Ngày 02/02/2013, tại nhà riêng của Đ/c Phạm Sơn Khai, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) nhiệm kỳ 1976-1989, Trường ĐHCT đã tổ chức Lễ Trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất theo Quyết định của Chủ tịch nước cho đồng chí. Đến dự có Đ/c Nguyễn Thanh Sơn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ; Đ/c Lê Phước Thọ, nguyên UV Bộ Chính trị, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; GS.TS Trần Hồng Quân, Nguyên UV Trung ương Đảng, nguyên Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các đồng chí đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tại TP. Cần Thơ và các đồng chí lão thành cách mạng. Phía Trường ĐHCT có Ban Giám hiệu và đại diện lãnh đạo các đơn vị của Trường đã đến chúc mừng Đ/c Phạm Sơn Khai.
|
PGS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT phát biểu về những đóng góp và cống hiến của Đ/c Phạm Sơn Khai, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHCT nhiệm kỳ 1976-1989, bày tỏ lời cảm ơn thành kính và lời chúc mừng nồng ấm của tập thể Trường ĐHCT đến đồng chí |
Đ/c Phạm Sơn Khai sinh ngày 20/7/1920 tại xã Thạch Đông, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang. Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đất nước và nhân dân bị đô hộ, áp bức bởi giặc ngoại xâm, đồng chí đã sớm ý thức được tinh thần đấu tranh giành độc lập-tự chủ của dân tộc và tự nguyện hăng hái tham gia cách mạng từ tháng 8/1945, góp phần cùng với Đảng và nhân dân đấu tranh chống giặc ngoại xâm để đem lại hòa bình, độc lập dân tộc và chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ. Từ khi tham gia cách mạng, Đồng chí được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao nhiều nhiệm vụ khác nhau như: Trưởng ban kháng chiến xã Thạnh Đông tỉnh Rạch Giá; Bí thư chi bộ, Chủ tịch UBND các xã Thổ Sơn, Vĩnh Thạnh Vân tỉnh Rạch Giá; Bí thư huyện ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến, Chủ nhiệm Ủy ban Mặt trận Việt Minh huyện Châu Thành tỉnh Rạch Giá; Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính huyện Gò Quao tỉnh Rạch Giá; Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính huyện Châu Thành, tỉnh Cần Thơ.
Từ năm 1954, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, đồng chí tập kết ra miền Bắc, lần lượt giữ các chức vụ: Bí thư chi bộ và trong Ban lãnh đạo xây dựng Trường ĐH Nông Lâm thuộc Bộ Nông nghiệp Hà Nội; Thường trực Đảng ủy, Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ Trường ĐH Nông Lâm; Trưởng phòng Quản trị tài vụ Học viện Nông Lâm; Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cơ khí nghiệp vụ thuộc Bộ Nông nghiệp; Thường vụ Đảng ủy Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương.
Từ đầu năm 1973, Đ/c Phạm Sơn Khai được Trung ương giao nhiệm vụ về công tác tại Khu ủy Tây Nam Bộ, được Khu ủy giao nhiệm vụ làm phái viên của Khu ủy, sau đó được bổ nhiệm là Ủy viên Ban Tổ chức Khu ủy phụ trách lịch sử Đảng khu Tây Nam Bộ đến ngày miền Nam hoàn toàn toàn giải phóng.
Từ tháng 5/1975, Đ/c Phạm Sơn Khai được Đảng và Nhà nước giao chức vụ Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường ĐHCT. Trong những ngày đầu khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Trường ĐHCT gặp rất nhiều khó khăn, gian khổ trong bối cảnh chung của đất nước bị bao vây, cấm vận. Tuy vậy, cùng với các vị lãnh đạo tiền bối đương thời, đồng chí đã không ngại khó khăn cùng chèo chống, quyết tâm đưa Trường ĐHCT vượt qua cam go, thử thách, vững bước đi lên, xây dựng Trường ĐHCT phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực và ngày càng lớn mạnh, có uy tín và được nhân dân tin tưởng và yêu mến. Trường ĐHCT đã trở thành ngôi trường đại học có truyền thống gắn bó với nhân dân và với đời sống sản xuất.
Trong các nhiệm kỳ hiệu trưởng, Đ/c Phạm Sơn Khai đã tập hợp và đẩy mạnh tình đoàn kết với các lực lượng tri thức, cùng đóng góp phát triển nhà trường và xã hội, kiên trì nỗ lực vượt qua những điều kiện khó khăn, khắt nghiệt. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, tập thể Trường ĐHCT đã nỗ lực đóng góp to lớn cho thành tựu về nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản, góp phần phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như: sản xuất giống lúa mới, ngắn ngày với năng suất cao, giống đậu nành, đay và các loại cây trồng, men thức ăn gia súc, nem bánh nổi, phân vi sinh, các loại nấm mèo, nấm rơm, giữ và chọn giống heo tốt cho chăn nuôi v.v. Đặc biệt, dù điều kiện khó khăn nhưng trong năm học 1979-1980, Trường ĐHCT đã thành lập Khoa Y-Nha-Dược (tiền thân của Đại học Y dược Cần Thơ sau này) để đào tạo đội ngũ bác sĩ, dược sĩ phục vụ nhu cầu y tế, khám chữa bệnh của người dân trong vùng. Hay trong những năm 1977-1978, dịch rầy nâu bùng phát trên diện rộng gây hại nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp ở vùng ĐBSCL, Đ/c Phạm Sơn Khai đã sát cánh cùng với các đồng chí trong Đảng ủy và Ban Giám hiệu Trường ĐHCT lãnh đạo và chỉ đạo cán bộ, sinh viên của Trường ngừng giảng dạy và học tập để ra quân đẩy lùi dịch rầy nâu. Cũng từ những hoạt động này, Trường ĐHCT ngày càng gần gũi với nhân dân và được nhân dân tin yêu, đã xây dựng truyền thống của Trường là gắn kết hoạt động của nhà trường với đời sống sản xuất của nhân dân, tập trung đẩy mạnh đào tạo, nghiên cứu khoa học gắn với sản xuất, sát cánh với nhân dân trong vùng giải quyết các vấn đề trong đời sống sản xuất cho đến ngày nay.
Với những thành tích và cống hiến cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc, Đ/c Phạm Sơn Khai đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến Hạng Nhì, Huân chương kháng chiến hạng Nhất và Huân chương Lao động hạng Ba. Với tất cả những đóng góp của Đ/c Phạm Sơn Khai, ngày 13/12/2012, Chủ tịch nước đã ký Quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho đồng chí.
Đây thực sự là niềm vinh dự và hãnh diện lớn lao cho tập thể Trường ĐHCT các thế hệ hôm nay và mai sau. Tập thể Trường ĐHCT luôn tự hào về những tấm gương sáng của các bậc tiền bối, các thế hệ cha-anh đã soi đường cho thế hệ sau tiếp bước. Toàn thể cán bộ Trường ĐHCT sẽ tiếp nối và noi gương các thế hệ trước, không ngừng phấn đấu, từng bước xây dựng nhà trường lớn mạnh và có uy tín không chỉ trong khu vực mà còn khẳng định uy tín trên trường quốc tế về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đặc biệt là thế mạnh về nông nghiệp và thủy sản. Cụ thể, từ khi khai giảng năm học 1976-1977, năm học đầu tiên sau giải phóng, Trường ĐHCT chỉ có 3.000 sinh viên với 07 đơn vị đào tạo; đến nay, Trường đã có trên 48.000 sinh viên với 15 đơn vị đào tạo, đội ngũ cán bộ viên chức khoảng 2000 với trên 70% cán bộ giảng dạy có học vị thạc sĩ, tiến sĩ trở lên, nhiều cán bộ được nhà nước công nhận chức danh Giáo sư và Phó Giáo sư vì có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và góp phần phát triển kinh tế xã hội . Trong chiến lược phát triển sắp tới, tập thể Trường ĐHCT tiếp tục xây dựng và phát triển nhà trường xứng đáng là một trong các trường đại học trọng điểm của quốc gia cũng như của khu vực ĐBSCL, nỗ lực phấn đấu trở thành trường đại học xuất sắc với chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học ngang tầm quốc tế.
|
Đ/c Nguyễn Thanh Sơn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đ/c Phạm Sơn Khai |
|
PGS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐHCT đại diện nhà trường trao tặng hoa chúc mừng Đ/c Phạm Sơn Khai |
|
Đ/c Lê Phước Thọ, nguyên UV Bộ Chính trị, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương vui mừng, xúc động phát biểu chúc mừng Đ/c Phạm Sơn Khai và ôn lại những kỷ niệm vui trong quá trình công tác với đồng chí |
|
Đ/c Phạm Sơn Khai rất xúc động bày tỏ niềm vui mừng, hạnh phúc khi được gặp lại đồng đội, đồng nghiệp và những thế hệ học trò xưa |
|
Ảnh lưu niệm với Đ/c Phạm Sơn Khai |
(Tin, ảnh: Trung tâm Thông tin & Quản trị mạng và Phòng Công tác Chính trị)