngày 26/06/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng giai đoạn 2006-2020, vùng ĐBSCL đến năm 2020 dự kiến có 50 trường (bao gồm 20 trường đại học và 30 trường cao đẳng). Hiện nay, toàn vùng đang có 7 dự án thành lập trường đã có chủ trương thành lập (04 trường đại học và 03 trường cao đẳng). Như vậy, số lượng trường đại học, cao đẳng của vùng đã phù hợp với quy hoạch được duyệt. Có thể nhận định là số lượng cơ sở đào tạo đại học và cao đẳng đang có của ĐBSCL và thành phố Cần Thơ nếu khai thác tối ưu sẽ đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho vùng.
b) Định hình cơ cấu và cung cầu nguồn nhân lực chất lượng cao:
Hiện nay, hoạt động kinh tế của các tỉnh ĐBSCL nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng chưa thu hút được nhiều đầu tư nước ngoài, tỉ trọng công nghệ cao áp dụng trong các ngành sản xuất (nhất là trong công nghiệp và nông nghiệp) còn thấp nên nhu cầu lao động qua đào tạo với tay nghề cao (chất lượng cao) chưa nhiều. Nhưng, với chiến lược và xu thế phát triển của toàn vùng là ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao năng suất lao động sẽ được đẩy mạnh trong giai đoạn tới, nên sự xác định cơ cấu nguồn nhân lực chất lượng cao để tối ưu hóa quá trình đào tạo là rất quan trọng. Bên cạnh đó, quá trình hội nhập cộng đồng kinh tế khu vực và thế giới (như ASEAN, AFTA, TPP,…) cũng sẽ tạo nên sự chuyển dịch lao động, đặc biệt là nhu cầu lao động được đào tạo chất lượng cao đáp ứng phát triển kinh tế - xã hội sẽ gia tăng và cũng là áp lực khá lớn cho khu vực.
Vì thế, để có được chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thành phố Cần Thơ sẽ chủ trì phối hợp với các Bộ/Ngành, các địa phương trong vùng thực hiện giám sát nhu cầu (CẦU) lao động theo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội dài hạn, kể cả lao động cho xuất khẩu và khả năng đào tạo hiện tại cũng như về lâu dài (CUNG) của các đơn vị đào tạo ở ĐBSCL và thành phố Cần Thơ để có kế hoạch tổng thể sát với thực tế; quá trình thực hiện sẽ không gây mất cân đối về cơ cấu lao động và trình độ lao động trong xã hội, hạn chế tình trạng lãng phí lao động hoặc sử dụng lao động không hiệu quả.
Thực trạng cho thấy, các cơ sở đào tạo hiện có ở thành phố Cần Thơ và vùng ĐBSCL đang có sự mất cân đối về cơ cấu ngành nghề. Nhiều ngành nghề về kỹ thuật và công nghệ, văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc - xây dựng,... vẫn đang còn thiếu hoặc chưa phát triển mạnh. Quyết định số 37/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ là phải điều chỉnh cơ cấu số lượng sinh viên được đào tạo theo nhóm các ngành và phải giảm dần tỷ trọng sinh viên đại học so với tổng số sinh viên đại học, cao đẳng.
c) Định hướng giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao:
Thành phố có Trường Đại học Cần Thơ với quy mô lớn, là một trong vài trường hàng đầu của cả nước, Đại học Y Dược Cần Thơ đang phát triển nhanh đã khẳng định được thương hiệu trong đào tạo chất lượng ở bậc đại học và sau đại học đối với nhiều ngành; một số trường đại học và cao đẳng khác trên địa bàn cũng đã ít nhiều thu hút người học qua chất lượng đào tạo. Vì vậy, thành phố Cần Thơ định hướng rõ về chiến lược dài hạn. Cụ thể:
Một là, căn cứ vào CUNG - CẦU so với cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo của các trường cao đẳng, đại học đang có trên địa bàn và toàn vùng để định hình nhu cầu phát triển thêm cơ sở đào tạo đúng lộ trình hợp lý, có tính khả thi.
Hai là, phát triển cơ sở đào tạo hiện có và xây dựng cơ sở mới đảm bảo chất lượng cao không thể tức thời mà phải có quá trình, trong đó cần có đội ngũ cán bộ giảng dạy, cơ sở vật chất và nhiều yếu tố khác. Vì thế, thay vì mở thêm nhiều cơ sở mới để trở thành trung tâm đào tạo, thành phố cần chủ động liên kết các cơ sở đào tạo hiện có trong và ngoài thành phố Cần Thơ đi cùng với cơ chế chính sách khuyến khích hợp lý để thu hút đầu tư vào phát triển cơ sở đào tạo; bao gồm đầu tư ngoài nhà nước (ngoài công lập, các trường quốc tế) và chuẩn bị nguồn lực cán bộ có trình độ cao tham gia vào hệ thống đào tạo. Bên cạnh đó, chắc chắn phải có vai trò của Chính phủ trong việc tiếp tục đầu tư đột phá cho hệ thống đào tạo của ĐBSCL mà lấy thành phố Cần Thơ làm trọng tâm.
Ba là, tiếp cận đào tạo nói chung và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao như là một “dịch vụ” chứ không đơn thuần là đào tạo theo nhiệm vụ chính trị của địa phương hay của nhà nước. Chính dịch vụ mới tiếp cận tốt nhất đến nhu cầu về chất lượng, số lượng và thu hút sự đầu tư vào lĩnh vực đào tạo. Xây dựng chính sách gắn kết với doanh nghiệp trong sử dụng lao động và thu hút doanh nghiệp cùng tham gia vào quá trình đào tạo để vừa có thêm nguồn đầu tư, vừa sử dụng lao động sau đào tạo có hiệu quả. Phát triển và gắn kết các tổ chức xã hội - nghề nghiệp với doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và cơ quan quản lý nhà nước cũng là thành tố quan trọng cần được quan tâm.
Bốn là, có các chính sách trực tiếp và gián tiếp giúp quy tụ tài năng cho hệ thống đào tạo từ bên trong cả bên ngoài vùng như sinh viên giỏi, những giảng viên có năng lực giảng dạy tốt, những nhà nghiên cứu xuất sắc có khả năng sáng tạo và chuyển giao tri thức vượt trội tham gia vào hệ thống đào tạo đạt chất lượng cao. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến các yếu tố khác như xây dựng và duy trì một thành phố sáng, xanh, sạch, đẹp, đáng sống; có các chính sách cùng các điều kiện thuận lợi trong hoạt động chuyên môn,… sẽ có tác động rất tích cực không chỉ thu hút nguồn nhân lực đến làm công tác đào tạo, các nhà đầu tư vào giáo dục mà còn thu hút nhiều người đến học tập và làm việc tại Cần Thơ.
Năm là, thành phố cần sự hỗ trợ về cơ chế và chính sách của Nhà nước để có thể thu hút các nguồn vốn ODA và FDI đầu tư cho giáo dục đại học, riêng thành phố sẽ tạo điều kiện mời gọi các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp xây dựng các Viện/Trung tâm nghiên cứu và các cơ sở đào tạo tại thành phố Cần Thơ, qua đó gắn kết nghiên cứu với đào tạo và tham gia đào tạo.
d) Vai trò của Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo:
Trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thì nhất thiết thành phố Cần Thơ cần được tiếp sức của Chính phủ và sự hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng các Bộ/Ngành chủ quản của các cơ sở đào tạo về cơ chế quản lý nhà nước. Cơ chế chính sách phù hợp sẽ kêu gọi được sự đầu tư ngoài nhà nước vào đào tạo.
Ngoài ra, Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo cần trao quyền tự chủ đầy đủ hơn cho các trường đại học; khích lệ quyền tự do học thuật của sinh viên, giảng viên và nhà nghiên cứu cũng như khuyến khích các trường đạt được chất lượng cao trong đào tạo.
e) Phát huy lợi thế hệ thống giáo dục - đào tạo:
Thứ nhất, phát huy lợi thế hệ thống giáo dục - đào tạo trên địa bàn: Thành phố Cần Thơ đã đầu tư xây dựng được hệ thống giáo dục và đào tạo khá hoàn chỉnh, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo. Trong giai đoạn mới, thành phố Cần Thơ tiếp tục duy trì và nâng cao tỷ lệ đạt chuẩn phổ cập giáo dục từ mầm non đến trung học phổ thông; tập trung đầu tư xây dựng và phát triển các cơ sở dạy nghề, trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học do thành phố quản lý; tạo điều kiện thuận để đa dạng hóa các loại hình trường và cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố phát triển để tạo nền tảng vững chắc cho việc đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ thanh niên đúng độ tuổi vào học bậc trung học phổ thông đạt 70%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 75% đến 80%.
Thứ hai, phát huy vai trò của Trường Đại học Cần Thơ trong việc đào tạo đa dạng nguồn nhân lực cho toàn vùng: Trường Đại học Cần Thơ là một trong các trường có quy mô lớn nhất của ĐBSCL và cả nước. Trường Đại học Cần Thơ đang đào tạo hơn 36.656 sinh viên chính quy (có hơn 10% sinh viên sau đại học); có hơn 1.200 cán bộ giảng dạy có trình độ cao (85,5% có trình độ sau đại học; 25% tiến sĩ và 115 Giáo sư và Phó Giáo sư). Thế mạnh của Trường Đại học Cần Thơ là đa ngành, trong đó có nhiều ngành đã khẳng định được thương hiệu chất lượng trong và ngoài nước như nông nghiệp, thủy sản, kinh tế, công nghệ thông tin… và đặc biệt là Trường Đại học Cần Thơ đang được đầu tư vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản hơn 100 triệu USD để nâng cao hơn nữa năng lực đào tạo các lĩnh vực thế mạnh (nông nghiệp, thủy sản, môi trường và một số lĩnh vực có liên quan). Như vậy, trong thời gian tới Trường Đại học Cần Thơ sẽ đủ năng lực tiếp tục làm trụ cột đào tạo cán bộ giảng dạy cho các trường trong vùng và và hỗ trợ đào tạo cho các trường của thành phố Cần Thơ để đảm nhận vai trò đào tạo và hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng ở nhiều lĩnh vực.
Thứ ba, phát huy vai trò của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ trong việc đào tạo nguồn nhân lực y tế cho toàn vùng: Trường Đại học Y Dược Cần Thơ qua quá trình hơn 35 năm xây dựng và phát triển đã đào tạo hàng vạn sinh viên tốt nghiệp ra trường, bổ sung quan trọng nguồn nhân lực ngành y tế cho thành phố Cần Thơ và vùng ĐBSCL. Trong giai đoạn tới, tập trung xây dựng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ thành trường đại học đào tạo nguồn nhân lực y tế có chất lượng cao cho vùng và cả nước, đáp ứng yêu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; phấn đấu xây dựng một chương trình đào tạo tiên tiến, là trung tâm nghiên cứu khoa học, ứng dụng các thành quả nghiên cứu vào công tác giảng dạy, khám và điều trị bệnh nhân; từng bước hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, tập trung mọi nguồn lực đủ điều kiện thành lập đại học khoa học sức khỏe sau năm 2020.
Kính thưa Đại hội, trên đây là một số ý kiến tham luận của Đoàn đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ với vấn đề xây dựng thành phố Cần Thơ thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng ĐBSCL. Chúng tôi hy vọng với sự phấn đấu của thành phố cùng sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, thành phố sẽ làm tròn nhiệm vụ của mình đối với ĐBSCL và cả nước.
Xin cảm ơn Đại hội. Chúc Đại hội thành công tốt đẹp!