Ngày 09/3/2019, tại Nhà Điều hành, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) vinh dự đón tiếp đoàn Nghị viện và Đại sứ quán Vương quốc Bỉ tại Việt Nam đến thăm trường do ông Georges Dallemagne, thành viên Nghị viện làm Trưởng đoàn, nhằm tìm hiểu, thúc đẩy hợp tác giữa Trường ĐHCT và các đối tác Bỉ. Tiếp đoàn có GS.TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng cùng đại diện lãnh đạo các khoa, viện, phòng ban trực thuộc.
Trường ĐHCT đón tiếp đoàn Nghị viện và Đại sứ quán Vương quốc Bỉ |
Tại buổi tiếp đón, GS.TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT đã gửi lời chào mừng nồng nhiệt đến đoàn Nghị viện và Đại sứ quán Vương quốc Bỉ, đồng thời giới thiệu thông tin tổng quan, thế mạnh và những hoạt động nổi bật của Trường ĐHCT trong hoạt động hợp tác quốc tế qua quá trình hình thành và phát triển. Đại diện đoàn Nghị viện và Đại sứ quán Bỉ cũng đã gửi lời cảm ơn đến buổi tiếp đón nồng nhiệt từ Trường ĐHCT và bày tỏ mong muốn tìm hiểu về các hoạt động của Trường, những thách thức đang đặt ra đối với vùng ĐBSCL, tình hình biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến canh tác nông nghiệp hay sự thiếu hụt nguồn nước ngọt, bên cạnh các chương trình hợp tác về đào tạo sau đại học với các đối tác Bỉ.
GS.TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT phát biểu chào mừng đoàn công tác, thông tin tổng quan về Trường và hoạt động hợp tác với các đối tác Bỉ |
Ông Georges Dallemagne, thành viên Nghị viện Bỉ, Trưởng đoàn, phát biểu tại buổi gặp gỡ |
Mối quan hệ hợp tác giữa Trường ĐHCT với các đối tác Bỉ được thành lập từ những năm 80, bắt đầu với nghiên cứu trong lĩnh vực thủy sản, cụ thể, sản xuất Artemia và hệ thống canh tác lúa-cá, nghiên cứu cải tạo đất. Sau đó là chương trình hợp tác với các trường đại học phía Bắc nước Bỉ (Vrije Universiteit Brussel, Catholic University of Leuven, University of Antwerp, University of Ghent, University of Liege, University of Namur,...) về tăng cường năng lực cơ sở đào tạo. Nhờ các dự án hợp tác này, cơ sở hạ tầng của Trường đã được nâng cấp, năng lực nghiên cứu được phát triển (đào tạo 12 tiến sĩ, 46 thạc sĩ, 71 khóa ngắn hạn, 120 lượt trao đổi cán bộ) góp phần phát triển ĐBSCL về lĩnh vực sản xuất nông-thủy sản bền vững, bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững, phát triển nông thôn và cải thiện tình hình kinh tế xã hội.
Trong chương trình VLIR-IUC, Trường ĐHCT tiếp nhận hơn 100 giáo sư và chuyên gia kỹ thuật từ Bỉ đã đến làm việc hàng năm, thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa Bỉ và Việt Nam. Đặc biệt, những năm gần đây, mối quan hệ giữa ĐHCT và ĐH Ghent mở ra bước ngoặc mới qua chương trình VLIR Vietnam Network từ năm 2013 (giai đoạn 1). Đây là chương trình hợp tác giữa các viện trường phía Việt Nam và Bỉ trong đào tạo sau đại học trong lĩnh vực thủy sản và công nghệ thực phẩm với 20 học viên cao học từ châu Phi, Đông Nam Á và Việt Nam. Giai đoạn 2 của chương trình được thảo luận và triển khai vào năm nay.
Trong những năm 1990 đến 2010, gần 140 cán bộ, giảng viên Trường ĐHCT chọn Bỉ làm điểm đến để tìm kiếm và hoàn thành chương trình đào tạo sau đại học. Ngoài ra, chương trình Mekong 1000 - đào tạo 1000 cán bộ cho vùng ĐBSCL do Trường ĐHCT điều phối - đã có 28 ứng viên theo học chương trình thạc sĩ tại Bỉ.
Dựa trên thành quả của các dự án và hoạt động hợp tác giữa hai bên, tin tưởng rằng sắp tới đây, nhiều dự án hợp tác mới và cơ hội trao đổi kinh nghiệm với các giáo sư và chuyên gia Bỉ được mở ra, giúp tăng cường, mở rộng các hoạt động hợp tác giữa hai bên.
Ông Georges Dallemagne và GS.TS. Hà Thanh Toàn trao quà lưu niệm |
Đoàn đến Khoa Thủy sản - Trường ĐHCT tham quan mô hình nuôi cá thích ứng biến đổi khí hậu |
...và Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu - Trường ĐHCT để tìm hiểu về tình hình biến đổi khí hậu ở ĐBSCL và một số giải pháp thích ứng |
(Tin, ảnh: Trung tâm Thông tin và Quản trị mạng)